Thêm ưu đãi cho chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội

(ĐTCK) Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 49/2021 sửa đổi (có hiệu từ 1/4/2021), bổ sung một số điều về phát triển và quản lý nhà ở xã hội tại Nghị định số 100/2015 với nhiều ưu đãi khuyến khích các nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Cụ thể, Nghị định số 49/2021 cho phép chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội mà không sử dụng nguồn vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công sẽ được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 58 của Luật Nhà ở 2014.

Trong đó, chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với phần diện tích đã được Nhà nước giao, cho thuê, kể cả quỹ đất để xây dựng các công trình kinh doanh thương mại đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi dự án nhà ở xã hội.

UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc hoàn trả lại hoặc khấu trừ tiền được miễn này vào nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư phải nộp, kể cả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có) đối với trường hợp chủ đầu tư đã nộp tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất.

Ưu đãi này cũng được áp dụng với cả các dự án mà chủ đầu tư đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác mà diện tích đất đó được sử dụng để xây dựng nhà ở xã hội hoặc chủ đầu tư bất động sản đã nộp tiền sử dụng đất đối với quỹ đất 20% dành để xây dựng nhà ở xã hội.

Nghị định mới cũng quy định chủ đầu tư được dành 20% tổng diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (bao gồm cả dự án sử dụng quỹ đất 20%) để đầu tư nhà ở thương mại nhằm bù đắp chi phí, góp phần giảm giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm kinh phí dịch vụ quản lý, vận hành sau đầu tư.

Chủ đầu tư các dự án bất động sản nhà ở xã hội cũng sẽ được UBND cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội theo quy định. Với các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê, mức hỗ trợ sẽ là toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Một điểm mới của Nghị định 49 là trường hợp chủ đầu tư hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án nhà ở xã hội trong vòng 12 tháng kể từ ngày được giao đất, cho thuê đất thì UBND cấp tỉnh sẽ phải hỗ trợ đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại dự án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực.

Ngoài các quy định khuyến khích chủ đầu tư bất động sản dành nguồn lực xây dựng nhà ở xã hội nói trên, Nghị định số 49/2021 cũng bổ sung quy định về mức cho vay vốn ưu đãi để xây dựng mới và cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội của các tổ chức tín dụng với chủ đầu tư bất động sản.

Liên quan đến ưu đãi vay mua nhà ở xã hội, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định tại các Điều 16, Điều 17 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP theo hướng bổ sung quy định về mức cho vay vốn ưu đãi để xây dựng mới và cải tạo, sửa chữa nhà ở tối đa không quá 500 triệu đồng và bổ sung quy định Chính phủ sử dụng nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài để cho vay lại đối với tổ chức tín dụng được chỉ định để cho vay nhà ở xã hội.

Về lãi suất vay, lãi suất cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cho từng thời kỳ; Lãi suất cho vay tại các tổ chức tín dụng được chỉ định do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định và công bố trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong cùng thời kỳ.

Nghị định quy định thời hạn vay do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.

Linh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục