Áp lực tiến độ
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa nhận thêm sự ủng hộ quan trọng liên quan đến đề xuất phương án đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây bằng nguồn vốn tự có của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước này.
Vào đầu tuần trước, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong vai trò đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước đã có Công văn số 1204/UBQLV-CNHT gửi Hội đồng Thành viên VEC liên quan đến phương án mở rộng tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Theo đó, Ủy ban đánh giá, việc mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từ quy mô 4 làn xe lên 8 làn xe đang rất cấp bách để khắc phục tình trạng mãn tải kéo dài trên đoạn tuyến từ nút giao An Phú đến nút giao Quốc lộ 51.
“Với tư cách là tuyến đường bộ kết nối quan trọng nhất giữa TP.HCM và Đồng Nai, áp lực giao thông trên đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn An Phú - Quốc lộ 51 sẽ lên đến cực điểm sau khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành được đưa vào khai thác vào cuối năm 2025”, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá.
Tại công văn trên, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giao Hội đồng Thành viên VEC khẩn trương hoàn thành việc quyết toán Dự án Xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, giai đoạn I và sớm hoàn thiện phương án mở rộng tuyến đường lên quy mô theo quy hoạch được phê duyệt để báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét.
Trước đó, vào đầu tháng 5/2022, Bộ GTVT cũng đã giao cho VEC nghiên cứu, xây dựng các phương án đầu tư mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây theo các hình thức như đầu tư công (sử dụng vốn trong nước, vốn ODA), đầu tư theo hình thức PPP.
“VEC phải phân tích cụ thể cách thức đầu tư; ưu, nhược điểm của mỗi phương thức; thủ tục, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư; điều kiện, cơ chế để thực hiện khả thi; tiến độ thực hiện. Từ đó, đề xuất phương án đầu tư tối ưu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là một phần của đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dài 50 km. Trong giai đoạn I, Dự án được xây dựng với quy mô 4 làn xe, gồm đoạn An Phú - vành đai 2 (Km0 - Km4+514) có bề rộng nền đường 25,5 m do UBND TP. HCM đầu tư; đoạn vành đai 2 - Long Thành - Dầu Giây có bề rộng nền đường 27,5 m, dài 50 km, do VEC đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư 20.600 tỷ đồng.
Đổi lại VEC được quyền thu phí hoàn trả các khoản vay, bao gồm một phần vốn vay ODA trong thời gian 20 năm (thời điểm hiện tại còn 15 năm).
Đây cũng chính là nút thắt khiến cho việc mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT hay bán quyền thu phí không thể thực hiện do rất khó bóc tách phần hoàn vốn của VEC và của nhà đầu tư mới.
Hai điều kiện cần
Trong Văn bản số 1260/TTr-VEC gửi Bộ GTVT vào giữa tháng 6/2022, VEC cho biết đã nghiên cứu kỹ các phương án đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây theo các phương án: PPP, loại hợp đồng BOT; đầu tư công sau đó chuyển nhượng quyền thu phí.
Ngoài việc xuất hiện xung đột giữa nhà đầu tư giai đoạn I và giai đoạn II, cả hai phương án đều có thời gian triển khai vượt quá 66 tháng, chỉ có thể đưa vào khai thác vào cuối quý III/2027 hoặc quý I/2028. Đương nhiên là không thể đáp ứng được nhu cầu cấp bách của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến đưa vào khai thác năm 2025 và Dự án cao tốc Bắc - Nam năm 2026.
Để đáp ứng bài toán tiến độ, VEC kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận phương án giao VEC tiếp tục đầu tư mở rộng Dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Trong đó, phạm vi đầu tư mở rộng do VEC thực hiện có điểm đầu tại Km4+000 (điểm trước nút giao vành đai 2), tại phường An Phú, quận 2, TP.HCM; điểm cuối tại Km23+900 (điểm cuối nút giao với Quốc lộ 51), tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Đoạn tuyến do VEC đảm nhận có chiều dài khoảng 19,9 km, được mở rộng lên quy mô 8 làn xe, chiều rộng mặt đường từ 41,5 m - 45 m. Tại vị trí cầu Long Thành, VEC đề xuất xây dựng thêm một đơn nguyên cầu với quy mô bằng quy mô cầu giai đoạn I về phía phải tuyến; khoảng cách giữa hai đơn nguyên cầu là 12,75 m.
Đối với đoạn nút giao An Phú đến Km4+400 sẽ tiếp tục được UBND TP.HCM đầu tư với quy mô 8 làn xe bằng nguồn ngân sách địa phương. Đoạn từ cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đến nút giao Dầu Giây, VEC cho rằng, với quy mô 4 làn xe như hiện tại thì tuyến đường có thể khai thác ổn định đến năm 2040.
Với phương án nói trên, tổng mức đầu tư Dự án khoảng 14.395 tỷ đồng (bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng). Nguồn vốn thực hiện sẽ do VEC tự huy động 100%.
Theo ông Phạm Hồng Quang, Tổng giám đốc VEC, nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt sớm, việc mở rộng 19,9 km cao tốc TP.HCM - Long Thành có thể hoàn thành vào quý III/2026, chỉ chậm hơn 1 chút so với thời gian khai thác sân bay Long Thành.
Điều kiện cần để VEC tham gia Dự án giai đoạn II là Nhà nước cho giãn số tiền nợ gốc 5.334,36 tỷ đồng (phần trái phiếu Chính phủ bảo lãnh đã được Bộ Tài chính ứng trả) và khoản lãi phát sinh liên quan đến khoản nợ gốc từ năm 2012 đến hết ngày 31/12/2021 là 4.561,66 tỷ đồng, cho VEC trả trong giai đoạn 5 năm từ năm 2032 đến năm 2036, đồng thời không tính lãi phát sinh từ năm 2022 trở đi đến khi trả hết nợ.
Bên cạnh đó, VEC kiến nghị Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm xử lý các thủ tục giao tài sản là kết cấu hạ tầng đường cao tốc cho doanh nghiệp nhà nước quản lý và hạch toán tăng vốn điều lệ cho VEC.
“Trong thời gian chờ thực hiện các thủ tục trên, cho phép VEC được sử dụng dòng tiền dư để thực hiện đầu tư dự án này”, lãnh đạo VEC kiến nghị.
Dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây giai đoạn I khởi công ngày 3/10/2009 và hoàn thành ngày 30/6/2016. Tính đến thời điểm hiện tại, VEC đã trình Bộ GTVT toàn bộ giá trị công trình với số tiền là 18.057,38 tỷ đồng đồng. Bộ GTVT đã phê duyệt quyết toán 3 đợt với số tiền là 13.745,461 tỷ đồng. Giá trị còn lại, VEC đang trình Bộ GTVT xem xét phê duyệt.