Thị trường bán lẻ: Sôi động nửa cuối năm

(ĐTCK) Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá sôi động và hấp dẫn hơn khi niềm tin của người tiêu dùng tăng cao nhất từ trước đến nay và xu hướng bán lẻ tích hợp với công nghệ cùng sự hỗ trợ mạnh mẽ của logistic linh hoạt trở thành một làn sóng mới thúc đẩy ngành tăng trưởng.
Theo Savills Việt Nam, tỷ lệ lấp đầy của mặt bằng bán lẻ đang đạt tới 97% Theo Savills Việt Nam, tỷ lệ lấp đầy của mặt bằng bán lẻ đang đạt tới 97%

Doanh số ngành bán lẻ 6 tháng đạt 70 tỷ USD

Số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức doanh thu từ bán lẻ, hàng hóa dịch vụ tiêu dùng của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 2,1 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 92 tỷ USD. Trong đó, doanh thu từ hoạt động bán lẻ chiếm 75,3%, đạt 70 tỷ USD, tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ quý II/2018 đạt 1,3 triệu m2, thị trường cho thuê bán lẻ đang đạt công suất khá tốt với tỷ lệ lấp đầy đạt 97%. Cả ba mảng trung tâm thương mại, trung tâm bách hóa và khối đế bán lẻ đều có giá cho thuê tăng trong đó giá thuê tăng cao nhất ở khu trung tâm thương mại với mức tăng 10%, công suất cho thuê tăng 0,3%, giá dao động từ 42 USD/m2/tháng và tịnh tiến đến mức giá 45 USD/m2/tháng.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu tư vấn thị trường Savills Việt Nam cho biết, thị trường bán lẻ Việt Nam đang phát triển sôi động với sự hỗ trợ mạnh mẽ của hệ thống logistic và công nghệ thông tin.

Trong xu hướng hiện nay, thương mại điện tử gia tăng rất mạnh, doanh thu bán lẻ trực tuyến tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái, khối lượng giao dịch thương mại điện tử tăng 50%, giá trị giao dịch tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái.

Được biết, sắp tới Aeon Mall Hà Đông với quy mô hơn 100.000 m2 sắp gia nhập thị trường. Cùng với đó, dự án Lotte Mall ở Tây Hồ có quy mô 50.000 m2 mới được UBND TP. Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư.

Nghiên cứu mới nhất của Neilsen chỉ ra, bán lẻ Việt Nam đang có nhiều triển vọng tăng trưởng bởi hội tụ nhiều yếu tố như tăng trưởng kinh tế đồng đều ở nhiều ngành, thu hút vốn FDI tốt, thu nhập của người dân gia tăng, niềm tin của người tiêu dùng tăng cao, đạt mức cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ tư toàn cầu (đạt 124 điểm). Bên cạnh đó, Chính phủ có chủ trương thúc đẩy tăng trưởng bán lẻ. Theo dự báo của Savills, tăng trưởng bán lẻ 2018 dự kiến đạt khoảng 10%.

Hội tụ công nghệ - bán lẻ

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang rất hấp dẫn trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài. Ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam cho hay, gần đây, Việt Nam đang theo kịp rất nhanh với tốc độ tăng trưởng của các nước khác trong khu vực và thế giới, nhiều thương hiệu bán lẻ hàng đầu đã tìm được cơ hội phát triển ở thị trường này. Thương mại điện tử sẽ là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy ngành bán lẻ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Việc kết hợp công nghệ thông tin, logistic với công nghệ ở các trung tâm thương mại sẽ giúp thị trường bán lẻ trở nên hấp dẫn hơn. Các hệ thống trung tâm thương mại mới sẽ phải tính đến sử dụng các công nghệ để kéo người tiêu dùng đến với mình.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng, trước kia, người dân đến trung tâm thương mại chỉ để mua sắm. Việc tạo ra một trung tâm thương mại có sự kết hợp của nhiều thứ, từ công nghệ, khu vui chơi giải trí nhiều hơn, spa, yoga, gym, coowoking vừa làm việc vừa ăn uống, gặp gỡ là thứ đang thiếu ở Việt Nam, trong khi xu hướng này đã phát triển mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới.

“Mô hình bán lẻ hiện đại với nhiều không gian trải nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin, đem đến sức hấp dẫn mới cho thị trường và trở thành động lực quan trọng tạo nên sóng tăng trưởng”, bà Hằng nhấn mạnh.

Auchan Việt Nam đã rất thành công khi áp dụng các cách thức bán lẻ để thúc đẩy phát triển, kết hợp logistic linh hoạt và các công nghệ thông tin, loại hình tích hợp đến mua, giao tận nơi. Hệ thống bán lẻ này tận dụng các khối đế của các tòa nhà, tổ hợp dịch vụ và địa điểm mà Auchan tiếp cận thường là khu vực vùng ven nội đô, thay vì vào trung tâm như một số nhãn hàng khác.

Về cơ cấu ngành hàng bán lẻ, hiện nay đang nghiêng khá nhiều về ngành thời trang, mỹ phẩm (26%), tiếp theo là ngành vui chơi giải trí (25%). Khảo sát của Nielsen cho thấy, ngoài phần tiết kiệm thì trong chi tiêu, người tiêu dùng sẽ dành cho quần áo, thời trang, các sản phẩm công nghệ, vui chơi giải trí, đồ gia dụng. Với việc lựa chọn này trong thời gian sắp tới sẽ làm thay đổi cơ cấu ngành hàng trong các trung tâm thương mại.

Hải Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục