Thêm lựa chọn phá sản doanh nghiệp ngoài tòa án

(ĐTCK) Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán về xu thế mới trong việc giải quyết vấn đề cho phá sản doanh nghiệp, ông Mahesh Uttamchandani, chuyên gia trưởng toàn cầu của nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) về thị trường tài chính cho biết, xu hướng xử lý ngoài tòa án sẽ có điều kiện để phát triển mạnh tại châu Á.

Là chuyên gia làm việc tại nhiều thị trường tài chính trên thế giới, ông có bình luận gì về công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (AMC) của các nước?

AMC hay những công ty tương tự là một công cụ hữu ích để xử lý các vấn đề như nợ xấu. Tuy nhiên, việc thành lập được một công ty như vậy mới là bước khởi đầu, vấn đề chính là phải vận hành tốt.

Có nhiều thách thức mà AMC phải đối mặt, nhất là câu chuyện về quản trị: làm cách nào đảm bảo được tính minh bạch của quá trình xác định giá trị tài sản, AMC sẽ mua tài sản với giá nào để qua đó có động lực thúc đẩy quá trình thực hiện xử lý nợ?

Thêm lựa chọn phá sản doanh nghiệp ngoài tòa án ảnh 1

 Ông Mahesh Uttamchandani

Một vấn đề tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta không thể vận hành AMC trơn tru, hiệu quả nếu thiếu những quy định, quy chế đúng đắn về phá sản. Lý do như đã nhắc tới ở trên, việc vận hành AMC phụ thuộc rất nhiều vào việc định giá, xác định tài sản… một cách chính xác.

Điều này hỗ trợ quá trình cho doanh nghiệp phá sản trong trường hợp xấu nhất. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu vừa qua, Việt Nam có thể học hỏi được kinh nghiệm từ AMC của Ireland, Hàn Quốc và Đài Loan. 

Dường như, việc có được một khung khổ pháp lý tốt nhất để đẩy nhanh tiến trình cho phá sản doanh nghiệp không phải là câu chuyện của riêng Việt Nam?

Rõ ràng, đây là vấn đề rất thách thức. Có nhiều quốc gia đã ban hành những quy định rất tiến bộ, chặt chẽ về việc phá sản doanh nghiệp, nhưng khi thực thi vẫn gặp vấp váp, mà vấn đề nằm ở chất lượng nguồn nhân lực tại tòa án: các thẩm phán liệu đã đủ năng lực, nguồn lực đầu tư cho tòa án đầy đủ hay chưa?

Thực tế, nhiều quốc gia đã công bố luật phá sản, nhưng không có sự đầu tư đầy đủ, đồng bộ vào ngành tòa án, dẫn tới câu chuyện là những người thực thi công việc cụ thể không có đủ kỹ năng, kinh nghiệm. Bên cạnh đó, cần ban hành bộ quy tắc đạo đức hành xử đối với những người đưa ra quyết định và thực thi việc cho phá sản doanh nghiệp, đồng thời có biện pháp giám sát thực thi quy tắc này.

Bên cạnh việc cho phá sản doanh nghiệp tại tòa án, còn một sự lựa chọn khác là xử lý bên ngoài tòa án. Tuy nhiên, để sử dụng cách thức này, cần đảm bảo cung cấp cho hệ thống những công cụ tốt để vận hành. Chẳng hạn, cần có cơ sở để các nhà hoạch định chính xác đưa ra quyết định khi lựa chọn khả năng xử lý ngoài tòa án.

Năm 2015, WB đã có bộ công cụ hướng dẫn nhà hoạch định chính sách các nước thực hiện công tác này dựa trên kinh nghiệm của WB tại hơn 40 quốc gia về vấn đề xử lý, thu xếp ngoài tòa án.

Vấn đề là nhà hoạch định chính sách đứng trước hai lựa chọn: hoặc là áp dụng một cách đầy đủ vấn đề về dàn xếp, thu xếp ngoài tòa, hoặc là áp dụng một chính sách mang tính chất lai ghép, kết hợp cả hai biện pháp này. 

Ông vừa đề cập đến vấn đề khá mới, đó là xử lý ngoài tòa án. Ông có thể cho biết, xu hướng này phát triển như thế nào ở các nước trên thế giới?

Việc xử lý trong hay ngoài tòa án đều phải thực thi theo các quy tắc của luật pháp, nhưng so với việc đưa nhau ra tòa, lợi ích của xu thế này rất rõ ràng: đỡ tốn kém, nhanh chóng, quy trình đơn giản hơn… Do đó, đây là lựa chọn mà các quốc gia phát triển sẵn lòng thực hiện.

Đặc biệt, xu hướng xử lý ngoài tòa án có điều kiện phát triển mạnh tại châu Á, bởi nền kinh tế khu vực này có đặc điểm là ưa chuộng các giải pháp đồng thuận, muốn tham gia vào quá trình dàn xếp mà không có bên thắng, bên thua, mọi người đều vui vẻ và hài lòng. 

Có cách nào giải quyết được vấn đề của doanh nghiệp mà không cần đến biện pháp đưa nhau ra tòa, theo ông?

Theo tôi, chúng ta cùng lùi một bước để xem xét, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Cụ thể, việc Chính phủ quyết định có nên cứu doanh nghiệp bằng cách bơm vốn hay không nên dựa trên cơ sở: doanh nghiệp có triển vọng hồi phục và thu lại số tiền đã bơm vào hay không. Nếu trong trường hợp suy sét kỹ lưỡng và thấy rằng, không còn hy vọng gì nữa, Chình phủ sẽ không lựa chọn phương pháp “giải cứu”.

Vấn đề ở đây, phá sản là công cụ tốt để hỗ trợ Chính phủ, cơ quan quản lý khi đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nhà nước không nên đóng vai trò khẳng định/can thiệp rõ ràng có - không đối với việc phá sản của doanh nghiệp, trừ những trường hợp có tầm quan trọng đối với toàn hệ thống, hoặc nằm trong khu vực nhạy cảm như tài chính, ngân hàng.

Nhìn chung, luật phá sản hiệu quả phải đặt mục tiêu kép: cứu vãn các doanh nghiệp có khả năng phục hồi và bảo đảm rằng, những doanh nghiệp không có khả năng phục hồi có thể nhanh chóng chấm dứt hoạt động, đồng thời cho phép phân bổ nguồn lực sang các doanh nghiệp khác.

Nhuệ Mẫn thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục