Một vài đơn hàng mua tôn thép từ các đối tác châu Âu và Mỹ đã đến với các doanh nghiệp Việt Nam. Hy vọng, nhu cầu đặt hàng mặt hàng tôn thép từ thị trường này sẽ giúp doanh nghiệp Việt thoát khó khăn, khi thị trường nội địa cũng như xuất khẩu truyền thống đều đang rất khó khăn.
Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT CTCP Đại Thiên Lộc (DTL) cho biết, Công ty đã nhận được đơn đặt hàng thử nghiệm từ khách hàng châu Âu để kiểm tra chất lượng tôn thép của Việt Nam. Lý do là thị trường châu Âu chuẩn bị áp thuế bán phá giá với tôn thép nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc. Đơn hàng từ các thị trường này khá lớn, nên nếu được thị trường châu Âu chấp nhận thì đây sẽ là cơ hội mới cho doanh nghiệp, ông Nghĩa chia sẻ. “Còn hiện tại, tình hình kinh doanh đang quá xấu”, ông Nghĩa nói.
Thị trường thép trong nước vẫn không có nhiều thay đổi, do sức cạnh tranh lớn. Các doanh nghiệp có thị phần tôn thép lớn là Hoa Sen, Đại Thiên Lộc, Nam Kim, Sunsteel đều đã hoàn thành đầu tư nâng công suất cán và mạ lên cao so với cách đây hơn 1 năm. Đặc biệt, liên doanh thép giữa China Steel và Nippon Steel mới đi vào hoạt động đang đẩy một lượng hàng lớn ra thị trường, cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước. Hàng Trung Quốc giá rẻ vẫn vào thị trường nội địa với lợi thế không thuế suất, trong khi doanh nghiệp trong nước nhập các nguyên liệu đầu vào như sơn, xăng dầu, thép nguyên liệu đều phải chịu thuế.
Cạnh tranh lớn ở thị trường trong nước đang buộc các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Để giữ sản lượng xuất khẩu, các doanh nghiệp trong nước cũng phải cạnh tranh về giá. Tại thị trường Indonesia, thị trường lớn của nhiều doanh nghiệp, do nền kinh tế khó khăn nên giá nhập khẩu bị ép giảm xuống, không còn giữ được mức hấp dẫn như trước. Thậm chí, hàng Việt Nam chỉ xuất được nếu bán bằng giá hàng Trung Quốc. Tại các thị trường khác trong khu vực, dù hàng Trung Quốc bị áp thuế bán phá giá 2,5%, nhưng điều này cũng chưa đủ sức giúp hàng Việt Nam chiếm lợi thế. Vì thế, doanh nghiệp trong nước vẫn xuất khẩu được, nhưng giá và sản lượng giảm. Thị trường Bangladesh và Nam Phi, sản lượng xuất khẩu tăng hơn năm ngoái nhưng không nhiều.
“Giá nguyên liệu của tôn thép là thép cán nóng và cán nguội hiện nay đang lình xình, nhưng có xu hướng giảm”, ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty SMC cho biết. Theo ông Anh, lý do các doanh nghiệp Trung Quốc đang đẩy mạnh tiêu thụ vì thị trường nội địa của họ cũng khó khăn. Giá thép nguyên liệu có xu hướng giảm, mà đầu ra lại khó khăn, nên doanh nghiệp thép rất vất vả trong việc tính toán nhập khẩu nguyên liệu, bởi rất dễ thua lỗ ngay khi vừa nhập hàng.
Thị trường thép xây dựng cũng đứng trước áp lực tăng cung khi nhà máy mới của các nhà đầu tư nước ngoài đi vào hoạt động như Posco, Vinakyoe. Giai đoạn 2 Khu liên hiệp gang thép của Hòa Phát cũng đi vào hoạt động và tập đoàn này với lợi thế giá rẻ đang đẩy mạnh tiêu thụ hàng vào thị trường phía Nam.
Mục tiêu đạt 200 tỷ đồng lợi nhuận của Pomina được giới quan sát coi là khá thách thức trong bối cảnh cạnh tranh đó.
Chi phí đầu vào tăng cũng đang là áp lực với doanh nghiệp thép xây dựng. Bộ Giao thông Vận tải đang kiểm soát rất chặt chẽ tình trạng xe quá tải và hoạt động đăng kiểm, nên năng lực dịch vụ vận tải đang bị quá tải. Giá thành vận tải đã tăng gấp đôi theo phản ánh của các doanh nghiệp thép. Theo tính toán của ông Nguyễn Ngọc Anh thì chi phí vận tải tăng sẽ làm tăng khoảng 1% giá bán sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay, khách hàng tiêu thụ thép vẫn chưa chấp nhận việc tăng giá thép, nên các doanh nghiệp phân phối, nhà sản xuất vẫn phải gánh chi phí tăng thêm này và lợi nhuận sẽ bị sút giảm.
Tình hình tiêu thụ các mặt hàng thép trong quý II nhìn chung đã tăng so với quý I là mùa Tết, nhưng thị trường thép xây dựng cũng chuẩn bị bước vào mùa thấp điểm tiêu thụ là mùa mưa. Kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp ngành thép chưa nói lên nhiều điều, nhưng kết quả kinh doanh quý II sẽ phản ánh rõ ràng hơn tác động của những khó khăn trên thị trường đến từng doanh nghiệp.