Theo CBRE, bán lẻ là một trong những mảng bị ảnh hưởng nặng nhất từ đại dịch Covid-19.
Trong quý I, doanh thu bán lẻ của ngành hàng dịch vụ lưu trú ăn uống và lữ hành lần lượt giảm 9,6 và 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại các trung tâm thương mại thành phố, lượng khách đến mua sắm bắt đầu giảm từ tháng 2 và đến cuối tháng 3 đã giảm xấp xỉ 80%.
Báo cáo thị trường của CBRE cho thấy, doanh thu các ngành hàng có mức độ giảm khác nhau. Ngành hàng giáo dục gần như không có doanh thu, trong khi đó các ngành hàng như ăn uống, thời trang và phụ kiện, giải trí doanh thu có thể giảm từ 50 – 80%.
Một vài khách thuê phải tạm thời đóng cửa tại các trung tâm thương mại, tuy nhiên do nhận được hỗ trợ của chủ đầu tư nên chưa chấm dứt hợp đồng thuê. Từ sau khi có chỉ thị ngừng kinh doanh các hoạt động không cần thiết, các chủ đầu tư đã ra thông báo tạm dừng mở cửa các dự án đến hết 15/04.
Theo CBRE, gần như toàn bộ các dự án trên thành phố đã áp dụng mức giảm giá thuê trung bình 10 - 30% cho các ngành hàng khác nhau từ giữa cuối tháng 3/2020, một số ít từ tháng 2/2020 và cao nhất là miễn phí giá thuê cho ngành hàng buộc phải đóng cửa.
Đến thời điểm cuối quý I/2020, giá thuê tầng trệt và tầng một khu vực trung tâm giảm 11,4% so với quý trước và giá thuê tại khu ngoài trung tâm giảm 15,9% so với quý trước. Mức sụt giảm này sẽ cao hơn cho các vị trí ở tầng trên.
So với cùng kỳ năm trước, giá thuê khu trung tâm giảm 6,6% và giá thuê khu ngoài trung tâm giảm 17,6%.
Xét về tỷ lệ trống, tuy hiện có một vài các thương hiệu tại trung tâm thương mại đóng cửa tạm thời nhưng chưa trả mặt bằng thuê nên tỷ lệ trống vẫn giữ mức ổn định so với quý trước. Tại khu trung tâm, tỷ lệ trống không thay đổi và khu ngoài trung tâm, tỷ lệ trống tăng nhẹ 0,9 điểm phần trăm.
Dịch cúm cũng khiến sự gia nhập/mở rộng của các thương hiệu bị chững lại trong quý I/2020. Cả quý I chỉ có hai thương hiệu là Daniel Wellington (phụ kiện) và Edelkochen (gia dụng) khai trương. Trên thực tế, hai thương hiệu này đã lên kế hoạch mở cửa từ năm ngoái và đã có sự chuẩn bị sẵn sàng nên không thể dừng lại.
Còn với các dự án đang xây dựng hoặc đang triển khai cho thuê đã có dấu hiệu ngưng lại.
"Mua sắm trực tuyến không chỉ là mốt thời Covid-19 mà sẽ là xu hướng trong tương lai" - đại diện CBRE. Ảnh: Shutterstock.
Khó khăn của thị trường đã khiến các cửa hàng bán lẻ cũng gặp khó, nhưng lại là cơ hội cho lĩnh vực bán hàng trực tuyến tăng mạnh. Khảo sát của Nielsen vào tháng 2/2020 cho thấy, chi tiêu vào các mặt hàng thiết yếu như đồ ăn khô, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh tăng mạnh trung bình 35% - 70%.
Các nhà bán lẻ trực tuyến như Tiki, SpeedLotte… ghi nhận số đơn hàng trung bình trong một ngày tăng ít nhất 2 - 4 lần. Dịch vụ mua sắm trực tuyến của Co.opmart tăng 4 - 5 lần trong cùng giai đoạn. Hay với Tiki, doanh nghiệp này đã ghi nhận mức đặt hàng cao kỷ lục khi đạt gần 4.000 đơn hàng/phút trong thời gian cao điểm. Còn với Grab, doanh nghiệp này đã nhanh chóng ra mắt dịch vụ Grabmart, đi siêu thị giúp người tiêu dùng và cũng thu được nhiều thành công.
“Đây là những động thái rất nhanh thích ứng với thị trường từ phía các đơn vị bán lẻ. Thị trường bán lẻ trực tuyến, mặc dù tăng trưởng nhanh trong vòng vài năm vừa qua (tăng trung bình 39% trong 5 năm), cao hơn mức tăng của thị trường bán lẻ truyền thống (tăng trung bình 10% trong 5 năm), vẫn chỉ chiếm chưa đến 4% tổng doanh thu bán lẻ tại Việt Nam”, báo cáo thị trường của CBRE nêu rõ.
Với những diễn biến trong quý vừa rồi, bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam cho thấy tiềm năng phát triển hơn nữa với lượng dân số trẻ dồi dào và hơn 70% dân số kết nối Internet, một mức cao so với thế giới và châu Á.
Đầu tư vào nền tảng công nghệ, bán hàng đa kênh trở thành xu hướng mới thiết yếu đối với các nhà bán lẻ. Tuy nhiên, thời gian tới, với các trung tâm thương mại mới hoàn thành và đưa vào thị trường sẽ gập nhiều khó khăn về tìm kiếm khách thuê, do khách thuê dè chừng, gần như không đưa ra kế hoạch mở rộng”, đại diện CBRE cho biết.