Vào tháng 8/2013, TAND TP. Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử Cao Hồng Vân, Lê Văn Dũng và các đồng phạm. Các bị cáo bị truy tố vì hành vi ký giả, làm giả các tại liệu, hồ sơ cần thiết để vay vốn của hai ngân hàng là Tiên Phong (83,5 tỷ đồng) và An Bình (61 tỷ đồng). Trong quá trình xét xử, HĐXX nhận thấy có nhiều nội dung không thể làm rõ tại phiên toà, nên đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Đối với yêu cầu điều tra Lê Văn Dũng và Cao Hồng Vân có dấu hiệu phạm vào tội sử dụng trái phép tài sản khi dùng khoản tiền vay của ngân hàng này để trả nợ khoản vay của ngân hàng khác trái với mục đích nêu trong hợp đồng đã ký kết.
Theo cơ quan điều tra, hợp đồng tín dụng giữa CTCP Liên doanh LOF và Ngân hàng Tiên Phong được thế chấp bằng hàng tồn kho luân chuyển và các khoản phải thu của Công ty LOF. Do đó khi Ngân hàng Tiên Phong giải ngân xong, số tiền này đã trở thành tài sản của Công ty LOF và Công ty LOF có quyền sử dụng.
Tại phiên tòa tháng 8/2013, bị cáo Đào Xuân Hưởng, nguyên Tổng giám đốc LOF thừa nhận đã ký các hợp đồng mua bán, nhưng không biết các hợp đồng trên là giả. Về hình thức, khi bị cáo Hưởng ký hợp đồng thì trên bản hợp đồng chưa có chữ ký và dấu giả của bên đối tác. Về nội dung, Hưởng thực hiện việc ký kết theo thẩm quyền tại Nghị quyết ĐHCĐ và nhu cầu thực tế để thực hiện kế hoạch mua nguyên vật liệu cho Nhà máy.
Mặt khác, các tài liệu trong hồ sơ vụ án và thẩm tra các chứng cứ tại phiên tòa thể hiện Hưởng không biết mục đích sử khoản tiền vay để đáo hạn ngân hàng, phù hợp với lời khai của bị cáo Vân, Dũng. Do đó, TAND TP. Hà Nội yêu cầu làm rõ Đào Xuân Hưởng có đồng phạm trong hành vi làm giả tài liệu hay không.
Nay Cơ quan điều tra cho rằng, lời khai của Đào Xuân Hưởng là nhằm trốn tránh trách nhiệm. Trong kết luận điều tra trước đây, cơ quan điều tra đã nêu rõ các tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của Đào Xuân Hưởng, nên không cần thiết điều tra bổ sung.