Thêm áp lực với công ty chứng khoán “chiếu dưới”

(ĐTCK) Ngoài nâng chuẩn luật chơi, việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) thúc đẩy triển khai các sản phẩm mới đang tạo ra sự phân hóa mạnh hơn trong khối CTCK.
Thêm áp lực với công ty chứng khoán “chiếu dưới”

Nâng chuẩn luật chơi

2 năm triển khai Đề án tái cấu trúc CTCK do Bộ Tài chính phê duyệt, nhà quản lý đang phải trông đợi nhiều vào các giải pháp hành chính để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu. Tuy nhiên, do bất cập của quy định hiện hành, cơ quan quản lý cũng chưa dễ mạnh tay “xóa tên” các CTCK có mà như không, mà phần nhiều trông đợi vào sự tự “ra đi” của các đơn vị này. Đây là một trong những lý do khiến cho tốc độ “xóa tên” CTCK diễn ra chậm so với kỳ vọng của thị trường.

Để khắc phục bất cập của quy định hiện hành, qua đó giúp nhà quản lý sử dụng hiệu quả hơn công cụ hành chính trong tái cơ cấu CTCK, UBCK đang lên phương án sửa đổi Thông tư 210/2012 hướng dẫn thành lập và hoạt động của CTCK, để trong năm nay trình Bộ Tài chính xem xét ban hành.

Việc sửa đổi trên hướng đến nâng chuẩn luật chơi đối với các CTCK. Theo đó, UBCK đang tính toán bổ sung các quy định về mức độ đủ vốn, minh bạch hóa hoạt động quản lý tài chính của các CTCK như: huy động và sử dụng vốn, kiểm soát các khoản phải thu, phải trả...; từ đó hạn chế hoạt động của các công ty nếu không duy trì mức độ đủ vốn và không minh bạch tình hình tài chính. Đi liền với các giải pháp mở rộng dư địa phát triển cho các CTCK có tình hình tài chính lành mạnh là dần thu hẹp phạm vi hoạt động của các CTCK không đủ vốn, không minh bạch tài chính theo các chuẩn mới. Điều này được nhìn nhận sẽ giúp quá trình “xóa tên” các CTCK ốm yếu diễn ra nhanh hơn trong thời gian tới.               

Kẻ mừng người lo

Ngoài các công cụ hành chính, việc UBCK đang gia tăng triển khai các công cụ thị trường như thúc đẩy triển khai các sản phẩm mới như hệ thống quỹ mở, quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và sắp tới là TTCK phái sinh, đang tạo thêm áp lực, qua đó phân hóa mạnh hơn kẻ mạnh, người yếu trong khối CTCK.

Nếu như việc triển khai hệ thống quỹ mở không tạo thêm nhiều “đất dụng võ” cho CTCK, qua đó gia tăng ưu thế cạnh tranh, thì với quỹ ETF lại khác. Tham gia quỹ ETF, các CTCK có cơ hội triển khai hai nghiệp vụ là thành viên lập quỹ và tạo lập thị trường. Tuy việc triển khai các nghiệp vụ này trong thời gian đầu chưa dễ “ngon ăn”, nhưng cùng với việc quỹ ETF đầu tiên sẽ được niêm yết và giao dịch trên Sở GDCK TP. HCM trong tháng 9 này, các CTCK hy vọng, những khó khăn bước đầu sẽ sớm qua đi.

Phó tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ nhìn nhận, CTCK nào không có khả năng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ NĐT giao dịch chứng chỉ quỹ ETF thì nguy cơ bị khách hàng quay lưng, tìm đến các CTCK triển khai các dịch này không phải là cảnh báo… tầm xa, mà đang hiện hữu. Diễn biến này đồng nghĩa, CTCK nào thành công trong tham gia triển khai cung cấp các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ cho giao dịch quỹ ETF thì sẽ có cơ hội gia tăng lợi thế cạnh tranh, nới rộng khoảng cách so với các đối thủ.

Một công cụ thị trường khác, theo kế hoạch, sẽ được triển khai từ năm 2016 là TTCK phái sinh. Dự thảo Nghị định về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh mà UBCK đang xây dựng, đưa ra một loạt chuẩn cao đối với CTCK, chẳng hạn: muốn được tự doanh chứng khoán phái sinh, CTCK phải có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu 500 tỷ đồng trở lên, có vốn 700 tỷ đồng trở lên mới được triển khai nghiệp vụ môi giới… Điều này sẽ lại thêm một lần nữa gia tăng sự phân hóa trong khối CTCK.

“Theo định hướng chính sách mà UBCK đang xây dựng, đưa ra những tiêu chuẩn rất cao, thì ước chỉ khoảng 10 - 15 CTCK đủ điều kiện tham gia cuộc chơi trên TTCK phái sinh”, phó tổng giám đốc một CTCK lớn dự báo và nhìn nhận, điều này một mặt sẽ mang lại cơ hội gia tăng lợi thế cạnh tranh cho các CTCK lớn, nhưng tạo sức ép rất lớn đối với các CTCK quy mô vừa và nhỏ.      

Loại 25 CTCK khỏi thị trường

Từ 115 CTCK đăng ký hoạt động, theo UBCK, hết quý I/2014 còn 90 CTCK hoạt động, trong số này có 55 công ty bị lỗ lũy kế. 6 tháng đầu năm nay, trên cơ sở báo cáo kiểm toán năm và báo cáo chỉ tiêu an toàn tài chính soát xét, UBCK đã yêu cầu các CTCK giải trình về các báo cáo có ý kiến kiểm toán ngoại trừ, các báo cáo kiểm toán có các vấn đề chưa rõ... Trên cơ sở đó, UBCK đã đặt 9 CTCK vào diện kiểm soát đặc biệt; 5 CTCK vào diện kiểm soát; tạm ngừng hoạt động 1 CTCK, chấm dứt hoạt động 3 CTCK để thực hiện thủ tục thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động: Trường Sơn, Hà Nội và Delta; đình chỉ hoạt động 2 CTCK, chấp thuận giải thể cho 3 CTCK: Âu Việt, Sao Việt, Chợ Lớn.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục