Thế lưỡng nan của VNSteel (TVN)

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vừa chịu áp lực cạnh tranh dữ dội trên thị trường, Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel - mã chứng khoán TVN) vừa phải gồng chi phí cho hai đại dự án thua lỗ.
Hiệu quả sản xuất - kinh doanh của cả mảng thép dài và thép dẹt của Tổng công ty đều thấp hơn các đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Hiệu quả sản xuất - kinh doanh của cả mảng thép dài và thép dẹt của Tổng công ty đều thấp hơn các đối thủ cạnh tranh trực tiếp.

Nhiều khó khăn, thách thức

Có thể nói, năm qua, các doanh nghiệp ngành thép nói chung, VNSteel chịu tác động cộng hưởng của nhiều yếu tố bất lợi. Xung đột Nga - Ukraine, xu hướng bảo hộ thương mại tiếp tục gia tăng làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến giá dầu thô và nguyên vật liệu tăng phi mã.

Cộng với việc tỷ giá USD/VND tăng khi Ngân hàng Trung ương Mỹ tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, chi phí nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp thép - chủ yếu phải nhập khẩu - vọt lên. Trong khi đó, lãi suất việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng khó khăn, chi phí vốn lớn.

Các doanh nghiệp sản xuất đối mặt với việc sụt giảm doanh thu, cắt giảm giờ làm, giảm lao động do thị trường bất động sản trầm lắng và nhu cầu tiêu thụ thép toàn cầu giảm. Kết quả, VNSteel báo lỗ hợp nhất lên tới 760 tỷ đồng trong năm 2022.

Năm 2023, doanh nghiệp ngành thép được nhận định vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ các yếu tố đã xuất hiện trong năm 2022 như lạm phát cao và việc thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt trên quy mô toàn cầu.

Nhu cầu tiêu thụ thép tại thị trường nội địa rất thấp khi Việt Nam vẫn chưa tháo gỡ được điểm nghẽn về chính sách để phục hồi thị trường bất động sản.

Dự báo trong nửa cuối năm 2023, thị trường thép Việt Nam mới thực sự phục hồi do độ trễ của các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng của Chính phủ.

Xuất khẩu thép đối mặt với thách thức bị thu hẹp thị trường khi kinh tế Mỹ và nhiều nước có nguy cơ rơi vào suy thoái, làm gia tăng áp lực lên nguồn thu ngoại tệ và cán cân thanh toán quốc tế của doanh nghiệp, đồng thời, dẫn tới hệ lụy các doanh nghiệp không xuất khẩu được sẽ quay trở lại tăng cường bán hàng tại thị trường trong nước, làm cho áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.

Với dự báo tốc độ tăng trưởng nhu cầu thép thành phẩm chỉ 1% so với năm 2022, dự báo triển vọng phục hồi giá trên thị trường thép thế giới không thực sự rõ nét.

Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, trong quý đầu năm, tiêu thụ thép thành phẩm đạt hơn 6 triệu tấn, giảm 25,4% so với cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu hơn 1,65 triệu tấn, giảm 8,9%.

Bên cạnh diễn biến thị trường bất lợi, VNSteel còn tồn tại nhiều vấn đề nội tại. Năng lực sản xuất không tăng, công nghệ thiết bị chưa có đổi mới trong khi các đối thủ cạnh tranh trực tiếp không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, với công nghệ hiện đại và khép kín. Hiệu quả sản xuất - kinh doanh của cả mảng thép dài và thép dẹt của Tổng công ty đều thấp hơn các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Hòa Phát, VAS, Hoa Sen, Nam Kim, Tôn Đông Á.

Ông Lê Song Lai, Chủ tịch Hội đồng quản trị VNSteel cho biết, trong những năm gần đây, thị phần của VNSteel tại hầu hết các địa phương đều bị suy giảm trước sức ép cạnh tranh của các đối thủ cùng ngành.

“Chính sách bán hàng của các đơn vị trong hệ thống cũng bị hạn chế so với các doanh nghiệp tư nhân, do tỷ lệ vốn Nhà nước cao nên các đơn vị chịu nhiều quy định ràng buộc về việc phải đảm bảo hiệu quả, bảo toàn vốn. Nhiều thời điểm trong năm, các đơn vị phải xem xét điều tiết giảm sản xuất để đảm bảo hiệu quả, không thể chạy theo thị phần”, ông Lai trần tình.

Quý đầu năm 2023, dù báo lãi trở lại sau một năm lỗ nặng, song so với cùng kỳ năm ngoái, các chỉ tiêu kinh doanh của VNSteel đều đi xuống mạnh, với doanh thu thuần 8.342 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế hợp nhất 79 tỷ đồng, giảm 65%.

Gánh nặng từ hai “đại dự án”

Ngoài những nguyên nhân trên, việc tập trung nguồn lực để giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (Tisco2) và dự án Nhà máy gang thép Lào Cai của VTM - hai dự án được xếp trong nhóm 12 đại dự án thua lỗ của ngành công thương - đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của VNSteel trong những năm gần đây và cả các năm tới nếu không tìm được hướng giải quyết phù hợp.

Riêng tại dự án cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023, có tổng chi phí đầu tư theo dự toán ban đầu là 3.843,67 tỷ đồng và theo dự toán điều chỉnh được phê duyệt là 8.104,91 tỷ đồng. Đến thời điểm 31/3/2023, tổng giá trị đầu tư đã thực hiện là 6.347,9 tỷ đồng; trong đó, chi phí lãi vay vốn hóa là 3.135,42 tỷ đồng.

Công ty cũng khẳng định, “chi phí phát sinh của dự án trong quý I/2023 chủ yếu là chi phí lãi vay vốn hóa”.

Trong báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 của VNSteel, kiểm toán viên đã nêu ý kiến ngoại trừ liên quan đến dự án này.

Theo đó, “như Tổng công ty đã trình bày tại thuyết minh số 41, “dự án mở rộng gang thép giai đoạn 2- Công ty Gang thép Thái Nguyên” được triển khai từ năm 2007, việc đầu tư dự án đã kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu và hiện vẫn chưa hoàn thành.

Hiện tại, Chính phủ và các cơ quan có liên quan đang trong quá trình xử lý các sai phạm, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn để hoàn thành dự án, do vậy, chúng tôi không thể xác định được ảnh hưởng của vấn đề này đến giá trị các khoản mục có liên quan đến dự án được trình bày trên báo cáo tài chính hợp nhất; giá trị chi phí lãi vay được vốn hóa vào dự án kể từ thời điểm dự án chậm tiến độ và tổn thất có thể liên quan đến dự án cũng như ảnh hưởng của vấn đề này tới các chỉ tiêu tài chính liên quan trên báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng công ty…”.

Việc chôn nguồn vốn lớn vào dự án Gang thép Thái Nguyên mở rộng nhiều năm nay khiến Tổng công ty chịu gánh nặng tài chính lớn, với chi phí lãi vay năm 2022 là gần 341 tỷ đồng.

Năm 2023, VNSteel đặt mục tiêu sản lượng thép thành phẩm các loại đạt trên 3,4 triệu tấn; tổng doanh thu hợp nhất 35.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 235 tỷ đồng. Theo lãnh đạo VNSteel, kế hoạch này được xây dựng trên tinh thần ưu tiên kiểm soát rủi ro, tiếp tục linh hoạt trong điều hành để hài hòa các mục tiêu trước mắt và lâu dài, đảm bảo kết quả cuối cùng vẫn là lợi nhuận. Trong đó, kế hoạch sản xuất - kinh doanh của một số đơn vị có dự án thuộc diện phải di dời được xây dựng trên giả định năm 2023 chưa thực hiện di dời, vẫn hoạt động bình thường.

Xác định hoạt động của Tổng công ty và các công ty con, công ty liên kết trong thời gian qua kém bền vững, còn một số đơn vị hoạt động thua lỗ, VNSteel đặt mục tiêu trong năm nay đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao chất lượng quản trị; xác định lại các danh mục đầu tư, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún và kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, để phòng ngừa hiệu quả các rủi ro có thể phát sinh trong quá trình sản xuất - kinh doanh, Tổng công ty chỉ đạo các đại diện vốn tại các công ty con, công ty liên kết tăng cường công tác nắm bắt và phân tích thị trường để cân đối mức tồn kho hợp lý; quản lý tốt công nợ phải thu, không để phát sinh nợ khó đòi; thường xuyên rà soát, đánh giá lại chính sách bán hàng và hệ thống phân phối để xây dựng hệ thống phân phối có tính ổn định và phát triển lâu dài.

Đồng thời, VNSteel cũng đặt kế hoạch tiếp tục triển khai công tác tái cơ cấu nhằm tập trung vốn và nguồn lực cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính và có hiệu quả cao; quyết liệt thực hiện các giải pháp cho Dự án giai đoạn 2 -Tisco và Công ty VTM.

Ly Hoàng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục