Thêm nhiều lựa chọn vay vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau quyết định giảm thêm lãi suất điều hành mới đây của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động, từ đó điều chỉnh lãi suất cho vay và có thêm các gói tín dụng ưu đãi.
Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh triển khai các gói ưu đãi lãi suất cho vay Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh triển khai các gói ưu đãi lãi suất cho vay

Nhiều gói hỗ trợ lãi suất

ACB vừa nâng quy mô gói ưu đãi lãi suất cho vay từ 20.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, với mức giảm tối đa 3%/năm so với biểu lãi suất thông thường. Trước đó, cuối tháng 2/2023, ACB triển khai gói tín dụng ưu đãi với quy mô 20.000 tỷ đồng; trong đó, riêng TP.HCM, nhà băng này dành thêm 2.000 tỷ đồng cho chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước TP.HCM thực hiện, hiện đã giải ngân được 80%.

Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho hay, ngay sau khi được phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2023, Ngân hàng đã chủ động sắp xếp các nguồn vốn để triển khai các gói cho vay ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng thực hiện các kế hoạch sản xuất - kinh doanh. Với việc mở rộng quy mô gói ưu đãi tín dụng, ACB mong muốn có thể chia sẻ nhiều hơn áp lực tài chính cho khách hàng trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều khó khăn.

Ngoài ra, ACB duy trì chính sách giảm từ 0,5 - 2%/năm lãi suất cho khách hàng hiện hữu có khoản vay đến kỳ thay đổi lãi suất, mức giảm cụ thể căn cứ vào mức độ sử dụng các dịch vụ thanh toán trong và ngoài nước tại Ngân hàng.

Tương tự, OCB triển khai gói ưu đãi lãi suất cho vay cố định dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), quy mô 2.000 tỷ đồng. Theo đó, khi doanh nghiệp vay ngắn hạn dưới 6 tháng, lãi suất cố định là 8,15%/năm cho toàn bộ thời gian vay; vay ngắn hạn từ 6 - 12 tháng, lãi suất cố định 8,65%/năm trong 6 tháng đầu; vay trung và dài hạn, lãi suất cố định 11,15%/năm trong 6 tháng đầu.

OCB hướng đến tất cả khách hàng thuộc phân khúc SME, không phân biệt ngành nghề kinh doanh trên phạm vi toàn quốc. Riêng nhóm doanh nghiệp xuất nhập khẩu, OCB dành 500 tỷ đồng cho vay với lãi suất từ 7,99%/năm; trường hợp vay USD, lãi suất giảm đến 2,7%/năm so với mức thông thường.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã họp với các ngân hàng và đặt ra yêu cầu rất cao đối với việc giảm lãi suất cho vay, dành cho khách hàng cũ. Với khách hàng mới, các ngân hàng cũng đã cho vay với lãi suất thấp hơn nhiều so với đầu năm 2023. Tại OCB, bên cạnh triển khai giảm lãi suất cho vay mới, Ngân hàng giảm ít nhất 0,5%/năm lãi suất cho tất cả khách hàng cũ.

Trong khi đó, BVBank ưu đãi lãi suất đến 2%/năm cho các hộ kinh doanh vay vốn để mở rộng sản xuất - kinh doanh, mua hàng hóa…

Shinhan Việt Nam triển khai gói vay mua nhà với lãi suất và kỳ hạn linh hoạt. Chẳng hạn, khách hàng có thể vay 60 tháng với lãi suất cố định 7,99%/năm trong 6 tháng đầu; lãi suất 9,8%/năm, cố định 12 tháng đầu; lãi suất 10%/năm, cố định 24 tháng đầu; lãi suất 10,1%/năm, cố định 36 tháng đầu.

Theo ông Trịnh Bằng Vũ, Trưởng khối Cho vay bán lẻ, Shinhan Việt Nam, lãi suất đang trong chiều hướng giảm dần, nhất là sau 3 đợt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước kể từ giữa tháng 3/2023 đến nay, các ngân hàng có thêm điều kiện để giảm lãi suất đầu vào, từng bước điều chỉnh lãi suất đầu ra.

Giảm lãi suất cho khoản vay cũ

Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới của ngành ngân hàng hiện nay là hơn 9%/năm.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, Ngân hàng đã có hai đợt giảm lãi suất cho các khoản vay hiện hữu, áp dụng từ đầu năm 2023 tới hết tháng 7/2023. Hai đợt giảm lãi suất đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của Vietcombank khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh khách hàng gặp khó khăn, Ngân hàng giảm lãi suất nhằm chia sẻ với khách hàng, dù khó tránh khỏi áp lực thực hiện mục tiêu lợi nhuận năm nay.

Đợt giảm lãi suất lần 1 của Vietcombank diễn ra từ ngày 1/1 - 30/4/2023, Ngân hàng giảm đồng loạt 0,5%/năm lãi suất với 130.000 khách hàng, quy mô dư nợ 800.000 tỷ đồng. Đợt giảm lãi suất lần 2 diễn ra từ ngày 1/5 - 31/7/2023, với khoảng 110.000 khách hàng, quy mô dư nợ khoảng 700.000 tỷ đồng.

Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank cho hay, từ ngày 15/5 đến hết 30/9/2023, Ngân hàng giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khoản dư nợ trung và dài hạn hiện hữu. Ước tính, 2 triệu khách hàng sẽ được hỗ trợ với tổng số tiền được giảm theo chương trình là hơn 1.000 tỷ đồng.

Không chỉ các ngân hàng có vốn nhà nước, mà khối ngân hàng tư nhân cũng đang từng bước giảm lãi suất cho khách hàng cũ như ACB giảm từ 0,5 - 2%/năm cho khách hàng có khoản vay đến kỳ thay đổi lãi suất.

Tại MB, Ngân hàng dành 120.000 tỷ đồng để triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất, nhằm hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn khó khăn. Đồng thời, Ngân hàng giảm lãi suất cho khách hàng cũ với số tiền 500 tỷ đồng, tập trung vào các khách hàng khó khăn, khách hàng ưu tiên.

Lãnh đạo một nhà băng chia sẻ, việc điều chỉnh hay thay đổi về lãi suất cho vay có độ trễ so với chính sách của cơ quan quản lý, phụ thuộc vào quy mô, năng lực, cấu trúc vốn và việc quản trị của mỗi ngân hàng. Giá vốn cho vay trong quý II/2023 của nhiều ngân hàng vẫn cao, vì vốn huy động trước đó có lãi suất cao, nhất là giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022. Vì vậy, để có thể giảm ngay lãi suất cho vay lúc này, các ngân hàng phải giảm bớt lợi nhuận, tiết giảm chi phí…

Theo ông Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới của các ngân hàng hiện nay khoảng 6,1%/năm, lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới khoảng 9,07%/năm, lần lượt giảm 0,37%/năm và 0,9%/năm so với cuối năm 2022.

Liên quan đến lãi suất, trong Công điện chiều 26/5/2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, ứng dụng chuyển đổi số, tăng cường quản lý hiệu quả, giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo… để giảm thêm lãi suất cho vay, dành cho đúng đối tượng khách hàng, nhằm góp phần giải quyết khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhất là tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng. Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát các gói tín dụng 40.000 tỷ đồng và 120.000 tỷ đồng nhằm hướng đến các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi hơn; đồng thời tăng cường kiểm tra, không để xảy ra trục lợi chính sách, vi phạm pháp luật.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục