Thế trận giằng co

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index đang cho thấy những nỗ lực giành giật và củng cố vùng hỗ trợ quan trọng quanh 1.100 điểm. Một thế trận giằng co có xác suất cao xảy ra trong tuần này.
Thế trận giằng co

Nhiều biến số kinh tế cần giải

Biến động là “vẻ đẹp” của thị trường tài chính và diễn biến thị trường chứng khoán toàn cầu đã chứng minh cho nhận xét trên khi các phiên giao dịch đầy cảm xúc đã diễn ra trong tuần vừa qua. Cảm xúc hay tâm lý thị trường được dẫn dắt bởi hàng loạt thông tin được công bố trong tuần như số liệu doanh số bán lẻ của Mỹ vượt kỳ vọng, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ chạm đỉnh 16 năm, đạt gần 5%, hay các cuộc tấn công từ mâu thuẫn Israel - Hamas. Chỉ số đo lường biến động của thị trường chứng khoán CBOE Volatility Index (VIX) đã quay trở lại mốc 21 lần đầu tiên kể từ tháng 4/2023.

Đồ thị vận động các tài sản quan trọng.

Đồ thị vận động các tài sản quan trọng.

Các biến số cần giải như tranh chấp tại Gaza có thể leo thang tới đâu, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ khi nào tạo đỉnh đã giữ giá các tài sản an toàn như vàng, USD, Bitcoin ở mức cao, từ đó gây áp lực cho các thị trường tài sản rủi ro hơn như thị trường trái phiếu và cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu ở các thị trường châu Á, nơi rủi ro tỷ giá đang là mối lo ngại không nhỏ. Rủi ro địa chính trị cũng khiến giá dầu tăng mạnh, giá dầu thô Brent hiện đạt 93 USD/thùng.

Trong nước, giá vàng tiếp tục neo ở vùng cao quanh 70 triệu đồng/lượng, chênh lệch lớn với giá vàng thế giới đang giao dịch ở mức 1.950 USD/ounce; dòng tiền đầu cơ hưởng chênh lệch lãi suất giữa USD và VND liên tục đẩy tỷ giá USD/VND đi lên. Dòng tiền đầu cơ ngắn hạn chú ý tới các loại tài sản khác cũng là lý do khiến VN-Index đi sâu vào vùng giảm mạnh và vượt ra khỏi khu vực hình Elip. Đây là dấu hiệu cho thấy, chỉ số cần nhiều nỗ lực của dòng tiền mua lên, cũng như cần nhiều thời gian để có thể lấy lại động lực tăng trưởng.

Giá trị mua bán ròng theo loại nhà đầu tư trong tuần từ 16 - 20/10/2023.

Giá trị mua bán ròng theo loại nhà đầu tư trong tuần từ 16 - 20/10/2023.

Quay trở lại môi trường quốc tế, giữa nhiều biến số tiêu cực vẫn có những biến số vận động theo chiều tích cực hơn, đơn cử như kỳ vọng lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sau phát biểu của chủ tịch cơ quan này vào thứ Năm tuần qua. Đến nay, thị trường đang phản ánh tới 99% là Fed sẽ không tăng lãi suất trong thời gian còn lại của năm 2023, đồng thời thời điểm Fed cân nhắc giảm lãi suất trong năm 2023 được chuyển lên sớm hơn, từ tháng 9 lên tháng 7.

Tại Việt Nam, tốc độ hút tiền qua kênh tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước đã chậm lại và lãi suất tăng lên, cải thiện chênh lệch lãi suất hợp đồng hoán đổi USD/VND.

VN-Index giằng co quanh ngưỡng hỗ trợ 1.100 điểm

Chỉ số VN-Index đã rút đà giảm đáng kể sau diễn biến đảo chiều trong phiên cuối tuần qua. Mặc dù vậy, các góc nhìn từ kỹ thuật đến định lượng cho thấy, sự dịch chuyển ngắn hạn của thị trường đang xấu đi nhanh hơn dự kiến. Bối cảnh hợp đồng phái sinh tháng 10 đáo hạn ngày 19/10 phần nào che phủ các biến động bất bình thường của thị trường trong tuần.

Tuy nhiên, khi phiên đáo hạn đi qua, trạng thái của thị trường là một thế trận tiêu cực với đà giảm xuất hiện trên diện rộng. Ngay cả nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, hay những cổ phiếu “khỏe” nhất thị trường cũng không tránh khỏi bị cuốn theo dòng xoáy điều chỉnh. Tạo đáy ở ngưỡng hỗ trợ 1.078 điểm, sau đó hồi phục với hơn 20 điểm có được trong phiên cuối tuần, đạt 1.108,03 điểm, nhưng VN-Index vẫn đang cho thấy những nỗ lực giành giật và củng cố vùng hỗ trợ quan trọng quanh 1.100 điểm.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN-Index.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN-Index.

Cơ hội thị trường tăng trở lại sẽ phụ thuộc vào khả năng chỉ số sớm bứt phá bên trên ngưỡng 1.100 điểm trong các phiên tới. Ngược lại, nhịp điều chỉnh có thể sớm quay lại với mức độ lớn hơn, kéo theo các mục tiêu sâu hơn tại 1.060 điểm, sau đó là vùng 1.015 - 1.000 điểm, mới có thể đủ mạnh để chặn lại đà giảm một lần nữa.

Dựa trên đánh giá thực trạng sau phiên hồi phục gần nhất, vẫn còn nhiều yếu tố chưa được xác nhận gồm lực cầu chủ động, sự đồng thuận của nhóm vốn hóa lớn, cũng như thanh khoản toàn thị trường. Các yếu tố này cần có đủ sự hội tụ về thời gian và độ mạnh để làm cơ sở cho các vị thế mua mới sớm quay lại.

Trước mắt, VN-Index cần sự cân bằng và ổn định của nền giá phía trên ngưỡng 1.100 trong tuần này. Sự quyết liệt của lực cầu được kỳ vọng sẽ đủ mạnh để kích hoạt các điểm mua trên diện rộng. Một phiên bùng nổ theo đà (FTD) vẫn là kỳ vọng xa xỉ trong suốt chuỗi tuần điều chỉnh vừa qua của VN-Index và cũng chính sự thiếu vắng của FTD đang khiến xác suất đầu tư ngắn hạn của thị trường duy trì ở mức kém hấp dẫn.

Một số chỉ báo tâm lý thị trường.

Một số chỉ báo tâm lý thị trường.

Điểm tích cực của thị trường là đà lan tỏa tạo “đáy 2” cao hơn “đáy 1” vào đầu tháng 10, mặc dù MA10 đà lan tỏa đi ngang cho thấy một thế trận giằng co sẽ có xác suất cao xảy ra trong tuần mới. Ngoài ra, tham gia vào bên mua đã có sự góp mặt của nhóm nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức trong nước, tự doanh, tạo lực đỡ quan trọng khi nhóm nhà đầu tư cá nhân bán mạnh.

Tuy vậy, khi dòng tiền lớn chưa quay lại, sự phân hóa cổ phiếu nhiều khả năng sẽ tái diễn và với mức thanh khoản thấp như hiện tại, cơ hội giao dịch trong ngắn hạn không dành cho số đông, chưa kể mức chấp nhận rủi ro gia tăng đáng kể.

Khi xu thế hồi phục chưa được xác nhận, rủi ro của các hoạt động bắt đáy là rất cao, nguy cơ tài khoản bị bào mòn là khó tránh khỏi. Hoạt động quản trị rủi ro tiếp tục được khuyến nghị theo hướng giảm tỷ trọng nhóm cổ phiếu yếu kém, ưu tiên canh các nhịp hồi kỹ thuật để tái cấu trúc danh mục.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục