Tài chính di động: Món quà hữu ích cho hạ tầng tài chính?
Ông Nguyễn Triệu Huy, CEO The Disruptive Group cho rằng, việc xây dựng một cơ sở hạ tầng tài chính vẫn rất tốn kém và đó là lý do vì sao 400 triệu người Đông Nam Á chưa có tài khoản ngân hàng. Đơn giản là một NHTM sẽ không có lãi khi cung cấp dịch vụ tài chính thông qua hệ thống chi nhánh cho khách hàng có thu nhập thấp vì chi phí quá cao và doanh thu cũng không thể bù đắp.
Ông Huy chia sẻ thêm, sự thay đổi lớn nhất của ngành tài chính trong thế kỷ 21 chính là tài chính di động. Tài chính di động đã mang lại một công thức hoàn toàn mới bởi hệ số khách biệt giữa ngân hàng truyền thống và ngân hàng di động có thể lên tới 20 đến 40 lần. Nói cách khác, nếu khách hàng mất 2 USD khi giao dịch tại quầy, họ có thể chỉ tốn 0,1 USD thậm chí ít hơn khi thực hiện qua điện thoại.
Đối với các công ty cung cấp dịch vụ tài chính, điều mà trước đây không hề có ý nghĩa kinh tế thì bây giờ lại trở thành mảng kinh doanh đầy tiềm năng, kể cả với đối tượng khách hàng có thu nhập thấp.
Thực tế, Kenya là một ví dụ điển hình về tiền tệ di động. Số lượng tài khoản M-Pesa đã tăng từ con số 0 lên trên 30 triệu tài khoản chỉ trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, điều ít người biết là cũng trong khoảng thời gian đó, số tài khoản ngân hàng ở Kenya đã tăng chóng mặt - thêm 35 triệu tài khoản. Nếu so sánh Kenya với các nước châu Phi khác, không một quốc gia nào có được mức tăng trưởng tương tự trong hệ thống ngân hàng.
Ông Nguyễn Triệu Huy trao đổi tại Diễn đàn
“Giống như cách Internet đã giúp hàng trăm triệu người tìm thấy cơ hội mới, tài chính di động cũng sẽ nhanh chóng giúp hàng trăm triệu người lần đầu tiên được tiếp cận dịch vụ tài chính - không chỉ dịch vụ thanh toán, mà còn các dịch vụ khác như tiết kiệm, đầu tư, bảo hiểm và vay vốn - với tốc độ nhanh hơn nhiều so với mô hình tài chính truyền thống… Tài chính di động-dịch vụ làm thay đổi cuộc sống của người tiêu dùng”, ông Huy nhấn mạnh.
QR code: Mắt xích trong chu trình xây dựng hệ sinh thái Mobile payment
Việc chuyển dịch từ internet banking sang mobile banking được ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank xem là bước đột phá giúp cho các ngân hàng đưa các sản phẩm dịch vụ tới gần hơn với khách hàng.
Các ngân hàng chạy đua trong việc đưa ra các ứng dụng ngân hàng điện tử trên nền di động với giao diện đẹp mắt, dịch vụ tiện ích để thu hút khách hàng. Các giao dịch chuyển khoản, gửi tiết kiệm, trả nợ vay, thanh toán hóa đơn như điện, nước, viễn thông… được thực hiện tiện dụng qua Mobile banking.
“Mặc dù đã có những phát triển vượt bậc trong việc hỗ trợ thanh toán nhanh, góp phần thúc đẩy lộ trình thanh toán không dùng tiền mặt nhưng thanh toán qua Mobile Banking hiện chưa thực sự phổ biến tới người dân. Trong bối cảnh đó, sự ra đời và phát triển của QR Pay đang được xem là một hiện tượng, hứa hẹn thay thế các phương thức thanh toán truyền thống”, ông Lân nêu quan điểm.
Ông Lân chia sẻ, để thực hiện thanh toán QR Pay, khách hàng cần cài đặt ứng dụng mobile banking của ngân hàng hoặc ứng dụng thanh toán điện tử cho phép quẹt mã QR. Khi thanh toán, khách hàng quẹt mã QR (QR code), xác thực thông tin thanh toán và hoàn tất giao dịch.
Rõ ràng, lợi ích QR Pay mang lại cho tất cả chủ thể tham gia vào thanh toán bao gồm: khách hàng, người bán và ngân hàng thanh toán.
Với khách hàng, ngoài việc không cần đem theo tiền mặt hay thẻ ngân hàng thì lợi ích lớn mà QRPay mang lại là thông tin khách hàng được bảo mật do không bị rủi ro thất thoát thông tin khi đưa thẻ thanh toán cho người bán hàng, việc thanh toán được diễn ra thuận tiện và nhanh chóng.
Với người bán hàng, họ tiết kiệm được các chi phí đầu tư cho hoạt động thu ngân kiểm đếm tiền hay chi phí khảo sát, lắp đặt, đầu tư thiết bị đầu cuối vật lý như khi lắp đặt máy POS (thiết bị đọc và chấp nhận thanh toán thẻ).
Đặc biệt đối với các doanh nghiệp có nhiều điểm kinh doanh, mỗi điểm kinh doanh sẽ được cấp một mã QR giúp cho việc quản lý thu chi được thuận tiện hơn rất nhiều.
Ông Trần Công Quỳnh Lân chia sẻ tại Diễn đàn
“Còn các ngân hàng vừa tiết giảm được chi phí đầu tư cho ATM, POS vừa tăng khả năng mở rộng mạng lưới khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán. Có thể nói, triển khai thanh toán QR code là một mắt xích trong chu trình xây dựng hệ sinh thái Mobile payment”, ông Lân nói.
Vấn đề là cần hành lang pháp lý cho Mobile Payment
Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, song song với những hoạt động điều hành chính sách của NHNN, quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Ngân hàng góp phần thúc đẩy những bước tiến về cải thiện và sử dụng công nghệ mới vào hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán nói riêng. Qua đó, mở rộng khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tiện ích của ngân hàng hiện đại, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng.
Lãnh đạo cao cấp Vụ Thanh toán NHNN Việt Nam thừa nhận, trong thời đại ngày nay khi công nghệ thanh toán trên thế giới đang thay đổi và phát triển nhanh chóng; thanh toán qua điện thoại di động đang dần trở thành xu thế, thì việc hoàn chỉnh và đồng bộ hóa hành lang pháp lý cho lĩnh vực thanh toán qua điện thoại di động tại Việt Nam là rất cần thiết và quan trọng.
"Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách liên quan đến các dịch vụ, phương tiện thanh toán điện tử mới, hiện đại là những vấn đề mới, phức tạp, cần được tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tế và sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin và viễn thông", vị lãnh đạo NHNN nói.
Đại diện NHNN cho biết thêm, Cơ quan này cần nghiên cứu, hoàn thiện hành pháp lý về hoạt động thẻ thanh toán với việc ban hành các tiêu chuẩn cho thanh toán phi tiếp xúc (contactless), QR Code, thanh toán qua di động, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho các Fintech hoạt động…
Đồng thời, tăng cường bảo vệ người tiêu dùng, an ninh, an toàn mạng cũng như năng lực quản lý, giám sát nhằm tạo điều kiện cho thanh toán qua điện thoại di động tại Việt Nam phát triển an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thanh toán ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp và phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế.