Trong quý II/2022, Thép Thủ Đức ghi nhận doanh thu đạt 357,72 tỷ đồng, giảm 45,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận âm 1,99 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 34,14 tỷ đồng.
Trong kỳ, Công ty kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp ghi nhận âm 2,48 tỷ đồng, giảm 41,2 tỷ đồng so với cùng kỳ; doanh thu tài chính giảm 80,6% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 0,83 tỷ đồng, về 0,2 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng thêm 2,62 tỷ đồng, lên 2,71 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm 29,2% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 0,91 tỷ đồng, về 2,21 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Thép Thủ Đức cho biết, giá cả đầu ra giảm sâu liên tục từ đầu quý II đến nay, lượng thép tiêu thụ giảm mạnh nên dẫn tới Công ty ngưng sản xuất, giá thép tồn kho cao từ các tháng trước làm ảnh hưởng đến giá vốn.
Luỹ kế trong 6 tháng đầu năm, Thép Thủ Đức ghi nhận doanh thu đạt 1.111,92 tỷ đồng, giảm 11,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 6,07 tỷ đồng, giảm 87,1% so với cùng kỳ.
Điểm đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm, Công ty đã ghi nhận dự phòng giảm giá tồn kho là 7,5 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận.
TDS bắt đầu dự phòng giảm giá tồn kho trong 6 tháng đầu năm 2022 (Nguồn: BCTC). |
Trong năm 2022, Thép Thủ Đức đặt kế hoạch kinh doanh với sản lượng tiêu thụ thép cán là 160.000 tấn và lợi nhuận trước thuế là 24,3 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 7,6 tỷ đồng, Công ty mới hoàn thành được 31,3% kế hoạch lợi nhuận năm.
Xét về dòng tiền, trong 6 tháng đầu năm, Thép Thủ Đức ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 96,1 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 145,1 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 0,08 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 86,3 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ. Như vậy, trong kỳ Công ty đã tăng vay nợ để bổ sung dòng tiền kinh doanh thâm hụt.
Được biết, trong năm 2021 mặc dù Thép Thủ Đức ghi nhận lợi nhuận tăng đột biến nhưng dòng tiền kinh doanh chính vẫn âm 183,9 tỷ đồng.
Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Thép Thủ Đức tăng 15,6% so với đầu năm lên 656 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 497 tỷ đồng, chiếm 75,9% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 102,53 tỷ đồng, chiếm 15,6% tổng tài sản và các tài sản khác.
TDS tăng phải thu của khách hàng trong 6 tháng đầu năm 2022 (Nguồn: BCTC). |
Trong kỳ, tồn kho tăng 17,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 74,4 tỷ đồng lên 497,7 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 28,5%, tương ứng tăng thêm 23,73 tỷ đồng lên 102,53 tỷ đồng.
TDS trích lập dự phòng giảm giá tồn kho trong 6 tháng đầu năm (Nguồn: BCTC). |
Được biết, trong 6 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm, nhiều khả năng do tăng tích trữ tồn kho và tăng khoản phải thu ngắn hạn trong kỳ.
Ngoài ra, tổng nợ vay ngắn hạn tăng 79,7% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 86,4 tỷ đồng lên 194,8 tỷ đồng và chiếm 29,7% tổng nguồn vốn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/7, cổ phiếu TDS giảm 300 đồng về 17.000 đồng/cổ phiếu.