Thế lưỡng nan hậu Dự án WB6: Nan giải hướng xử lý chồng lấn, đan xen sở hữu tài sản

Khối tài sản nhà nước hình thành từ Dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực Đồng bằng Bắc bộ sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB6) chưa thể đưa vào khai thác.
Cảng Việt Trì (Phú Thọ) thuộc Dự án WB6 được khởi công vào tháng 7/2013 và hoàn thành tháng 3/2015.

Tình huống hy hữu

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 5526/VPCP-CN gửi Bộ Tài chính, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về phương án xử lý tài sản hình thành từ việc đầu tư, nâng cấp cảng Việt Trì (Phú Thọ), Ninh Phúc (Ninh Bình) thuộc Dự án WB6.

Tại công văn trên, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan thống nhất phương án khai thác, xử lý tài sản hình thành từ các hạng mục đầu tư nâng cấp cảng Việt Trì và Ninh Phúc thuộc Dự án WB6. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng quy định tại Nghị định số 45/2018/NĐ-CP ngày 13/3/2018 về quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa và các quy định liên quan.

“Bộ Tài chính thực hiện đúng nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Công văn số 1426/TTg-CN ngày 28/10/2019, có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ và thống nhất với Bộ GTVT về phương án xử lý theo quy định của pháp luật”, Phó thủ tướng nhắc nhở.

Cần phải nói thêm, cách đây 2 năm, tại Công văn số 1426/TTg-CN, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành liên quan; trên cơ sở đó, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan chủ động tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện phương án xử lý tài sản hình thành từ các hạng mục đầu tư nâng cấp các cảng thủy nội địa Việt Trì và Ninh Phúc thuộc Dự án WB6; trong quá trình thực hiện phải đảm bảo nguyên tắc bảo toàn vốn của Nhà nước theo đúng các quy định của pháp luật.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ và thống nhất với Bộ GTVT về phương án xử lý theo quy định và giao Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan liên quan làm rõ dấu hiệu vi phạm khi thực hiện cổ phần hoá Tổng công ty Vận tải thủy; xử lý hoặc kiến nghị xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Như vậy, cho đến thời điểm này, sau đúng 3 năm kể từ khi Bộ GTVT lần đầu báo cáo Chính phủ về vấn đề trên vào tháng 7/2019, các bộ, ngành được giao nhiệm vụ vẫn chưa thể thống nhất phương án xử lý khả thi nhất đối với khối tài sản nhà nước hình thành từ Dự án WB6 tại cảng Việt Trì và Ninh Phúc.

Trên thực tế, có thể thông cảm với các bộ, ngành và chủ dự án bởi những vướng mắc phát sinh liên quan đến quá trình đầu tư 2 cảng thủy nội địa Việt Trì và Ninh Phúc là hy hữu, chưa từng có tiền lệ.

Được biết, các hạng mục đầu tư, nâng cấp cảng thủy nội địa Ninh Phúc và Việt Trì thuộc Tiểu hợp phần A3 của Dự án WB6, trong đó cảng Ninh Phúc thuộc Hợp đồng CV-A3ii-NDTDP, khởi công vào tháng 2/2013, hoàn thành vào tháng 8/2014; cảng Việt Trì thuộc Hợp đồng CV-A3i-NDTDP, khởi công vào tháng 7/2013, hoàn thành vào tháng 3/2015. Cả hai hạng mục này đã được Bộ GTVT quyết toán vào tháng 12/2020 với giá trị 129,9 tỷ đồng.

Tại Công văn số 2201/BGTVT-QLDN gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3/2021, Bộ GTVT cho biết, việc đầu tư, xây dựng các hạng mục thuộc 2 cảng Việt Trì, Ninh Phúc nằm trên đất của Tổng công ty Vận tải thủy (nay là Tổng công ty Vận tải thủy - CTCP) thuê của Nhà nước. Cụ thể, đất tại cảng Ninh Phúc, Tổng công ty Vận tải thủy thuê của Nhà nước với thời hạn 40 năm, từ ngày 1/1/2006 đến 1/1/2046; đất tại cảng Việt Trì, Tổng công ty Vận tải thủy thuê của Nhà nước với thời hạn 49 năm, từ ngày 1/1/1996 đến 1/1/2045.

Trong quá trình triển khai Hợp đồng CV-A3ii-NDTDP và Hợp đồng CV-A3i-NDTDP, các cơ quan có liên quan đã không làm thủ tục giải phóng mặt bằng, đền bù tài sản trên đất, thu hồi đất, mà chỉ làm thủ tục bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Lý do các bên liên quan đưa ra là tại thời điểm quyết định đầu tư, Tổng công ty Vận tải thủy là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Bộ GTVT.

Điều đáng nói là, hiện các tài sản trên không chỉ nằm trên toàn bộ đất thuê, mà còn nằm đan xen với các tài sản thuộc sở hữu của Tổng công ty Vận tải thủy. Đặc biệt, tuyến đường bộ để đi vào các tài sản này phải đi qua đường nội bộ thuộc sở hữu của Tổng công ty Vận tải thủy. Đó là chưa kể, một số hạng mục đầu tư của Dự án WB 6 ở hai cảng trên được tiến hành trên cở sở cải tạo, nâng cấp từ các tài sản hiện hữu thuộc sở hữu của Tổng công ty.

“Điều này dẫn đến việc nhiều khoản đầu tư của Nhà nước tại 2 cảng không thể hình thành một tài sản có thể vận hành, khai thác độc lập được, mà phải gắn với phần tài sản của Tổng công ty Vận tải thủy thì mới có thể tạo ra một tài sản vận hành, khai thác độc lập. Nói cách khác, đây thực chất là tài sản sở hữu chung, giữa Nhà nước và Tổng công ty Vận tải thủy”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Nan giải hướng xử lý

Một sơ suất khác dẫn đến việc phân định tài sản cảng Việt Trì và Ninh Phúc thêm rối rắm là khi tiến hành cổ phần hoá Tổng công ty Vận tải thủy (phê duyệt giá trị doanh nghiệp tại Quyết định số 3284/QĐ-BGTVT ngày 21/10/2013; phê duyệt phương án cổ phần hoá tại Quyết định số 3925/QĐ-BGTVT ngày 3/12/2013), một số quy định về xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp để chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần tại Thông tư số 202/2011/TT-BTC ngày 30/12/2011 của Bộ Tài chính đã không được Ban Chỉ đạo cổ phần hoá Tổng công ty Vận tải thủy thực hiện triệt để.

“Điều này dẫn đến các tài sản nhà nước đầu tư tại cảng Việt Trì, Ninh Phúc thuộc Dự án WB6 không được xem xét phương án xử lý trong phương án cổ phần hoá, không đưa vào xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá”, ông Lê Minh Đạo, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết.

Sau khi các hạng mục đầu tư tại cảng Ninh Phúc, cảng Việt Trì hoàn thành, do chưa có Nghị định của Chính phủ về quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa (đến ngày 13/3/2018, Chính phủ mới ban hành Nghị định 45/2018/NĐ-CP), nên Bộ GTVT tạm bàn giao cảng Việt Trì và cảng Ninh Phúc cho Tổng công ty Vận tải thủy - CTCP khai thác, sử dụng trước khi có phương án bàn giao chính thức (các hạng mục kho, bãi, đường nội bộ là dùng chung; các cầu cảng được đầu tư từ Dự án chưa được công bố hoạt động).

Từ giữa năm 2018, Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng công ty Vận tải thủy - CTCP bàn giao lại toàn bộ tài sản hình thành từ Dự án WB6 tại cảng Việt Trì, Ninh Phúc cho Cục Đường thủy Việt Nam tạm quản lý cho đến khi có quyết định cuối cùng về xử lý, khai thác tài sản. Đây là điều bắt buộc phải thực hiện do từ tháng 3/2016, sau khi thoái vốn thành công, Nhà nước đã không còn bất cứ cổ phần nào tại doanh nghiệp này.

Việc chồng lấn, đan xen sở hữu tài sản đã dẫn tới các phương án xử lý tài sản tại cảng Việt Trì, Ninh Phúc (như hạch toán tăng vốn nhà nước tại Tổng công ty Vận tải thủy - CTCP; Nhà nước cho phép Tổng công ty vay lại phần vốn ODA đầu tư vào 2 cảng; cho thuê tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa…) đều không đảm bảo tính pháp lý cũng như tính khả thi.

Tại Công văn số 2201/BGTVT-QLDN, Bộ GTVT đang nghiêng về phương án tổ chức bán đấu giá các tài sản này để thu hồi vốn đã đầu tư tại cảng Việt Trì, Ninh Phúc thuộc Dự án WB6 cho Nhà nước. Thế nhưng, phương án này có nhược điểm rất lớn là doanh nghiệp mua tài sản (trong trường hợp không phải là Tổng công ty Vận tải thủy - CTCP) có thể gặp khó khăn nhất định trong quá trình khai thác tài sản, vì phải dùng hạ tầng khác của Tổng công ty Vận tải thủy - CTCP.

Đó là chưa kể, trong trường hợp thực hiện theo phương án bán tài sản, sau khi đã sở hữu tài sản, doanh nghiệp mua tài sản có thể chuyển đổi mục đích kinh doanh (không kinh doanh trong lĩnh vực khai thác cảng) làm ảnh hưởng đến mục tiêu đầu tư, quy hoạch phát triển GTVT.

Theo đại diện Tổng công ty Vận tải thủy, những sơ suất liên quan đến việc xử lý tài sản tại cảng Việt Trì, Ninh Phúc được hình thành bằng nguồn vốn Dự án WB6 thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư và Ban Chỉ đạo cổ phần hoá Tổng công ty. Pháp nhân mới - công ty cổ phần không liên quan và không có bất kỳ trách nhiệm nào đối với vấn đề này.

“Việc các hạng mục được đầu tư tốn kém tại cảng Việt Trì, Ninh Phúc, bao gồm tài sản sở hữu của doanh nghiệp, nhưng đang bị đóng băng không chỉ gây lãng phí, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của pháp nhân kế thừa”, đại diện Tổng công ty Vận tải thủy - CTCP nhấn mạnh.

Dự án WB6 được Bộ GTVT đầu tư tại Quyết định số 883/QĐ-BGTVT ngày 4/4/2008 và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 1038/QĐ-BGTVT ngày 2/4/2014 gồm 3 hợp phần: hợp phần A - các hành lang đường thủy quốc gia; hợp phần B - các bến khách ngang sông; hợp phần C - hỗ trợ thể chế.

Tổng mức đầu tư của Dự án WB6 là 210,08 triệu USD. Chủ đầu tư dự án là Cục Đường sông Việt Nam, nay là Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Đến ngày 26/12/2014, Bộ GTVT có Quyết định số 4953/QĐ-GTVT chuyển chủ đầu tư Dự án WB6 từ Cục Đường thủy nội địa về Bộ GTVT và giao Ban Quản lý các dự án đường thủy quản lý Dự án thực hiện một phần chức năng chủ đầu tư.

Bảo Như
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục