Thép Việt Ý lý giải việc đặt mục tiêu lợi nhuận âm 2019

(ĐTCK) Áp lực từ thị trường, cùng việc kiên trì theo đuổi công nghệ lò diện hồ quang là một trong những lý do quan trọng khiến Công ty cổ phần Thép Việt Ý (Mã CK: VIS) chỉ dám đặt mục tiêu giảm lỗ, chứ không kỳ vọng có lãi trong năm 2019.
Thép Việt Ý lý giải việc đặt mục tiêu lợi nhuận âm 2019

Lỗ vì khách quan

Năm 2018, dù đặt nhiều kỳ vọng về thị trường với mục tiêu doanh thu 2018 ở mức 7.093 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ở mức 90,4 tỷ đồng, nhưng kết quả cuối năm, Thép Việt Ý đã không đạt được như mong muốn.

Kết thúc năm tài chính 2018, tổng doanh thu thuần của Công ty ghi nhận 5.228,84 tỷ đồng, chỉ đạt 73,7% kế hoạch năm, đồng thời giảm mạnh so với con số 6.105,1 tỷ đồng thực hiện của năm 2017. Trong khi lợi nhuận gộp ghi nhận mức lỗ kỷ lục kể từ ngày thành lập với âm hơn 326 tỷ đồng.

Theo đại diện của Thép Việt Ý, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thua lỗ của Công ty trong năm 2018, trong đó nguyên nhân đầu tiên đến từ vướng mắc giữa các văn bản pháp luật và sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, gây khó khăn cho việc nhập khẩu phế liệu.

Cụ thể, theo Điểm C, Mục 3.1.1, Thông tư 08/2018/TT-BTNMT ngày 14/9/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường: Trường hợp lô hàng phế liệu sắt, thép nhập khẩu được kiểm tra, đánh giá phù hợp với Mục 2 của quy chuẩn trên, thì tổ chức giám định, cung cấp văn bản kết quả giám định (chứng thư giám định) lô hàng phế liệu sắt, thép cho tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định và cơ quan kiểm tra để làm căn cứ và ra thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng của lô hàng phế liệu sắt, thép nhập khẩu để làm thủ tục thông quan theo quy định.

Tuy nhiên, trên thực tế, khi triển khai quy định này đã gây khó khăn cho đơn vị khi làm thủ tục nhập khẩu phế liệu. Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường phải có chứng thư giám định trước khi ra thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng lô hàng phế liệu sắt, thép nhập khẩu. Song muốn có được “Chứng thư giám định”, thì hàng hóa đó phải được dỡ ra khỏi tàu hay container để tổ chức thực hiện việc giám định.

Khi Sở Tài nguyên và Môi trường muốn dỡ hàng ra để lấy mẫu giám định, phía Hải quan yêu cầu phải có Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng của lô hàng phế liệu sắt, thép nhập khẩu của Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp. Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường khi chưa có chứng thư giám định sẽ không thể ban hành Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng lô hàng…

Vướng mắc giữa 2 cơ quan quản lý nhà nước là Sở Tài nguyên và Môi trường và Hải quan do chưa thống nhất được vấn đề trên nên, dẫn tới sản phẩm sắt, thép phế doanh nghiệp nhập khẩu đã cập cảng từ lâu, nhưng thủ tục kiểm tra và thông quan chưa được thực hiện.

Việc giấy phép bị chậm trễ cấp phép tới hơn 1 tháng đã ảnh hưởng đến quá trình nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào của Công ty. Cùng với đó, việc nguyên vật liệu không được vào cảng đã làm phát sinh đáng kể các chi phí lưu tàu. Đặc thù là sản xuất các thép mác cao phục vụ các dự án, việc chậm trễ giao hàng cũng làm phát sinh các chi phí phạt hủy hợp đồng và các chi phí có liên quan đã ký kết với đối tác.

Ngoài ra, còn do nguyên nhân từ yếu tố thị trường. Trong khi giá nguyên liệu đầu vào (quặng sắt) liên tục cán mốc mới, thì việc giá thép trên thị trường thế giới giảm mạnh, kéo théo giá thép trong nước giảm theo, dẫn đến các kế hoạch kinh doanh của Thép Việt Ý bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Công nghệ lò cao vẫn sẽ là tương lai của ngành thép

Theo chia sẻ từ đại diện Thép Việt Ý, hiện tại, doanh nghiệp này đang sử dụng công nghệ lò điện EAF (lò điện hồ quang sử dụng công nghệ liên tục ngang thân lò) để sản xuất thép, với chi phí chính là thép phế liệu và điện. Lò điện hồ quang sử dụng công nghệ nạp liệu liên tục ngang thân lò (Consteel) có ưu điểm hơn so với lò điện thông thường chính là sản xuất thép chất lượng cao, khói bụi được thu hồi triệt để nên không gây ô nhiễm môi trường (các loại lò khác là lò mở nắp).

Hơn nữa, việc sử dụng nguyên liệu tái chế từ thép phế liệu của Công ty giúp không tàn phá nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hầu hết các quốc gia sản xuất thép lớn trên thế giới đều đã từ bỏ sử dụng công nghệ lò trung tầng, thay vào đó là sử dụng lò điện.

Dẫu vậy, tại Việt Nam hiện nay, việc sử dụng lò điện của Thép Việt Ý lại không có lợi thế về chi phí sản xuất, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận gộp của Công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lò điện EAF phải sử dụng than điện cực nhập khẩu, trong khi giá than này hiện nay biến động rất thất thường, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình sản xuất của Thép Việt Ý.

Trong khi tình hình thị trường xây dựng, bất động sản khó khăn, các khoản thu hồi công nợ vướng mắc, Thép Việt Ý phải trích lập dự phòng theo quy định vì do tình trạng cung vượt cầu tiếp diễn, dẫn đến cạnh tranh gay gắt giữa các nhà máy cán thép thuần túy, đã ảnh hưởng tới sản lượng phôi bán ngoài của Thép Việt Ý.

Tuy nhiên, theo đại diện Thép Việt Ý, trong vài năm tới, theo xu hướng bảo vệ môi trường, lò điện cao sẽ bắt đầu được quan tâm tại Việt Nam, khi đó, các doanh nghiệp theo đuổi công nghệ lò điện ngay từ đầu sẽ có lợi thế cạnh tranh về chi phí sản xuất.

Trước mắt, theo đại diện Thép Việt  Ý, dù vẫn còn nhiều thách thức trong năm 2019, dựa trên các yếu tố bất thường như biến động giá thép, giá điện cũng như các rủi ro có thể xảy đến về thị trường và chính sách, Thép Việt Ý đặt mục tiêu lỗ 93 tỷ đồng

Nếu năm 2019, Thép Việt Ý tiếp tục lỗ, cổ phiếu VIS có nguy cơ rơi vào dạng kiểm soát do 2 năm liên tiếp lợi nhuận âm, tuy nhiên, đại diện Công ty cho biết, sẽ nỗ lực để không bị lỗ, mà có lãi.

Để thực hiện được kế hoạch này, theo Ban lãnh đạo Thép Việt Ý, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 diễn ra sắp tới đây, Công ty sẽ xin ý kiến các cổ đông và đưa ra các chiến lược kinh doanh sát với diễn biến của thị trường.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Việt Dương
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục