Thi hành án dân sự: Tiền thụ lý đạt gần 173.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay

(ĐTCK) Bộ Tư pháp vừa phê duyệt và công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2017 của ngành. Đặc biệt công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay.
Chỉ riêng vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và Phạm Công Danh, tiền thi hành án đã chiếm 21.000 tỷ đồng. Ảnh internet.

Theo kết quả báo cáo, năm 2017, số việc tăng 5,57% và tiền thụ lý tăng 19,67%, tương đương gần 173 nghìn tỷ đồng, song hệ thống Thi hành án dân sự đã thi hành xong số việc, số tiền cao nhất từ trước đến nay, cao hơn so với năm 2016 là hơn 19.000 việc và 6.000 tỷ đồng.

Việc phối hợp trong công tác thi hành án dân sự được chú trọng, đổi mới. Bộ Tư pháp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về tăng cường công tác phối hợp trong công tác thi hành án dân sự. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin được tăng cường trong hoạt động của hệ thống Thi hành án dân sự.

Sự kiện vận hành phần mềm đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm bằng động sản cũng được bầu chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu. Đây là dịch vụ công đầu tiên trong lĩnh vực tư pháp cung cấp trực tiếp ở mức độ cao nhất (đạt mức độ 4).

Trong năm 2017, các Trung tâm đăng ký giao dịch tài sản đã giải quyết gần 1 triệu đơn yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin và văn bản thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông (tăng 27% so với năm 2016). Trong đó, số đơn đăng ký trực tuyến chiếm hơn 50%.

Kết quả trên đã góp phần cải thiện đáng kể chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam, lên đến vị trí thứ 29/190 quốc gia (theo công bố xếp hạng Môi trường kinh doanh 2018 của Ngân hàng thế giới).

Năm 2017, Bộ Tư pháp đã tích cực phối hợp các bộ, ngành thực hiện pháp điển xong đối với 67/265 đề mục. Gần 2.000/10.000 văn bản quy phạm pháp luật được rà soát, làm “sạch” và tập hợp, sắp xếp vào Bộ pháp điển, góp phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, Ngành Tư pháp chủ động hưởng ứng thông điệp của Chính phủ về “hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp”. Bộ Tư pháp cùng các Bộ, ngành đã rà soát khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp liên quan đến các quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, đầu tư, kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành. Bộ đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sửa đổi, bổ sung 16 Luật trong các lĩnh vực này.

Hà Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục