Thêm chế tài với doanh nghiệp trốn đóng quỹ bảo hiểm xã hội

(ĐTCK) Thực trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) tại nhiều DN dẫn tới sự gia tăng mất cân đối thu chi khiến nguy cơ “vỡ quỹ” BHXH ngày càng trở nên hiện hữu đang là vấn đề hết sức nhức nhối.  
Tính đến quý II/2014, tổng số nợ BHXH - BHYT lên đến trên 11.190 tỷ đồng Tính đến quý II/2014, tổng số nợ BHXH - BHYT lên đến trên 11.190 tỷ đồng

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ về công tác thực hiện BHXH tại Hội thảo BHXH ở Việt Nam trong những năm đổi mới và định hướng phát triển do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với BHXH tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội, những vi phạm về thu BHXH mà điển hình là tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT đang ngày càng có chiều hướng gia tăng.

Tính đến quý II/2014, tổng số nợ BHXH - BHYT lên đến trên 11.190 tỷ đồng, chiếm 6,28% kế hoạch thu BHXH - BHYT. Trong đó, nợ của các đơn vị đang hoạt động trên 8.283 tỷ đồng, chiếm 93,1%; nợ của các đơn vị đã ngừng hoạt động là 613 tỷ đồng, chiếm 6,9%.

Điều đáng lo ngại là những đối tượng tham gia bắt buộc chủ yếu của BHXH, BHYT là các đơn vị kinh doanh, các DN thuộc nhiều thành phần kinh tế có sử dụng lao động phần lớn lại là những “con nợ” trốn tránh, dây dưa hàng đầu của BHXH.

Số liệu thống kê của Thanh tra Chính phủ cho thấy, trong tổng số 860.835 đơn vị sản xuất - kinh doanh ngoài quốc doanh đã đăng ký hoạt động với cơ quan nhà nước từ năm 2005 đến 2009, số đơn vị tham gia đóng BHXH, BHYT cho người lao động chỉ có 111.484 đơn vị, đạt tỷ lệ 12,95%, trong khi số đơn vị chưa tham gia là 749.351 đơn vị, chiếm tới 87,05%. Trong đó DN có vốn đầu tư nước ngoài là 106.131 đơn vị, DN ngoài quốc doanh là 236.220 đơn vị, tổ hợp tác xã - hộ sản xuất kinh doanh cá thể 383.954 đơn vị và các đơn vị sự nghiệp bán công, dân lập 19.831 đơn vị.

Cũng theo cơ quan Thanh tra, trong quá trình rà soát đối với 325.937 DN ngoài quốc doanh được cấp giấy phép hoạt động trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2008 tại 63 tỉnh, thành phố thì mới chỉ có 72.967 DN đã tham gia BHXH, BHYT, đạt 22,4%; các DN chưa tham gia lên tới 252.970 DN, chiếm 77,6%.

Hệ lụy của tình trạng này không chỉ dừng ở việc hàng trăm nghìn người lao động trên cả nước đang bị các DN, các chủ sử dụng lao động vi phạm quyền lợi, mà đáng lo ngại hơn là có rất nhiều lao động không có cơ hội được giải quyết quyền lợi BHXH, vì phần lớn trong số các DN nợ đọng quỹ BHXH hiện đã hoặc đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Đánh giá nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, ông Đỗ Văn Sinh, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, trước hết là do thiếu những chế tài đủ mạnh để đảm bảo các đơn vị tham gia phải nghiêm túc tuân thủ đóng nộp BHXH, BHYT cho người lao động.

“Có một thực tế là hiện nay chế tài xử phạt hành vi vi phạm về nộp BHXH còn rất thấp, không đủ sức răn đe DN dây dưa nợ đọng. Theo quy định hiện hành, mức phạt tối đa đối với hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm của chủ sử dụng lao động không vượt quá 75 triệu đồng”, ông Sinh nói và cho biết thêm, cùng với mức phạt tiền trên, DN vi phạm chỉ phải nộp thêm một khoản lãi chậm đóng được tính bằng lãi suất đầu tư của quỹ BHXH. Mức lãi suất này thậm chí thấp hơn lãi suất cho vay của ngân hàng, nên nhiều DN sẵn sàng chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng quỹ BHXH thay vì phải đi vay ngân hàng.

Liên quan đến vấn đề thanh tra, kiểm tra để phát hiện xử lý vi phạm, ông Ngô Văn Khánh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, do Ban Kiểm tra của cơ quan BHXH không có chức năng xử phạt vi phạm hành chính nên công tác thanh tra, kiểm tra luôn gặp khó khăn.

“Ban Kiểm tra của cơ quan BHXH luôn bị động do phải phối hợp với các cơ quan khác để tiến hành thanh tra liên ngành; những vi phạm hành chính phát hiện qua thanh tra sau đó lại phải kiến nghị địa phương thực hiện xử phạt vi phạm hành chính; trong khi chế tài xử phạt vi phạm còn thấp, tính chất răn đe đối với các hành vi vi phạm bị hạn chế, do đó, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa cao”, ông Khánh nhận xét.

Để khắc phục tình trạng này, phần lớn các ý kiến tại Hội thảo đều cho rằng, đã đến lúc cần có những chế tài đủ mạnh đưa vào Luật BHXH để chấn chỉnh và xử lý tình trạng nợ đọng dây dưa từ phía các DN cũng như buộc các đơn vị sử dụng lao động tự giác tuân thủ các nghĩa vụ BHXH đối với người lao động.

Lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng đề xuất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu sớm trình Chính phủ ban hành quy định về xử lý tiền nợ BHXH tồn đọng kéo dài, không còn khả năng trả nợ của các DN đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ lao động bỏ trốn, để tạo hành lang pháp lý giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động một cách kịp thời.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục