Thêm nguồn lực để tăng tốc cổ phần hóa

(ĐTCK) Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 21/2012/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN.
Ông Nguyễn Duy Long Ông Nguyễn Duy Long

Theo đó, nguồn thu, chi của Quỹ sẽ được mở rộng để tạo động lực đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa vốn đang rất chậm trễ và những biện pháp mạnh tay cũng được đưa ra nhằm hạn chế tình trạng chậm nộp nguồn thu về Quỹ. ĐTCK đã trao đổi với ông Nguyễn Duy Long, Trưởng phòng Đổi mới, sắp xếp và phát triển DN, Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) về vấn đề này.

Thưa ông, từ ngày 1/7 tới đây, Quỹ Hỗ trợ sắp xếp DN Trung ương được chuyển thành Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN. Ngoài tên gọi, còn có thay đổi gì trong cơ chế quản lý và hoạt động của Quỹ?

Đây không chỉ đơn thuần là việc đổi tên, mà còn hướng tới mục tiêu quản lý tập trung, thống nhất, có hiệu quả các khoản thu từ việc đầu tư vốn của Nhà nước. Theo đó, nguồn thu của Quỹ sẽ được mở rộng. Trước đây, theo Quyết định 113/2008 của Thủ tướng Chính phủ thì nguồn thu của Quỹ đến từ hoạt động cổ phần hóa DNNN và các hình thức khác như giao, bán, giải thể, phá sản DNNN… Sắp tới, nguồn bổ sung Quỹ còn đến từ lợi nhuận của khoản vốn nhà nước đầu tư vào các DN mà bộ, ngành, địa phương đang làm đại diện sở hữu; lãi tiền gửi của Quỹ tại ngân hàng; khoản chênh lệch giá trị vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ ở các DN mà Nhà nước sở hữu 100% vốn. Với Quyết định 21, nguồn thu của Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN sẽ bao hàm toàn bộ khoản thu từ nguồn vốn nhà nước đầu tư vào các bộ, ngành, địa phương làm đại diện vốn, thu từ lợi nhuận do chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ của các tổng công ty, tập đoàn nhà nước.

Bên cạnh đó, các khoản chi cũng được mở rộng, ngoài chi hỗ trợ DNNN xử lý lao động dôi dư khi tái cấu trúc, sắp xếp lại DN; hỗ trợ xử lý tồn tại về tài chính trong quá trình sắp xếp, chuyển đổi DN, Quỹ còn được sử dụng để Nhà nước đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với DN mà Nhà nước cần nắm giữ 100%, đầu tư bổ sung để duy trì hoặc tăng tỷ lệ vốn nhà nước đang tham gia tại các DN khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các DN sau khi chuyển đổi sở hữu mà Nhà nước vẫn đang nắm giữ tỷ lệ cổ phần chi phối, nếu cần thiết tiếp tục duy trì tỷ lệ này khi DN tăng vốn điều lệ, thì Quỹ sẽ cấp bổ sung. Việc này đã được thực hiện đối với 2 ngân hàng Vietcombank và Vietinbank khi hai đơn vị trên tăng vốn.

 

Trong giai đoạn trước, có tình trạng DN sau chuyển đổi nợ tiền cổ tức của cổ đông Nhà nước, gây ảnh hưởng nguồn thu của Quỹ. Sắp tới, liệu có những biện pháp nào để đảm bảo DN sẽ nộp các khoản phải trả về Quỹ đúng hạn, thưa ông?

Để tăng cường kỷ luật trong quá trình thu chi, giám sát sử dụng Quỹ, quy chế mới định rõ chế tài xử lý khi có tình trạng chậm nộp xảy ra. Chẳng hạn như tại các DN cổ phần, đã có Nghị quyết ĐHCĐ về chia cổ tức, nếu chậm trả cổ tức cho cổ đông Nhà nước thì trong vòng 3 tháng đầu chậm trả sẽ phải trả lãi tính theo lãi suất cơ bản, tháng thứ 4 sẽ phải trả lãi quá hạn. Hết tháng thứ 4 mà DN vẫn không trả cổ tức thì áp dụng biện pháp cưỡng chế chuyển tiền từ tài khoản DN tại các ngân hàng về tài khoản của Quỹ.

Đây là biện pháp nhằm hạn chế tình trạng chiếm dụng nguồn thu của Quỹ và là nội dung đã được Kiểm toán Nhà nước kiến nghị. Về quy trình, hàng tháng, cơ quan được giao quản lý Quỹ sẽ rà soát, lập danh sách báo cáo Bộ Tài chính. Trên cơ sở danh sách này, Bộ sẽ có công văn yêu cầu ngân hàng mà DN đang mở tài khoản cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản tiền gửi. Trong vòng 3 ngày làm việc, ngân hàng phải có công văn phúc đáp và sau đó, Bộ Tài chính sẽ ra quyết định cưỡng chế chuyển tiền, nhằm đảm bảo nguồn thu đủ và kịp thời.

Cùng với chế tài, cơ quan được giao nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng quản lý Quỹ, thực hiện nhiệm vụ thu chi với vai trò thủ quỹ là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Bộ Tài chính có nhiệm vụ quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của Quỹ.

 

Như vậy, liệu có thể hiểu là Quỹ Hỗ trợ, sắp xếp DN tại các tập đoàn, tổng công ty sẽ được chuyển về SCIC?

Trước mắt, việc phân cấp quản lý Quỹ vẫn giữ nguyên trạng, Quỹ hỗ trợ DN Trung ương tập trung nguồn thu của DN độc lập thuộc các bộ, ngành, địa phương khi chuyển đổi sở hữu, nguồn thu từ đầu tư vốn nhà nước mà bộ, ngành, địa phương đang làm đại diện vốn. Thu từ chuyển đổi các DN thuộc tập đoàn, tổng công ty tiếp tục được để lại, hình thành Quỹ tại các tập đoàn, tổng công ty đó.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, việc quản lý và sử dụng quỹ này tại một số tập đoàn, tổng công ty còn nhiều bất cập, chẳng hạn như vẫn để các công ty con chậm nộp các khoản thu hoặc hạch toán tiền lãi từ khoản tiền gửi của Quỹ ở ngân hàng vào doanh thu… Do đó, tôi cho rằng, trong tương lai, có thể là sau năm 2015, nên thống nhất đầu mối quản lý, tức là quỹ tại tập đoàn, tổng công ty nên chuyển về Quỹ Trung ương để việc quản lý, sử dụng thống nhất và hiệu quả hơn.

 

Thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ theo quyết định mới của Thủ tướng đang được DN và các đơn vị liên quan chờ đợi. Tiến độ soạn thảo thông tư này đến đâu, thưa ông?

Thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng Quỹ đang được xây dựng, cố gắng để có thể ban hành đúng thời điểm tháng 7 tới. Xu hướng quản lý là sẽ tập trung quản lý các nguồn thu, DN có nhu cầu sử dụng Quỹ sẽ phải lập phương án, hồ sơ gửi đơn vị quản lý Quỹ, Quỹ sẽ báo cáo cơ quan quản lý và trình Thủ tướng quyết định. Đối với chi sử dụng Quỹ ở các tập đoàn, tổng công ty, khả năng là sẽ quy định như đối với Quỹ Trung ương.

Đáng chú ý, Thông tư sẽ có hướng dẫn về việc quy trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc để xảy ra tình trạng chậm nộp các khoản thu về Quỹ. Hội đồng thành viên, HĐQT, giám đốc/tổng giám đốc, kế toán trưởng, người đại diện vốn nhà nước… tại DN, nếu để xảy ra tình trạng chậm nộp các khoản thu về Quỹ thì phải chịu trách nhiệm cá nhân. Cá nhân có liên quan đến việc chậm nộp sẽ được xác định là chưa hoàn thành nhiệm vụ và chịu trách nhiệm theo quy định tại quy chế giám sát, phân loại DN theo pháp luật hiện hành (không được hưởng Quỹ thưởng ban điều hành DN). Đối với lãi phạt chậm nộp, DN không được hạch toán vào chi phí mà phải hạch toán vào lợi nhuận sau thuế.

Tổng thu của Quỹ Hỗ trợ sắp xếp DN Trung ương từ khi thành lập năm 1999 đến nay là trên 100.000 tỷ đồng, trong đó Quỹ trung ương thu khoảng 50.000 tỷ đồng, phần còn lại thuộc về Quỹ tại các tập đoàn, tổng công ty.

Bùi Trang thực hiện
Bùi Trang thực hiện

Tin cùng chuyên mục