Thêm dấu hiệu suy thoái, Fed có thể sớm dừng tăng lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Wall Street Journal, trong số 23 định chế tài chính có giao dịch trực tiếp với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), hơn 2/3 tin rằng, Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023.
Thêm dấu hiệu suy thoái, Fed có thể sớm dừng tăng lãi suất

Gia tăng lo ngại

Nhiều định chế tài chính đã chỉ ra một số dấu hiệu cảnh báo về nền kinh tế Mỹ: người dân đang rút những khoản tiết kiệm mà họ tích luỹ được trong thời gian đại dịch Covid-19 để tiêu, thị trường bất động sản đi xuống, các ngân hàng thắt chặt tiêu chuẩn cho vay…

“Chúng tôi dự báo, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ sụt giảm trong năm 2023, dẫn đầu là suy thoái ở cả Mỹ và khu vực Eurozone”, các chuyên gia kinh tế của BNP Paribas cho biết.

Theo PNB Paribas, “thủ phạm” chính dẫn tới suy thoái là chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed. Ngân hàng trung ương Mỹ đã có 7 lần tăng lãi suất từ tháng 3/2022 nhằm chống lạm phát. Gần đây, lạm phát dịu xuống, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức mà Fed mong muốn. Trong tháng cuối năm 2022, Fed phát tín hiệu sẽ tiếp tục nâng lãi suất, lên khoảng 5 - 5,5%/năm trong năm 2023.

Giới chuyên gia kinh tế dự báo, lãi suất tăng sẽ đẩy tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ từ mức 3,7% trong tháng 11/2022 lên hơn 5% trong thời gian tới. Tuy mức thất nghiệp như vậy vẫn thấp so với lịch sử, nhưng sự gia tăng đó đồng nghĩa với hàng triệu người dân sẽ mất việc làm. Mức lãi suất hiện nay là cao nhất kể từ năm 2008 - thời điểm ngay trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Một số dấu hiệu đáng lưu ý

Loạt chỉ số kinh tế dẫn dắt của Tổ chức Conference Board đã giảm 9 tháng liên tiếp, xuống mức mà trong lịch sử thường báo trước cuộc suy thoái xảy ra. Các chỉ số đo hoạt động kinh doanh nói chung và các thước đo của ngành dịch vụ, sản xuất cũng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ nhịp sụt giảm do Covid-19 gây ra trong năm 2020.

Bên cạnh đó, trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 3 tháng và 2 năm đang có mức lợi suất cao hơn so với trái phiếu các kỳ hạn 10 năm, 20 năm và 30 năm. Hiện tượng này được gọi là đường cong lợi suất đảo ngược, một dấu hiệu cảnh báo luôn xuất hiện trước mỗi cuộc suy thoái kinh tế ở Mỹ kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay.

Ngoài ra, doanh số bán nhà tháng 11/2022 ở Mỹ giảm 37% so với cùng kỳ năm 2021, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2012.

Đáng lưu ý, số tiền tiết kiệm gia tăng mà người Mỹ tích luỹ được ở giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch đã giảm còn 1.200 tỷ USD từ mức khoảng 2.300 tỷ USD (theo dữ liệu của Fed). Các nhà phân tích của Deutsche Bank dự báo, lượng tiết kiệm gia tăng này đến tháng 10/2023 sẽ được tiêu hết.

“Nhu cầu tiêu dùng đang chậm lại và sẽ giảm mạnh khi lượng tiền tiết kiệm dôi dư bắt đầu cạn kiệt và người tiêu dùng cảm thấy sức ép lớn hơn. Không riêng gì người tiêu dùng, các doanh nghiệp cũng có thể phải cắt giảm chi tiêu”, ông Brett Ryan, chuyên gia kinh tế trưởng tại Mỹ của Deutsche Bank nhận định.

Báo cáo của Fed chi nhánh St. Louis cho biết, có 27 bang ở Mỹ có hoạt động kinh tế chậm lại, điều thường báo hiệu một cuộc suy thoái sắp xảy ra.

Một báo cáo của Fed chi nhánh San Francisco đề cập đến dấu hiệu suy thoái, nhưng nhìn từ góc độ thay đổi tỷ lệ thất nghiệp. Báo cáo này cho rằng, khi tỷ lệ thất nghiệp chạm đáy và quay đầu tăng cao là dấu hiệu để dự báo suy thoái sắp xảy ra.

Dự báo, Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong quý I/2023, dừng nâng trong quý II và bắt đầu cắt giảm trong quý III hoặc quý IV/2023.

Có một tin tốt là phần lớn các chuyên gia kinh tế tin rằng, kinh tế năm 2023 chỉ suy thoái nhẹ và kỳ vọng nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán sẽ hồi phục vào cuối năm. Dự báo, Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong quý I/2023, dừng nâng trong quý II và bắt đầu cắt giảm trong quý III hoặc quý IV/2022. Chỉ số S&P 500 có khả năng tăng khoảng 5% trong năm 2023.

Các chuyên gia nhận định, khi thị trường việc làm gặp thách thức, Fed có thể sẽ nhẹ tay trong cuộc chiến chống lạm phát để ưu tiên tăng trưởng kinh tế, bằng cách sớm dừng tăng lãi suất và chuyển sang nới lỏng tiền tệ.

Chỉ có 5 trong số 23 định chế tài chính được Wall Street Journal khảo sát dự báo kinh tế Mỹ tránh được suy thoái trong năm 2023, gồm Credit Suisse, Goldman Sachs, HSBC, JPMorgan Chase và Morgan Stanley, nhưng mức tăng trưởng kinh tế dự kiến chỉ đạt 0,5%. Ngay cả Goldman Sachs, ngân hàng có cái nhìn lạc quan nhất về kinh tế Mỹ năm 2023 cũng cho rằng, mức tăng trưởng GDP năm nay ít có khả năng cao hơn 1%.

Giai đoạn 2012 - 2021, kinh tế Mỹ tăng trưởng bình quân 2,1% mỗi năm, năm 2022 được giới chức nước này kỳ vọng tăng 2,9%, sau khi quý III ghi nhận mức tăng 3,2% (2 quý đầu năm lần lượt giảm 1,6% và 0,9%.

Diệp Anh
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục