“Định danh” tên dự án
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 7309/BKHĐT-ĐTNN gửi Liên danh Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn và Terminal Investment Limited Holding S.A (Liên danh Cảng Sài Gòn - TIL) về Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn. Công văn được gửi tới liên danh nhà đầu tư khoảng 1 tháng sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Báo cáo thẩm định số 5590/BC-BKHĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn.
Đây là dự án do Cảng Sài Gòn (đơn vị thành viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - VIMC) và TIL (đơn vị thành viên của hãng tàu biển lớn bậc nhất thế giới là Mediterranean Shipping Company - MSC) đề xuất.
Tại Công văn số 7309/BKHĐT-ĐTNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị liên danh nhà đầu tư bổ sung, giải trình và cung cấp thêm tài liệu đối với 5 nội dung liên quan đến tên dự án và diện tích; tiến độ và tổng vốn đầu tư; thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; tiêu chí công nghệ sử dụng; đánh giá sơ bộ tác động môi trường.
“Nhà đầu tư gửi thông tin bổ sung, giải trình trước ngày 15/10/2024 để Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến thẩm định bổ sung của các bộ, ngành để đảm bảo Dự án đầy đủ điều kiện và cơ sở pháp lý trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và chấp thuận”, Công văn số 7309/BKHĐT-ĐTNN nêu rõ.
Cần phải nói thêm, tại hồ sơ đề xuất của Liên danh Cảng Sài Gòn - TIL, tên Dự án là Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn tại huyện Cần Giờ - TP.HCM. Tuy nhiên, nếu chiểu theo các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì chỉ có nội dung liên quan đến Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. UBND TP.HCM cũng đang xây dựng Đề án Nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP.HCM.
Bên cạnh đó, theo Quyết định số 442/QĐ-TTg ngày 22/5/2024 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có phạm vi quy hoạch vùng đất và vùng nước tại cửa sông Cái Mép (bên trái luồng Vũng Tàu - Thị Vải).
Cảng được quy hoạch với chức năng trung chuyển container quốc tế, phát triển phù hợp với khả năng thu hút nguồn hàng trung chuyển container quốc tế, kết hợp với khu bến Cái Mép để hình thành cụm cảng trung chuyển quốc tế có quy mô lớn tại cửa sông Cái Mép phục vụ trung chuyển hàng hóa cho các cảng biển trong cả nước và các nước trong khu vực. Cảng có cỡ tàu trọng tải đến 24.000 TEU (250.000 tấn) hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.
Vì vậy, tại Công văn số 7309/BKHĐT-ĐTNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Liên danh Cảng Sài Gòn - TIL rà soát xác định lại tên và vị trí của Dự án trong hồ sơ đề xuất thực hiện Dự án để phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt và Đề án của TP.HCM, đồng thời rà soát đảm bảo tính thống nhất về số liệu diện tích đất rừng phòng hộ, diện tích rừng ngập mặn tự nhiên đề xuất trong Dự án.
Liên danh nhà đầu tư cũng được yêu cầu làm rõ vị trí cụ thể của Dự án trong vùng đệm Khu dữ trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ, khoảng cách vị trí đối với vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển và hiện trạng cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học khu vực Dự án.
“Đề nghị bổ sung làm rõ hình ảnh hoặc bản đồ về vị trí và mối quan hệ của Dự án đối với vùng đệm, vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển và xác định địa điểm của Dự án đối với phân vùng môi trường theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường để làm cơ sở nhận dạng và đánh giá sơ bộ các tác động của Dự án đến cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ”, Công văn số 7309/BKHĐT-ĐTNN nêu rõ.
Bên cạnh đó, Dự án có đoạn luồng chung với cảng Cái Mép - Thị Vải, do vậy Liên danh Cảng Sài Gòn - TIL cũng sẽ phải bổ sung đánh giá tổng hợp khi hai cảng kết nối vận hành và lan tỏa tác động đến lòng bờ bãi sông.
Tại hồ sơ đề xuất dự án gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào đầu tháng 4/2023, liên danh nhà đầu tư đề xuất thực hiện Dự án với tổng mức đầu tư khoảng 113.531,7 tỷ đồng (tương đương 4,8 tỷ USD), giải ngân khoảng 50.000 tỷ tổng vốn đầu tư trong 10 năm và giải ngân hết tổng vốn đầu tư trong 22 năm.
Về tiến độ thực hiện Dự án, Liên danh Cảng Sài Gòn - TIL đề xuất triển khai trong 22 năm, chia thành 7 giai đoạn. Tiến độ này là “lệch” với điểm b, khoản 9, Điều 7, Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Cụ thể, nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn “phải giải ngân vốn đầu tư trong thời hạn 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong thời gian này, nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng dự án”.
“Liên danh nhà đầu tư Cảng Sài Gòn - TIL cần rà soát và bổ sung giải trình với đề xuất quy mô tổng vốn của Dự án và tiến độ thực hiện với quy định trên để đảm bảo thời gian hoàn thành Dự án không quá dài và khả thi trong việc huy động vốn”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu yêu cầu.
Hướng tới cảng biển “xanh”
Trong Báo cáo thẩm định số 5590/BC-BKHĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, đã có đủ căn cứ chính trị và pháp lý để xem xét quyết định chủ trương đầu tư cho Dự án. Theo đó, Nghị quyết số 98/2023/QH15 đã đưa Dự án vào nhóm các dự án thực hiện lựa chọn nhà đầu tư chiến lược làm cơ sở thúc đẩy kinh tế và làm động lực phát triển cho TP.HCM nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn khi được triển khai thành công sẽ bổ sung tiềm năng của hệ thống cảng biển hiện hữu; tương hỗ và khai thác tốt nhất tiềm năng của cụm cảng biển số 4 trở thành một trung tâm trung chuyển quốc tế; khẳng định vị thế và định vị quốc gia của Việt Nam trên bản đồ hàng hải quốc tế với vai trò là trung tâm trung chuyển vận tải, logistics lớn của khu vực và thế giới.
“Dự án còn giúp Việt Nam trở thành khâu quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao vị thế đối ngoại, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia và có tính chất, ý nghĩa quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế biển”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.
Để đảm bảo sự thành công và nâng cao hiệu quả của Dự án, bên cạnh việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, thì việc lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược có đủ kinh nghiệm, năng lực, công nghệ vận hành khai thác cảng, mạng lưới logistics quốc tế, nguồn hàng trung chuyển quốc tế là yếu tố quyết định.
Đây là lý do mà tại Công văn số 7309/BKHĐT-ĐTNN, ngoài việc bổ sung thuyết minh lộ trình sử dụng công nghệ tại Dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị liên danh nhà đầu tư làm rõ (có căn cứ khoa học về kinh tế, kỹ thuật) việc chưa lựa chọn thiết bị vận chuyển container tự động trong Dự án để hướng tới một dự án cảng biển hiện đại, xứng đáng là một cảng trung chuyển quốc tế lớn.
Liên quan đến đánh giá sơ bộ tác động môi trường của Dự án, tại Công văn số 5861/BTNMT-KHTC, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị liên danh nhà đầu tư cần phân tích rõ hơn sự phù hợp của việc thực hiện Dự án với Quy chế quản lý Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, tuân thủ quy định các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Cơ quan quản lý nhà nước về môi trường lưu ý liên danh nhà đầu tư, trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường của Dự án, cần tập trung đánh giá tác động đến đa dạng sinh học Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, hệ sinh thái biển và các biện pháp giảm thiểu; tác động do quá trình nạo vét, thi công, nhận chìm vật chất nạo vét đến môi trường và biện pháp giảm thiểu; các vấn đề liên quan đến xói lở, bồi lắng và thích ứng với biến đổi khí hậu trong quá trình thi công và vận hành Dự án.
Nhà đầu tư phải tham vấn các bên có liên quan, trong đó có Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam; đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông, hồ và có phương án thực hiện để bảo vệ, phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ…
Được biết, tại cuộc họp về Hồ sơ chủ trương đầu tư Dự án bến cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn (tên theo Quy hoạch là bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ) diễn ra vào ngày 28/8/2024, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm thẩm định, chỉ rõ các điều kiện, mục tiêu và yêu cầu về đầu tư, khai thác của Dự án bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, trong đó tập trung xác định các yếu tố cho giai đoạn 5 năm tới (đến năm 2030).
Phó thủ tướng lưu ý, việc xác định phương án đầu tư và lộ trình đầu tư phải được xem xét, lựa chọn trên cơ sở kết quả đánh giá kỹ lưỡng tác động, ảnh hưởng giữa cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và các cảng khác, phải giải quyết tốt quan hệ giữa Cần Giờ với khu bến Cái Mép của cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu và ảnh hưởng qua lại giữa các dự án đã đầu tư; việc sử dụng, khai thác luồng hàng hải và các hạ tầng dùng chung.
UBND TP.HCM được giao nghiên cứu xem xét bổ sung một số tiêu chí quan trọng khác để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, có thể xem xét các nội dung như: thu hút được hãng tàu có đội tàu chiếm tỷ trọng lớn trên thế giới; yêu cầu về quy mô đầu tư, vốn đầu tư xây dựng trong 5 năm (phải hoàn thành đầu tư 4 bến cảng với tổng vốn khoảng 1,5 tỷ USD); hợp tác với doanh nghiệp trong nước để đầu tư, khai thác cảng; thực hiện đúng cam kết thu hút được khối lượng hàng hóa quốc tế trung chuyển qua cảng ...
“Nhà đầu tư được lựa chọn phải bảo đảm thực hiện đầu tư theo đúng phương án đầu tư tổng thể, đồng bộ, theo đúng lộ trình, phân kỳ đầu tư theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước và đề xuất của TP.HCM”, Phó thủ tướng chỉ đạo.
Thông tin Dự án do nhà đầu tư đề xuất
Địa điểm thực hiện: Cù lao Phú Lợi, huyện Cần Giờ, TP.HCM.
Quy mô sử dụng đất: 571 ha, trong đó diện tích đất rừng phòng hộ ven biển là 89,95 ha và diện tích mặt nước là 481 ha.
Tổng vốn đầu tư: 113.531,7 tỷ đồng.
Tiến độ thực hiện: 22 năm, đầu tư xây dựng giai đoạn I vào năm 2024, hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành vào năm 2045.
Thời gian hoạt động: 70 năm.