Thi hành án tín dụng, ngân hàng: Còn nhiều việc phải làm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thi hành án dân sự thu hồi nợ cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng nói chung và trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng là một nhiệm vụ nặng nề đối với các cơ quan thi hành án.
Tiến độ thi hành án tín dụng thường rất chậm Tiến độ thi hành án tín dụng thường rất chậm

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Các cơ quan thi hành án dân sự TP Hà Nội đang thi hành các khoản thu cho hơn 60 tổ chức tín dụng.

Trong 6 tháng đầu niên độ 2021 (từ 1/10/2020 đến 31/3/2021), tổng thụ lý án tín dụng, ngân hàng là 5.078 việc (chiếm 13,68% số việc thụ lý toàn Thành phố) và gần 26.086 tỷ đồng (chiếm 58,77% số tiền thụ lý toàn Thành phố).

Kết quả, thi hành được 332 việc và gần 2.671 tỷ đồng, chiếm lần lượt 11,3% và 16,02% trên tổng số có điều kiện thi hành. Con số này cao hơn so với cùng kỳ niên độ 2020, nhưng tồn đọng lượng việc và số tiền phải thi hành vẫn ở mức cao.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác xử lý tài sản để thi hành án tín dụng, ngân hàng trong nhiều trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc bởi hồ sơ thế chấp không chặt chẽ, không thẩm định kỹ khi nhận thế chấp; bản án tuyên không phân chia rõ phạm vi, giới hạn nghĩa vụ đảm bảo của từng tài sản thế chấp trong cùng một vụ việc thi hành án; người phải thi hành án, người có nghĩa vụ liên quan bất hợp tác, chống đối...

Cụ thể, việc thẩm định tài sản bảo đảm cho vay giá trị rất lớn nhưng khi kê biên, xử lý tài sản thế chấp có giá trị nhỏ (không quá 20%) dẫn đến khoảng 80% giá trị không có điều kiện vẫn đang báo cáo vào diện có điều kiện do chưa xử lý xong tài sản bảo đảm dẫn đến tỷ lệ thi hành án thấp.

Số tiền phải thi hành án cho các tổ chức tín dụng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số thụ lý. Hiện nay, số tiền thi hành án tín dụng, ngân hàng chiếm 58,77% số tiền phải thi hành án nói chung trong toàn Thành phố. Thực tế cho thấy, tài sản bảo đảm khi nhận thế chấp được định giá cao nhưng khi xử lý thì giá trị thực tế thấp hơn nhiều, thời gian xác minh, xử lý tài sản kéo dài, phát sinh chi phí lớn.

Việc giao tài sản đã bán đấu giá thành công cho người mua, giao tài sản sau hai lần giảm giá, bán đấu giá không có người tham gia trả giá, đấu giá hoặc giao tài sản cho người được thi hành án nhận để trừ vào tiền được thi hành án gặp khó khăn, chậm giao trong thời gian dài; gặp phải sự chống đối của người phải thi hành án, người có tài sản bị xử lý, bán đấu giá.

Không ít vụ việc chưa có sự đồng thuận, nhất trí giữa các ngành liên quan khi chấp hành viên tổ chức họp cưỡng chế, hoặc chưa nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương dẫn đến việc tổ chức cưỡng chế bị gián đoạn, chưa thực hiện được, vụ việc bị tồn đọng, kéo dài.

Có những trường hợp người phải thi hành án, người có tài sản bị kê biên, xử lý lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo liên tục gửi đơn thư đi nhiều nơi, nhiều cấp nhằm tạo sức ép, kéo dài, cản trở việc thi hành án dân sự. Trong khi đó, giữa các cơ quan liên quan không có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, dẫn đến có trường hợp cơ quan có thẩm quyền trả lời đơn thư với nội dung công văn trả lời không rõ ràng gây hiểu không đúng, phát sinh khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức cưỡng chế thi hành án.

Cũng có những vụ việc mà diện tích, số đo, mốc giới đất, tài sản trên đất được tuyên trong bản án, quyết định của tòa án khác so với thực tế do tòa án chỉ ghi nhận xử lý tài sản trên cơ sở hợp đồng thế chấp.

Ngoài ra, tâm lý ngại mua tài sản bán đấu giá thi hành án khiến việc bán đấu giá tài sản thành công ở lần đầu rất thấp, phải đưa ra bán nhiều lần. Có vụ việc bán đấu giá 10 - 20 lần nhưng không có người đăng ký mua tài sản, ngân hàng cũng không nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án, dẫn đến việc thi hành án bị kéo dài.

Số lượng việc phải thi hành án liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng rất lớn. Một số ngân hàng có lượng án phải thi hành lớn như Techcombank (1.122 việc, trên 3.743 tỷ đồng), Agribank (222 việc, trên 2.568 tỷ đồng), VietinBank (226 việc, trên 1.947 tỷ đồng), BIDV (144 việc, trên 1.709 tỷ đồng), Vietcombank (85 việc, trên 1.785 tỷ đồng), VPBank (585 việc, trên 1.532 tỷ đồng)...

Hầu hết vụ việc đều phải tổ chức cưỡng chế có huy động lực lượng ngay từ khâu kê biên tài sản cho tới khi tổ chức cưỡng chế giao tài sản cho người mua được tài sản đấu giá, đòi hỏi mất nhiều chi phí cưỡng chế thi hành án. Trong khi đó, nguồn kinh phí tạm ứng cưỡng chế do Tổng cục Thi hành án dân sự cấp còn hạn chế, không đủ đáp ứng.

Một số giải pháp cơ bản

Để phát huy vai trò, vị trí, trách nhiệm và hiệu quả công tác thi hành án dân sự nói chung, công tác thi hành án thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng nói riêng, Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đã đưa ra các giải pháp cơ bản sau.

Chỉ đạo chi cục thi hành án dân sự các quận, huyện, thị xã trực thuộc và các chấp hành viên tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện; tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc thi hành án tín dụng, ngân hàng có giá trị lớn, các vụ việc bán đấu giá thành chưa giao được tài sản nhưng có điều kiện thi hành; thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14, Chỉ thị số 32/CT-TTg và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền.

Nâng cao tính hiệu quả, thực chất của Tổ công tác án tín dụng, ngân hàng tại Cục Thi hành án dân sự; đổi mới phương thức thực hiện, làm việc, giải quyết vướng mắc phát sinh; kịp thời nắm bắt, chỉ đạo đối với những vụ việc thi hành án có khó khăn, vướng mắc tại địa bàn.

Tập trung tổ chức giao tài sản đã bán đấu giá thành công cho người mua trúng đấu giá; xử lý nghiêm những chấp hành viên chậm giao tài sản không vì lý do khách quan và xử lý trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị.

Tham mưu ban hành Kế hoạch công tác năm 2021 của Tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng; tham mưu Lãnh đạo Cục tập trung kiểm tra, chỉ đạo giải quyết tại các địa bàn có lượng án tín dụng, ngân hàng cao, giá trị lớn như Chương Mỹ, Thạch Thất, Đông Anh.

Phối hợp có hiệu quả với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng Hà Nội, đặc biệt là phối hợp trực tiếp, thường xuyên với các ngân hàng, tổ chức tín dụng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoặc tổ chức các buổi làm việc trực tiếp tại các địa bàn với những vụ việc cụ thể khi cần thiết. Chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan tại địa phương để kịp thời có biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án. Đối với những vụ việc phức tạp, giá trị phải thi hành án lớn, tài sản bảo đảm ở nhiều địa phương, báo cáo Lãnh đạo Cục để chỉ đạo giải quyết

Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan thi hành án trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành để đảm bảo hiệu quả giải quyết các vụ việc thi hành án tín dụng, ngân hàng. Nâng cao tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ chấp hành viên trong tổ chức thi hành các vụ việc được giao.

Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2021

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục