Thép Đà Nẵng (DNS): Lợi nhuận tăng, nhưng còn nặng gánh

0:00 / 0:00
0:00
CTCP Thép Đà Nẵng đã có một khởi đầu năm 2021 khá thuận lợi với sự tăng tốc đáng kể về lợi nhuận, nhưng điều này chưa thể hiện rõ sức khỏe bền bỉ của doanh nghiệp thép này.
Lãi lớn trong những tháng đầu năm 2021, nhưng Thép Đà Nẵng vẫn còn chồng chất khó khăn phía trước. Lãi lớn trong những tháng đầu năm 2021, nhưng Thép Đà Nẵng vẫn còn chồng chất khó khăn phía trước.

Quý I ngọt ngào

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2021, Thép Đà Nẵng (mã DNS, sàn UPCoM) đạt doanh thu thuần 406,2 tỷ đồng, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ sự tăng tốc của doanh thu, lợi nhuận gộp quý I/2021 đã có sự chuyển biến rõ rệt từ mức âm 1,3 tỷ đồng cùng kỳ năm trước lên mức dương 46,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng đạt gần 40 tỷ đồng, khác biệt hoàn toàn so với kết quả âm 11,2 tỷ đồng trong quý I/2021.

Trong nội dung văn bản giải trình với cổ đông, Tổng giám đốc Thép Đà Nẵng, ông Đinh Xuân Đức cho biết, việc doanh thu thuần tăng 42,2%, nhanh hơn so với tốc độ tăng 25,4% của giá vốn hàng bán, là nguyên nhân chủ yếu giúp Công ty có lãi trong quý I/2021.

Theo Thép Đà Nẵng, ngành thép trong năm 2021 có thể phải đối mặt tình trạng cạnh tranh, khi nhiều nhà máy sản xuất phôi lớn đi vào hoạt động thương mại (Hòa Phát Dung Quất, Nhà máy lò cao thép Pomina, Thép Tungho…), nên thị trường ngày càng khốc liệt hơn. Ngoài ra, việc Trung Quốc bắt đầu cho nhập khẩu phế liệu từ đầu năm nay có thể dẫn đến tình hình thị trường nhập khẩu phế liệu cạnh tranh hơn…

Tuy nhiên, năm 2021 có những thuận lợi, với dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6 - 6,8%, Việt Nam sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia sẽ khởi công mới, thi công trong năm 2021. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng, lãi suất vay ngân hàng ổn định ở mức thấp, phôi thép và thép xây dựng đang được bảo hộ trong nước cũng có thể là các yếu tố thuận lợi.

Trước bối cảnh trên, Thép Đà Nẵng đặt ra mục tiêu doanh thu 1.650 tỷ đồng và lãi trước thuế 45 tỷ đồng. Như vậy, sau một quý đầu năm, công ty thép miền Trung này đã đạt được khoảng 24,6% mục tiêu về doanh thu.

Nặng gánh hàng tồn kho

Lãi lớn trong những tháng đầu năm 2021, nhưng Thép Đà Nẵng vẫn còn chồng chất khó khăn phía trước. Công ty vẫn bị âm dòng tiền kinh doanh khá lớn khi lưu chuyển tiền thuần trong hoạt động kinh doanh quý I/2021 âm tới 123,8 tỷ đồng, lớn hơn nhiều so với mức âm 14 tỷ đồng cách đó một năm.

Lý do dòng tiền kinh doanh âm lớn trong quý I là Thép Đà Nẵng phải tập trung tiền vào tích trữ hàng tồn kho. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Công ty cho thấy con số tiền tăng thêm cho hàng tồn kho lên tới 122,7 tỷ đồng. Điều này phù hợp với giá trị hàng tồn kho của Công ty tăng rất mạnh từ mức 98,7 thời điểm đầu năm lên mức 221,5 tỷ đồng vào cuối quý I/2020.

Động thái trên cho thấy, Công ty đang có xu hướng dồn tiền vào hàng tồn kho để hy vọng nếu giá thép tăng cao thì doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi nhờ biến động thị trường. Tuy nhiên, cuộc chơi với hàng tồn kho vốn dĩ luôn là một con dao hai lưỡi, nếu diễn biến thị trường không giống với dự đoán của doanh nghiệp, thì việc “mắc kẹt” trong đống hàng tồn kho cũng rất mệt mỏi. Doanh nghiệp khi đó phải chịu rất nhiều chi phí lưu kho, chi phí tài chính (do bị đọng vốn)…

Bản thân Thép Đà Nẵng hiện cũng không phải là doanh nghiệp có sức mạnh tài chính lớn để có thể chịu đựng được rủi ro đọng vốn nếu hàng tồn kho bị “ngâm” quá lâu, bởi nợ phải trả đang ở mức cao hơn vốn chủ sở hữu, lần lượt là 340 tỷ và 224 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn có xu hướng tăng mạnh trong quý I/2020, từ mức 94,6 tỷ đồng lên 142,9 tỷ đồng (tăng 51%).

Ngoài ra, cái giá phải trả cho việc đẩy mạnh được doanh thu còn là việc Thép Đà Nẵng phải chấp nhận chịu đọng vốn nhiều hơn trong các khoản công nợ với khách hàng. Các khoản phải thu ngắn hạn khách hàng tăng từ 84,4 tỷ đồng lên 135,4 tỷ đồng (tăng 60,4%). Đây cũng là một nguyên nhân đóng góp vào tình trạng dòng tiền âm trong quý I/2021.

Chí Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục