Thép Vicasa - VNsteel (VCA) với thách thức duy trì lợi nhuận cao

0:00 / 0:00
0:00
Việc giá thép có thể đảo chiều sau giai đoạn tăng nóng, trong khi giá các nguyên vật liệu đầu vào diễn biến phức tạp là rủi ro lớn đến triển vọng kinh doanh của CTCP Thép Vicasa - VNsteel (VCA - HOSE).
Sự chững lại trong đà tăng của giá thép sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của nhóm doanh nghiệp ngành thép. Sự chững lại trong đà tăng của giá thép sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của nhóm doanh nghiệp ngành thép.

Sản lượng và doanh thu quý III sụt giảm

Kết thúc quý III/2021, Báo cáo tài chính của CTCP Thép Vicasa - VNsteel cho biết, doanh thu thuần giảm 3,7% so cùng kỳ năm ngoái, đạt 578,4 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cũng giảm 0,76 điểm phần trăm, xuống 2,02%, khiến lợi nhuận gộp giảm 30% về giá trị, chỉ đạt 11,7 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, kế toán trưởng Thép Vicasa - VNsteel, ảnh hưởng của Covid-19 kéo dài, tập trung chủ yếu vào quý III/2021 đã khiến sản lượng tiêu thụ giảm 23,81% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi giá nguyên liệu đầu vào gia tăng.

Kết quả kinh doanh kém khả quan của Thép Vicasa - VNsteel là kịch bản đã được dự báo trước, trong bối cảnh nhà máy sản xuất của Công ty đặt tại Biên Hòa (Đồng Nai), một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt Covid-19 lần thứ tư.

Đây cũng là tình trạng chung của một số doanh nghiệp ngành thép trong khu vực, chẳng hạn CTCP Thép Thủ Đức - VNsteel ghi nhận doanh thu quý III giảm gần 32% so với cùng kỳ năm ngoái, lỗ sau thuế gần 644 triệu đồng. CTCP Đầu tư - Thương mại SMC cũng báo sản lượng tiêu thụ quý III chỉ đạt 53% so với cùng kỳ 2020, doanh thu thuần đi ngang dù giá bán tăng cao.

Tuy sụt giảm lợi nhuận trong quý III, nhưng nhờ kết quả kinh doanh khả quan nửa đầu năm, lũy kế 9 tháng, Thép Vicasa - VNsteel vẫn ghi nhận doanh thu thuần tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.909,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng đến 2,5 lần, đạt 42 tỷ đồng và vượt 2,6 lần kế hoạch lợi nhuận được Đại hội đồng cổ đông đề ra cho năm nay.

Rủi ro giá thép đảo chiều

Thép Vicasa - VNsteel là một trong những đơn vị thành viên của Tổng công ty thép Việt Nam - CTCP (VNsteel) với các sản phẩm chủ lực là thép dân dụng CB300 và thép Φ6, Φ8, có uy tín trên thị trường các tỉnh phía Nam.

Song do đầu tư đã lâu, khiến nhiều máy móc dây chuyền sản xuất của Công ty có tuổi đời lớn, chi phí sản xuất cao hơn so với các nhà máy mới. Báo cáo tài chính của Thép Vicasa - VNsteel cho biết, tính đến ngày 30/9/2021, giá trị còn lại của các tài sản cố định là 51,5 tỷ đồng, tương đương 13,8% nguyên giá. Nguyên giá của các tài sản cố định đã hết khấu hao, nhưng vẫn còn được sử dụng là 285,4 tỷ đồng, tương đương 72,4% nguyên giá.

Với vị thế là thành viên của VNsteel, chính sách bán hàng của Thép Vicasa - VNsteel được thực hiện qua các đơn vị thành viên của VNsteel. Điều này giúp Công ty hầu như không bị rủi ro về nợ xấu và công nợ, tránh cạnh tranh nội bộ, nhưng mặt khác, các chiến lược gia tăng thị phần, cạnh tranh, định hướng phân khúc bán hàng, chính sách bán hàng của Công ty cũng phải theo định hướng của Tổng công ty.

Trong những năm qua, Thép Vicasa - VNsteel duy trì chính sách trả cổ tức tiền mặt khá cao trên lợi nhuận sau thuế. Năm 2020, tỷ lệ lợi nhuận để trả cổ tức là 72% lợi nhuận sau thuế; năm 2019, tỷ lệ này lên đến 90%. Điều này khiến nguồn lực dự trữ của Công ty hiện khá thấp, không có các khoản tiền gửi kỳ hạn dài trên 3 tháng. Doanh thu tài chính thấp hơn nhiều chi phí lãi vay. Trong ngắn hạn, khi cần gia tăng nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh, Công ty phải sử dụng nợ vay. Về dài hạn, nguồn lực có sẵn để tái đầu tư lớn vào tài sản cố định để nâng cao năng lực sản xuất cũng bị hạn chế.

Với việc từng bước mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế, tình hình sản xuất, kinh doanh của Thép Vicasa - VNsteel được đánh giá sẽ thuận lợi hơn trong quý IV/2021. Tuy vậy, diễn biến giá nguyên vật liệu phức tạp đang là khó khăn mà Thép Vicasa - VNsteel cũng như các doanh nghiệp trong ngành phải đối mặt.

Bản tin tháng 9/2021 của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, giá nguyên liệu sản xuất thép toàn cầu 9 tháng năm 2021 diễn biến phức tạp, giá nguyên liệu sản xuất thép liên tục điều chỉnh tăng kể từ cuối năm 2020. Giá quặng sắt đầu tháng 10/2021 giao dịch ở mức xấp xỉ 124-125 USD/tấn; giá thép phế liệu sau khi giảm trong quý III đã điều chỉnh tăng trở lại, trên 520 USD/tấn, giá than mỡ luyện cốc đã tăng cao ở mức 335-340 USD/tấn.

Nguyên liệu sản xuất tăng cao, nhưng giá bán đầu ra cũng tăng, giúp các doanh nghiệp ngành thép duy trì được kết quả kinh doanh tích cực suốt từ đầu năm tới nay. Nhưng khi các chuỗi cung ứng dần được nối lại, các nước lớn sẽ phải đưa ra chính sách để bình ổn giá và thúc đẩy sản xuất, khiến giá thép có khả năng không tăng nóng như trước.

Sự chững lại trong đà tăng của giá thép sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của nhóm doanh nghiệp ngành thép, thậm chí có thể thua lỗ nếu tồn kho thành phẩm sản xuất với giá vốn cao, trong khi giá bán đầu ra sụt giảm.

Lâm Vũ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục