Thêm nỗ lực tăng thanh khoản cho thị trường chứng khoán

(ĐTCK) Ngay sau Quy chế niêm yết mới của Sở GDCK TP. HCM (HOSE), ngày 17/1/2014, Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã ban hành Quy chế niêm yết kèm theo Quyết định số 18/QĐ-SGDHN.
Quy chế này nhằm hướng dẫn về các vấn đề niêm yết tại HNX, bao gồm 3 điểm mới, trong đó có quy định cổ phiếu không có giao dịch 6 tháng mới thuộc diện bị cảnh báo, thay vì mức 60 ngày như trước đây.

Cụ thể hóa việc niêm yết của DN sau M&A

Điểm nổi bật của Quy chế mới tại HNX là  cập nhật quy định về chứng khoán và TTCK tại Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 và Thông tư 73/2013/TT-BTC ngày 29/5/2013, đồng thời bổ sung các quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành cụ thể rõ ràng hơn so với quy chế cũ.

Theo đó, Quy chế mới bổ sung các quy định niêm yết đối với công ty hình thành sau quá trình hợp nhất, sáp nhập và chỉnh sửa, bổ sung các quy định về tiêu chí, hồ sơ niêm yết, trình tự và thủ tục đăng ký niêm yết cho phù hợp với các quy định hiện hành tại Nghị định và Thông tư.

Cụ thể, Quy chế đã bổ sung quy định về cách hiểu đối với các tiêu chí niêm yết như ROE, khoản nợ quá hạn 1 năm, không có lỗ lũy kế…

Đồng thời, Quy chế cũng bổ sung quy định tổ chức đăng ký niêm yết phải nộp bổ sung báo cáo tài chính (BCTC) đến kỳ kế toán gần nhất trong quá trình chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ.

Trong trường hợp cần thiết, Sở GDCK có thể yêu cầu tổ chức đăng ký niêm yết kiểm toán/soát xét BCTC giữa niên độ.

Đáng chú ý, về trình tự, thủ tục đăng ký niêm yết, Quy chế mới bổ sung quy định về thời gian tổ chức đăng ký niêm yết phải hoàn tất hồ sơ đăng ký niêm yết theo yêu cầu của HNX trong vòng 6 tháng kể từ ngày Sở có công văn yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

Thứ hai, về thay đổi đăng ký niêm yết, Quy chế mới đưa thêm quy định thời gian niêm yết bổ sung cổ phiếu đối với công ty hình thành sau sáp nhập DN là sau 1 năm kể từ thời điểm DN được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Cổ phiếu không giao dịch 6 tháng mới thuộc diện cảnh báo

Về quy định cảnh báo, kiểm soát, tạm ngừng giao dịch, so với Quy chế cũ, Quy chế mới đã bỏ diện cảnh báo/kiểm soát đối với trường hợp tổ chức niêm yết không có đủ 100 cổ đông có quyền biểu quyết và tổ chức niêm yết có nợ quá hạn trên 1 năm, đồng thời điều chỉnh thời gian đưa vào cảnh báo đối với trường hợp cổ phiếu của tổ chức niêm yết không có giao dịch từ 60 ngày lên 6 tháng.

Thêm vào đó, Quy chế mới đã bổ sung thời gian đưa vào diện cảnh báo/kiểm soát đối với trường hợp tổ chức niêm yết ngừng/bị ngừng hoạt động sản xuất - kinh doanh chính trong thời gian từ 3 tháng/9 tháng; bổ sung tiêu chí lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp tại BCTC soát xét gần nhất đối với diện kiểm soát. Đối với các trường hợp dỡ bỏ ký hiệu cảnh báo/kiểm soát, quy chế quy định cụ thể loại BCTC được chọn làm căn cứ xem xét.

Theo HNX, Quy chế niêm yết mới của Sở GDCK Hà Nội đã hướng dẫn rõ ràng hơn, cập nhật, chỉnh sửa các quy định không còn phù hợp với hiện tại và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức đăng ký niêm yết/tổ chức niêm yết khi áp dụng trong thực tế. Quy chế mới cũng kỳ vọng sẽ là một giải pháp kỹ thuật cải thiện chất lượng hàng hóa trên thị trường niêm yết và gia tăng thanh khoản cho thị trường.

Năm 2013, thanh khoản là một trong những nỗi trăn trở lớn tại HNX khi sàn niêm yết có giá trị giao dịch trung bình chỉ 328 tỷ đồng/phiên, còn sàn UPCoM thì chỉ có giá trị giao dịch trung bình chưa đầy 2 tỷ đồng/phiên.

Rất nhiều cổ phiếu đăng ký trên UPCoM, nhưng không có giao dịch cả tháng, cả năm ròng.

Trên sàn niêm yết, tình trạng này cũng xảy ra với một lượng cổ phiếu không nhỏ.

Để thúc đẩy thanh khoản cho TTCK, HNX đã nâng cấp, phát triển hệ thống công nghệ (hiện tại, số lệnh và tần suất giao dịch của thị trường chỉ chiếm 1-2% công suất của hệ thống); hỗ trợ các DN công bố thông tin, thúc đẩy quản trị DN, xây dựng các bộ chỉ số mới để “bật sáng” thị trường, giúp nhà đầu tư đánh giá đúng hơn tiềm năng của các cổ phiếu...

Tuy nhiên, với hiện trạng khó khăn chung của các DN quy mô vừa và nhỏ niêm yết tại HNX, thanh khoản vẫn sẽ là câu chuyện lớn năm 2014.

T.Vi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục