Theo CBRE Việt Nam, trong quý I/2024, tỷ lệ lấp đầy trung bình toàn thị trường bán lẻ Hà Nội và TP.HCM đạt lần lượt 89% và 90%, tăng nhẹ theo năm. Xu hướng trung tâm thương mại được lấp đầy bởi các khách thuê lớn ngày càng rõ nét để đảm bảo cung cấp cho khách mua sắm trải nghiệm đa dạng các dịch vụ, tiện ích.
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, CBRE TP.HCM cho biết, hầu hết các giao dịch thuê trong quý đầu năm nay đều đến từ các thương hiệu nước ngoài khi họ mở rộng mạng lưới tại Hà Nội và TP.HCM với đa dạng các ngành hàng, từ thời trang, ăn uống… đến siêu thị. Trong đó, nổi bật là hoạt động khai trương của 2 nhãn hàng thời trang cao cấp Rene Caovilla tại Union Square, TP.HCM và The Hour Glass Opera tại 63 Lý Thái Tổ, Hà Nội.
Thông tin thêm về thị trường Hà Nội, bà Hoàng Nguyệt Minh - Giám đốc Bộ phận Cho thuê thương mại, Savills Hà Nội cho hay, trong quý I/2024, thị trường này chào đón 1 dự án mới là khu phức hợp The Linc tại Khu đô thị Park City Hà Nội với 10.581 m2 diện tích cho thuê, nên tổng nguồn cung tăng 1% theo quý và 5% theo năm.
“Trong 5 năm qua, nguồn cung bán lẻ tại Hà Nội đạt mức tăng trưởng trung bình 3%/năm. Trong đó, trung tâm mua sắm chiếm thị phần lớn nhất với tỷ trọng 63% tổng nguồn cung, tương đương 1,1 triệu m2”, bà Minh chia sẻ thêm.
Theo các chuyên gia trong ngành, thị trường thời gian qua ghi nhận những xu hướng mới, các thương hiệu bán lẻ tập trung đáp ứng nhu cầu thuê mặt bằng lớn, đặc biệt đối với các nhà vận hành ngành hàng đồ ăn và đồ uống.
Chẳng hạn, tại Hà Nội, trong quý I/2024, hầu hết các giao dịch thuê được ghi nhận đến từ ngành hàng F&B (dịch vụ kinh doanh ẩm thực, nhà hàng, ăn uống): Pizza 4P’s mở rộng cửa hàng tại Lotte Center Hà Nội; Starbucks khai trương tại The Loop by Takashimaya; Bánh tráng thịt heo Giang Mỹ và Mak Mak Kitchan mở tại Hà Nội Center Point và Seafood BBQ & Hotpot Buffet tại The Artemis…
Bên cạnh đó, thời trang thể thao và mỹ phẩm cũng là những ngành hàng ghi nhận hoạt động sôi động. Ngoài ra, các thương hiệu cao cấp tận dụng cửa hàng vật lý như một kênh mang tới trải nghiệm thực tế cho khách hàng. Sự thay đổi nhu cầu của thương hiệu bán lẻ cũng đặt ra yêu cầu nâng cấp và tái cơ cấu đối với các trung tâm mua sắm để có thể thu hút các nhãn hàng.
“Hà Nội đang thu hút nhiều đơn vị bán lẻ trong các lĩnh vực F&B, thời trang và mỹ phẩm mở rộng hoạt động. Tuy nhiên, nhu cầu thuê tập trung đối với những trung tâm thương mại sầm uất, được phát triển bài bản hay khối đế bán lẻ, nơi sở hữu sẵn lượng lớn nguồn cầu, đảm bảo các yêu cầu về pháp lý cũng như phòng cháy chữa cháy. Do vậy, chủ đầu tư cần có những bước đầu tư chỉn chu, hoặc nâng cấp hay tái cơ cấu khách thuê để dự án có thể thu hút được nguồn cầu lớn hiện nay”, bà Minh nói.
Các chuyên gia cũng dự báo, thị trường bất động sản thương mại bán lẻ Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển dựa trên sự tăng trưởng nhanh chóng của dân số, tốc độ phát triển đô thị và thu nhập. Đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ, khi mà người dân đang tìm kiếm những không gian sống và mua sắm tiện nghi hơn.
“Hiện nay, những trung tâm thương mại gặp khó khăn trong việc thu hút khách thuê hầu hết đều theo mô hình truyền thống, chủ yếu tập trung vào chức năng bán hàng. Còn các trung tâm thương mại được khách thuê quan tâm là nơi cho thấy nhiều hoạt động bán lẻ mang tính trải nghiệm hơn”, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội lưu ý.