Nhằm mục đích đồng bộ các khâu luyện và cán thép nhằm tối ưu hoá năng lực sản xuất, đồng thời lành mạnh hoá cơ cấu tài chính, Thép Pomina thông qua tái cấu trúc bằng cách thành lập pháp nhân mới là Công ty cổ phần Pomina Phú Mỹ.
Trong đó, Thép Pomina sẽ góp vốn bằng hiện vật toàn bộ đất đai, nhà xưởng, dây chuyền thiết bị và nhà đầu tư chiến lược góp vốn bằng tiền mặt.
Thép Pomina cho biết thêm, sẽ dùng số tiền thu hồi được từ pháp nhân mới để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn và dài hạn cho các ngân hàng, khoản nợ phải trả cho nhà cung cấp và phần vốn còn lại bổ sung vốn lưu động.
Thực tế, với việc thành lập pháp nhân mới, nhóm cổ đông chiến lược khi tham gia góp vốn vào Công ty cổ phần Pomina Phú Mỹ chỉ chịu trách nhiệm đối với Công ty cổ phần Pomina Phú Mỹ, không chịu trách nhiệm các nghĩa vụ liên quan tới Thép Pomina.
Theo nội dung tài liệu được công bố mấy ngày trước, trong Đại hội đồng cổ đông bất thường sắp tới, Thép Pomina sẽ trình cổ đông kế hoạch nâng vốn đầu tư dự án lò cao tại chi nhánh Pomina 3 từ 4.975,2 tỷ đồng, lên 5.879,7 tỷ đồng, tức tăng thêm 904,5 tỷ đồng.
Thép Pomina không nêu lý do nâng vốn đầu tư dự án lò cao tại chi nhánh Pomina 3, Công ty chỉ cho biết giá trị đầu tư lên tới 5.879,7 tỷ đồng dựa trên căn cứ kết quả kiểm toán của Công ty TNHH Kiểm toán AFC Việt Nam ký ngày 2/3/2023 so với kế hoạch vốn đầu tư phê duyệt ngày 31/10/2020.
Theo tìm hiểu, đầu năm 2009, Thép Pomina thành lập nhà máy luyện phôi thép (Pomina 3) công suất 1 triệu tấn/năm tại Khu công nghiệp Phú Mỹ và đã đưa vào sản xuất chính thức năm 2012. Trong đó, công suất luyện phôi thép là 1,5 triệu tấn và công suất cán thép xây dựng là 1,1 triệu tấn.
Tới năm 2019, Công ty triển khai thực hiện dự án lò cao và đã hoàn thành, đưa vào sản xuất từ tháng 2/2021. Trong đó, tại thời điểm 31/12/2023, Thép Pomina cho biết chi phí xây dựng dự án lò cao và lò EAF là 5.808 tỷ đồng, chiếm 55,8% tổng tài sản, đây bao gồm chi phí mua sắm máy móc thiết bị và xây dựng dự án lò cao, lò EAF luyện phôi thép công suất 1 triệu tấn/năm tại Khu công nghiệp Phú Mỹ, trong kỳ tài chính chưa kết chuyển thành tài sản.
Được biết, Thép Pomina đang gặp nhiều vấn đề đáng lưu ý từ lỗ luỹ kế, đến sử dụng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ tài sản dài hạn…
Trước đó, trong tháng 1/2024, Hội đồng quản trị Thép Pomina thông qua nghị quyết tạm dừng triển khai kế hoạch chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược Nansei (Nhật Bản). Lý do chi tiết của quyết định này không được Hội đồng quản trị Thép Pomina công bố.
Kế hoạch chào bán đã được thông qua tại đại hội đồng cổ đông thường niên vào giữa tháng 7/2023. Ban đầu, Công ty dự kiến phát hành hơn 70,17 triệu cổ phiếu cho Nansei Steel với giá 10.000 đồng mỗi cổ phiếu để huy động gần 702 tỷ đồng. Mục đích huy động là tăng vốn chủ sở hữu, bổ sung vốn lưu động, chuẩn bị tài chính triển khai kế hoạch tái khởi động lò cao vào năm 2024. Đợt phát hành riêng lẻ dự kiến chia làm hai đợt. Đợt 1 phát hành khoảng 10,6 triệu cổ phiếu trong tháng 8/2023 và đợt 2 phát hành số còn lại trong tháng 9/2024.
Tuy nhiên, giữa tháng 9/2023, Thép Pomina lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để lùi thời gian bắt đầu đợt chào bán riêng lẻ vào quý III/2023. Lý do cho việc kéo dài thời gian chào bán hơn kế hoạch ban đầu, Công ty Thép Pomina cho biết do thời gian chờ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép phát hành vượt ngoài dự kiến. Khi đó, Công ty cũng thông tin cụ thể về kế hoạch sử dụng số tiền thu được. Theo đó, Công ty dự kiến dành 500 tỷ đồng trả nợ ngân hàng và gần 202 tỷ đồng bổ sung vốn hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo kế hoạch, nếu đợt chào bán thành công, vốn điều lệ của Thép Pomina tăng lên 3.498 tỷ đồng. Nhà đầu tư chiến lược Nansei Steel sở hữu 20% vốn điều lệ.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý IV/2023, Thép Pomina ghi nhận doanh thu đạt 333,28 tỷ đồng, giảm 81,5% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận lỗ 312,7 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 459,4 tỷ đồng.
Trong kỳ, Công ty không còn kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp ghi nhận dương 22,17 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 241,6 tỷ đồng, tức tăng thêm 263,8 tỷ đồng. Ngoài ra, trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 71,7%, tương ứng giảm 21,72 tỷ đồng, về 8,59 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 2,6%, tương ứng giảm 4,8 tỷ đồng, về 180 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 47,2%, tương ứng giảm 14,22 tỷ đồng, về 15,92 tỷ đồng; lợi nhuận khác ghi nhận lỗ 148,3 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 35,3 tỷ đồng, tức tăng lỗ thêm 113,1 tỷ đồng; và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, trong quý cuối năm 2023, lợi nhuận gộp chỉ tạo ra 22,17 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính lên tới hơn 180 tỷ đồng, đồng thời hoạt động khác lỗ hơn 148 tỷ đồng, đây là hai nguyên nhân chính dẫn tới lỗ trong quý IV.
Lý giải lợi nhuận tiếp tục lỗ trong quý IV, Thép Pomina cho biết, Nhà máy thép Pomina 3 vẫn còn ngưng hoạt động nhưng phải gánh nhiều chi phí trong đó có chi phí lãi vay. Công ty đang tái cấu trúc lại và đã tìm được nhà đầu tư mới, mọi thủ tục đang chờ phê duyệt của Đại hội đồng cổ đông dự kiến tiến hành 15/3/2024, sau khi đại hội cổ đông, Công ty sẽ đưa nhà máy thép Pomina 3 vào hoạt động trở lại, dự kiến đầu quý II/2024.
Ngoài ra, Thép Pomina còn cho biết tình hình bất động sản vẫn trong tình trạng đóng băng, nhu cầu tiêu thụ thép và doanh thu trong kỳ sụt giảm mạnh, trong khi chi phí cố định và lãi vay cao gây lỗ lớn trong kỳ.
Luỹ kế trong năm 2023, Thép Pomina ghi nhận doanh thu đạt 3.281,2 tỷ đồng, giảm 74,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận lỗ thêm 959,7 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 1.166,9 tỷ đồng.
Được biết, trong năm 2023, Công ty Thép Pomina đặt kế hoạch doanh thu 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 150 tỷ đồng. Như vậy, mức lỗ năm 2023 đã vượt xa kế hoạch lỗ 150 tỷ đồng.
Ngoài ra, với việc tiếp tục lỗ trong năm 2023, tính tới 31/12/2023, tổng lỗ luỹ kế của Thép Pomina 1.270,96 tỷ đồng, bằng 45,4% vốn chủ sở hữu.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/2, cổ phiếu POM tăng 200 đồng lên 5.420 đồng/cổ phiếu.