Thị phần môi giới: Cuộc đua chỉ mới bắt đầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cuộc đua giữ và giành thị phần của các công ty chứng khoán chỉ mới bắt đầu, trong bối cảnh các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ chiếm chủ đạo trên thị trường chứng khoán.
VPS đã vươn lên dẫn đầu thị phần môi giới sàn HOSE trong quý I/2021. VPS đã vươn lên dẫn đầu thị phần môi giới sàn HOSE trong quý I/2021.

SSI vẫn tốt, nhưng VPS “quá nhanh, quá nguy hiểm”

“Chúc mừng VPS là công ty chứng khoán thứ 3 sau MBS năm 2009 và HSC năm 2012 có thị phần môi giới một quý trên HOSE vượt SSI”, câu nói của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán SSI trên trang facebook cá nhân đã thu hút sự chú ý của cộng đồng môi giới cũng như cộng đồng nhà đầu tư chứng khoán.

Một câu chúc mừng thuần túy, hay có hàm ý lịch sử sẽ lặp lại?! Vượt SSI về thị phần một quý thôi, rồi SSI sẽ trở lại vị trí dẫn đầu?

Nhưng không ít môi giới VPS đã chỉ ra sự khác biệt của việc VPS vượt SSI dẫn đầu thị phần lần này không nhờ vào một giao dịch lớn, bất thường mà là cả chiến lược lấy thị phần đồng bộ với nhiều giải pháp, chiêu thức về công nghệ, về tài chính, miễn phí môi giới, phí margin cạnh tranh...

Lãnh đạo một công ty chứng khoán thừa nhận, VPS có cú huých nhờ thay đổi linh động và thức thời đánh mạnh sản phẩm tài chính cho đối tượng khách hàng này và đã chớp được thời cơ tốt. VPS cũng có tỷ lệ cho vay tốt nhờ lợi thế nguồn vốn lớn.

Còn từ góc độ khách hàng, một vài nhà đầu tư có tài khoản ở cả hai công ty cho biết, SSI có các bản tin tư vấn thị trường, mã cổ phiếu chất lượng nhưng VPS có dịch vụ rất năng động.

Chẳng hạn, khách hàng thay đổi môi giới quản lý tài khoản ở SSI thì phải mất từ 3 đến 5 ngày, ký giấy yêu cầu đổi, rồi chờ bên môi giới cũ đồng ý mới chuyển ngay được, hoặc chờ thời hạn vài ngày rồi môi giới mới tiếp nhận được tài khoản khách hàng.

Còn việc này ở VPS diễn ra trong 1 phút, bằng 1 cú điện thoại gọi đến tổng đài, đọc ID của môi giới khách hàng muốn.

Từ tài khoản chứng khoán VPS, khách hàng có thể chuyển tiền đi bất kỳ tài khoản ngân hàng nào nếu đăng ký dịch vụ, trong khi SSI và nhiều công ty khác cho chuyển đến tài khoản đăng ký trước và tài khoản ngân hàng cùng tên chủ tài khoản.

Các sản phẩm tài chính giúp khách hàng tối ưu hóa nguồn vốn như trái phiếu, quản lý tiền gửi công ty nào cũng có, nhưng sản phẩm của VPS thực sự đa dạng hơn, rất tiện cho nhà đầu tư lựa chọn từ mua trái phiếu, gửi tiền với lãi suất cao hơn lãi không kỳ hạn hay lãi suất tiết kiệm với các kỳ hạn linh hoạt khác nhau.

Đồ thị tăng trưởng thị phần của VPS từ đầu năm 2020 đến giờ là một đường đi lên dốc hơn 45 độ so với mặt bằng trước đó.

Chiến lược miễn phí môi giới của VPS cũng là một điểm nhấn quan trọng thu hút nhà đầu tư mới, mà nói đầy đủ là miễn phí giao dịch trên tài khoản đuôi 1, tức tài khoản không margin. Kèm theo là tỷ lệ hoa hồng chia cho môi giới tới 68%, thay vì 30 - 40% như các công ty khác.

Cho dù còn có những ý kiến nghi ngờ về thị phần bị tác động bởi các yếu tố kỹ thuật mang tính ảo, nhưng không thể phủ nhận thị phần thể hiện sức mạnh cạnh tranh của công ty chứng khoán trong việc cung cấp dịch vụ, sản phẩm tài chính ở một cấp độ nào đó.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Đông Á bình luận, nếu nói thị phần có yếu tố ảo hay không thì chờ xem kết quả quý II.

Khi VPS đã vươn lên vị trí số 1, không phải chỉ dựa vào các thương vụ, thì nếu có thay đổi họ cũng nằm đâu đó trong Top 3. Còn nếu họ lại rớt mạnh xuống dưới thì rõ ràng thị phần đó còn chưa bền vững.

Nếu nhìn vào con số thị phần cụ thể, SSI cũng đã có thành tích tốt trong quý I/2021 khi thị phần đạt 11,89%, tăng nhẹ so với quý trước, nhưng VPS thực sự “quá nhanh, quá nguy hiểm”, tăng thị phần 2,4 điểm phần trăm.

Đồ thị tăng trưởng thị phần của VPS từ đầu năm 2020 đến giờ là một đường đi lên dốc hơn 45 độ so với mặt bằng trước đó.

Sự lên ngôi của bán lẻ

Nếu như nhiều năm trước, môi giới các công ty chứng khoán tập trung khá nhiều vào các deal lớn, tức các nhóm khách hàng lớn, khách hàng doanh nghiệp thì với sự phát triển mạnh mẽ của nhà đầu tư F0, hoạt động bán lẻ lên ngôi.

Một lãnh đạo của Công ty Chứng khoán Trí Việt chia sẻ, Công ty đã ưu tiên dành nguồn vốn cho khách hàng cá nhân và đành từ chối một vài deal lớn dù lãi suất không hề thấp. Cho vay khách hàng cá nhân đem lại nguồn thu nhập ổn định cho Công ty, trong khi nguồn vốn chưa tăng kịp với tốc độ tăng của giá trị giao dịch thì công ty chứng khoán phải lựa chọn.

Sự lên ngôi của nhà đầu tư nhỏ lẻ - đã tác động đến bức tranh thị phần một cách rõ nét từ năm 2020 đến nay. Công ty chứng khoán nào có chiến lược tập trung cho nhà đầu tư cá nhân trong nước đã, đang và dự báo sắp tới vẫn sẽ đánh chiếm được “miếng bánh” thị phần tốt hơn.

Giám đốc tư vấn đầu tư một công ty chứng khoán nhìn nhận rằng, cuộc thay đổi thị phần lần này đến từ việc một số công ty chứng khoán chấp nhận cuộc chơi khốc liệt thông qua chính sách ưu đãi về phí giao dịch, chia sẻ lợi nhuận để thu hút môi giới để lấy thị phần. Đi kèm theo đó là quá trình đầu tư vào công nghệ, nâng cấp hệ thống giao dịch từ vài năm trước. Trong khi đó, nhiều công ty chứng khoán lại đang có quá trình chuyển dịch khá chậm chạp trước cơ hội tuyệt vời từ làn sóng tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư trong nước.

Phó tổng giám đốc công ty chứng khoán khác nhấn mạnh, điểm khác biệt trong năm nay là các deal không cần giao dịch (trading) lớn đã giảm đi so với năm 2019. Thay vào đó, công ty chứng khoán ưu tiên cho vay các hoạt động có giao dịch (chẳng hạn, trong 1 tháng phải đạt một mức giá trị giao dịch tối thiểu nào đó – PV).

Nhưng không phải công ty chứng khoán nào cũng chuyển ngay nên dư nợ lớn nhưng thị phần không tăng tương xứng. Điển hình là Mirae Asset Việt Nam, dư nợ cho vay thuộc hàng Top 2, nhưng thị phần thường ở vị trí thứ 5 đến thứ 7. Trong quý I vừa qua, Mirae Asset đứng vị trí số 6 thị phần.

Nói cách khác, một phần vốn margin không đi vào thị trường và các công ty chứng khoán vốn Hàn Quốc thường không yêu cầu giá trị giao dịch tối thiểu, thậm chí khoản vay có thể kéo dài 6 tháng mới đảo một lần, thay vì 3 tháng/lần như trước đây.

Sự lên ngôi của nhà đầu tư nhỏ lẻ đã tác động đến bức tranh thị phần một cách rõ nét từ năm 2020 đến nay.
Sự lên ngôi của nhà đầu tư nhỏ lẻ đã tác động đến bức tranh thị phần một cách rõ nét từ năm 2020 đến nay.

Với những sự khác biệt và diễn biến thị trường, đặc biệt từ quý IV/2020, nhiều ý kiến nhận định, các công ty chứng khoán hướng đến mảng bán lẻ đang có lợi thế cạnh tranh nhất định (nguồn vốn, công nghệ, sản phẩm tài chính thông minh…), không dễ bị lấy lại thị phần trong một hai quý.

Ông Tuấn cũng cho rằng, không thể nói việc chiếm thị phần không hiệu quả. Khi một công ty có thị phần lớn có thể tiếp cận nguồn vốn giá rẻ của nước ngoài vào khai thác thị phần đó qua các dịch vụ tài chính, hay khai thác dữ liệu khách hàng lớn cho bán trái phiếu, bảo hiểm. Một công ty sẽ có mục tiêu cụ thể khi muốn vươn lên chiếm thị phần lớn.

Ai cũng phải nhìn lại mình

Việc VPS vươn lên vị trí thị phần số 1 đúng vào thời điểm đầu năm 2021 là một nhân tố đáng kể tác động đến các công ty chứng khoán trong xây dựng chiến lược kể từ năm nay.

Ghi nhận thông tin trên thị trường, các công ty chứng khoán đều đang tìm cách củng cố lợi thế của mình, chẳng hạn như HSC, VND, SSI, MBS, Yuanta… đang liên tục cải thiện hệ thống giao dịch.

“HSC đang làm nền tảng tuyệt vời, VND cũng rất tốt… họ sẽ là các đơn vị có sức cạnh tranh tốt. Nếu duy trì chính sách giá như hiện nay, sẽ có lúc VPS không chịu nổi và nếu tăng lên thì khách hàng sẽ chuyển qua công ty khác”, giám đốc một công ty chứng khoán dự báo.

Nhưng cạnh tranh sẽ còn khốc liệt hơn bởi các “tay chơi” mới. Sẽ có thêm vài công ty chứng khoán ngoại có quy mô vốn thuộc Top đầu thị trường có chủ trương tăng vốn, thu hút thị phần và sau đó đẩy mạnh cho vay thông qua phát triển các sản phẩm tài chính, các sản phẩm chuyên biệt có mức phí cao hơn, chẳng hạn dịch vụ quản lý tài sản có thu phí.

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán, một đại gia trong làng bất động sản sẽ trở thành cổ đông chiến lược của một công ty chứng khoán nhỏ. Các thỏa thuận đã tiến hành và chỉ chờ hoàn thành thủ tục với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để công bố.

Một số công ty chứng khoán nhỏ với 1% thị phần đang tập trung vào cho vay để hưởng lợi từ miếng bánh nở to ra.

Sự đi lên của những công ty chứng khoán như VPS, VND cho thấy, công ty nào không có thay đổi lớn về sản phẩm dịch vụ, chính sách nhân sự cũng như khách hàng… đã lỗi thời, không còn phục vụ được số đông.

Nhưng nhìn từ góc độ khác, thị trường 2020 đến nay là thị trường uptrend, cơ hội đầu tư rộng mở, là điều kiện rất thuận lợi để các công ty chứng khoán tăng thị phần bằng miễn phí giao dịch “gặp thời”. Nhưng khi thị trường vào giai đoạn ít cơ hội hơn thì chưa thể nói trước được về lợi thế cạnh tranh mỗi bên, nên cuộc đua thị phần còn nhiều bất ngờ.

Ông Tô Hải, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCI) chỉ ra, thị phần có yếu tố ảo khá nhiều khi các công ty chứng khoán thực hiện mua cổ phiếu cơ sở và short sell bằng chỉ số cơ sở để nâng thị phần.

Theo ông Hải, chứng khoán là ngành đặc biệt, muốn giữ khách hàng thì phải nâng cao chất lượng dịch vụ, muốn thế phải có tiền, muốn có tiền thì kinh doanh phải sinh lời. Do đó, VCI sẽ không chạy theo thị phần mà tập trung vào tỷ suất lợi nhuận. Nếu cứ cạnh tranh bằng hạ giá, giảm phí, đến khi không giảm được nữa, hoặc có công ty khác giảm mạnh hơn, khách hàng cũng sẽ dễ rời bỏ.

Mục tiêu này cũng được nhiều công ty chứng khoán đang áp dụng, coi trọng hiệu quả từng mảng hoạt động, thay vì cạnh tranh bằng mọi giá để có được thị phần. Thị trường đang trong giai đoạn mà những công ty chứng khoán tấn công lấy thị phần bằng cách giảm phí như VPS, Mirae Asset, KBSV… nhưng giải pháp này sẽ tới ngưỡng.

Khi cơ hội đầu tư dễ dàng, nhà đầu tư cần phí thấp. Khi hội đầu tư hạn hẹp lại, đòi hỏi cả môi giới lẫn nhà đầu tư có sự tìm tòi, đánh giá cẩn trọng hơn khi ra quyết định đầu tư. Đây cũng là lúc thể hiện cái “chất” về tư vấn, về bản lĩnh và cũng là lợi thế cạnh tranh của công ty chứng khoán.

Cuộc đua thị phần của công ty chứng khoán vẫn còn nhiều gay cấn ở phía trước, mà phần thắng sẽ thuộc về công ty nào thích ứng linh hoạt với khẩu vị nhu cầu của nhà đầu tư.

Trong quý I/2021, thị phần môi giới chứng khoán cơ sở trên HOSE của HSC, VND tăng nhẹ so với quý IV/2020. Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) đã lọt vào Top 10 thị phần, đạt thị phần môi giới cổ phiếu 3,6%. Sự góp mặt của TCBS đã đẩy Chứng khoán KIS Việt Nam rớt khỏi Top 10 thị phần. Quý IV/2020, KIS Việt Nam xếp ở vị trí thứ 8 với thị phần 3,75%.

Ở tốp dưới, Chứng khoán MB (MBS) và Chứng khoán Mirae Asset hoán đổi thứ hạng cho nhau. Mirae Asset vươn lên vị trí thứ 6, trong khi MBS rớt xuống thứ 7. Chứng khoán FPT (FPTS) và Chứng khoán BSC giữ nguyên thứ hạng so với quý trước. Tổng giá trị thị phần của Top 10 chiếm 65,23%.

Phan Hằng - Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ