Bộ Công thương vừa ban hành Quyết định số 132/QĐ-BTC về việc giữ nguyên việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nguội (ép nguội) dạng cuộn hoặc tấm xuất xứ từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam.
Mức thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nguội Trung Quốc tiếp tục giữ nguyên theo Quyết định số 3390/QĐ-BCT của Bộ Công thương ban hành ngày 21/12/2020.
Theo quyết định này, thép cán nguội Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam chịu mức thuế chống bán phá giá dao động trong khoảng 4,43 - 25,22% tùy vào từng doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cụ thể.
Trước đó, ngày 3/9/2019, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đã gửi hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam.
Bộ Công thương đã quyết định khởi xướng điều tra vụ việc theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan.
Kết quả cho thấy, một số sản phẩm thép Trung Quốc tồn tại các yếu tố có hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài; có sự đe dọa gây thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước.
Cụ thể, tại Quyết định số 3390/QĐ-BCT, Bộ Công thương cho biết, trong thời kỳ điều tra, lượng nhập khẩu thép cán nguội từ Trung Quốc đạt 272.073 tấn, chiếm 65,5% tổng lượng nhập khẩu thép cán nguội vào Việt Nam.
Số liệu nhập khẩu cho thấy có sự gia tăng tuyệt đối và tương đối đối với lượng nhập khẩu thép cán nguội từ Trung Quốc so với lượng sản xuất tại Việt Nam.
Sự gia tăng này là nguyên nhân chính gây tác động tiêu cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa tương tự của các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Vì vậy, ngành sản xuất trong nước đang bị đe dọa gây thiệt hại đáng kể, thể hiện ở hầu hết các chỉ số, đặc biệt là các chỉ số về lợi nhuận, tồn kho và thị phần. Bên cạnh đó, biên độ bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu được xác định là từ 4,43% đến 25,22%.
Biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập từ Trung Quốc trong vụ việc này có hiệu lực trong vòng 5 năm kể từ ngày Quyết định 3390/QĐ-BCT có hiệu lực. Hàng năm, các bên liên quan có thể nộp hồ sơ yêu cầu Bộ Công thương tiến hành điều tra, rà soát lại về vấn đề phạm vi sản phẩm, mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho nhà xuất khẩu mới hoặc mức thuế hiện hành áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài.