Thế khó của Vietnam Airlines

(ĐTCK) Công bố doanh thu hợp nhất 69.300 tỷ đồng, lợi nhuận 1.400 tỷ đồng, tăng 129% so với kế hoạch, Vietnam Airlines ngay lập tức nhận chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu giảm giá vé cho… dân nhờ. Một bên là dân nhờ, một bên là trên 8.000 cổ đông trông đợi, Vietnam Airlines đứng trên thế khó....
Thế khó của Vietnam Airlines

Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn do ảnh hưởng của biến động tỷ giá và các hạn chế về hạ tầng sân bay nội địa, nhưng kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines vẫn tăng trưởng nhờ giá nhiên liệu bình quân năm 2015 giảm 13% so với kế hoạch, đổi mới đội máy bay và nâng cấp chất lượng dịch vụ.

Nhờ đó, trong năm 2015, Vietnam Airlines đã thực hiện trên 127.500 chuyến bay an toàn, tăng gần 3,5% so với năm 2014; vận chuyển được trên 17,4 triệu lượt khách, tăng 4,8% so với kế hoạch; hệ số sử dụng ghế trên toàn mạng ước đạt 80,7%, tăng 2,2 điểm phần trăm so với kế hoạch, đạt mức cao so với trung bình của khu vực.

Ngoài ra, trong 3 năm trở lại đây, ngành du lịch tăng trưởng cao cũng hỗ trợ đáng kể cho kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines. Theo báo cáo tổng kết của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, tốc độ tăng trưởng trung bình số lượng khách quốc tế đến Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015 đạt xấp xỉ 5,7%/năm, khách nội địa đạt khoảng 16,3%/năm. Năm 2014, Việt Nam đón gần 7,9 triệu lượt khách quốc tế và 38,5 triệu lượt khách nội địa. Năm 2015, Việt Nam đón hơn 7,9 triệu khách quốc tế và trên 55 triệu lượt khách nội địa.

Thế khó của Vietnam Airlines ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đánh giá, những kết quả mà Vietnam Airlines đạt được trong năm 2015 là “rất tốt”, nhưng “lợi nhuận cao thế thì đề nghị Tổng công ty xem xét giảm giá vé để người dân được nhờ”.

Đề nghị của Bộ trưởng Thăng nêu trên đứng ở góc độ của nhà quản lý sẽ giúp kích thích tiêu dùng và nhiều ngành khác sẽ được lợi như du lịch hay bất động sản nghỉ dưỡng. Việc giảm giá vé đứng trên góc độ marketing cũng là một chiến lược giúp DN tăng doanh thu và mở rộng thị phần so với các đối thủ.

VietjetAir là một ví dụ điển hình về tăng trưởng thị phần nhờ giảm giá vé. Tính đến hết tháng 10/2015, thị phần của Vietjet Air tại thị trường hàng không nội địa đạt 35,7% (năm 2014 là 28,8%), thị phần của Vietnam Airlines là 47,6%.

Thế khó của Vietnam Airlines ảnh 2

Tuy nhiên, đề nghị này có thể khiến Ban lãnh đạo Vietnam Airlines lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan. Vietnam Airlines chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 1/4/2015, tức là sau thời điểm này, kết quả hoạt động cũng như đường hướng kinh doanh của Tổng công ty sẽ chịu sự giám sát của cổ đông. Nhưng Nhà nước, cụ thể ở đây là Bộ Giao thông Vận tải đang là cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines, với tỷ lệ sở hữu 94,443%. Theo đó, tiếng nói của Bộ Giao thông Vận tải vẫn mang tính quyết định tại Vietnam Airlines.

Tuy nhiên, Vietnam Airlines vẫn đang trong quá trình lựa chọn NĐT chiến lược. Theo báo cáo của ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, Tổng công ty đang trong giai đoạn cuối cùng của việc chọn NĐT chiến lược. Dự kiến, trong tháng 1 này, Vietnam Airlines sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ kết quả lựa chọn NĐT chiến lược.

Một cổ đông nắm giữ 20% vốn của tổng công ty có tổng tài sản hơn 3 tỷ USD như Vietnam Airlines, họ sẽ khó có thể đưa ra tiếng nói nếu Vietnam Airlines phải thực hiện các mệnh lệnh hành chính từ phía cổ đông nhà nước. Vietnam Airlines đã cổ phần hóa và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, việc giảm giá vé nhằm tăng thị phần, mở rộng đường bay là chiến lược Tổng công ty phải đặt ra để cân đo đong đếm, chứ không nên làm theo mệnh lệnh từ phía cổ đông lớn nhà nước.

Thế khó của Vietnam Airlines ảnh 3

Những năm gần đây, Việt Nam đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và những tổng công ty lớn như Vietnam Airlines, MobiFone..., được các NĐT nước ngoài đặc biệt quan tâm. Nhưng để thu hút được dòng tiền nước ngoài mua cổ phần và tham gia quản trị công ty, bản thân các tổng công ty này phải thoát khỏi “cái bóng” nhà nước.

Lãnh đạo một quỹ đầu tư nước ngoài cho biết, quỹ của ông khó tiếp cận được với các công ty nhà nước bởi sự minh bạch thông tin và công tác quan hệ NĐT tại các công ty này không được đẩy mạnh, các thông tin cung cấp cho NĐT cũng hạn chế và điều lo ngại nhất của các quỹ đó là tỷ lệ chào bán cổ phần tại các DNNN ở mức thấp, khiến cổ đông nước ngoài không có tiếng nói tại DN.

Giới đầu tư kỳ vọng, Vietnam Airlines sẽ sớm lựa chọn được NĐT chiến lược và lên niêm yết. Tổng công ty này đặt mục tiêu trong năm 2016 sẽ vận chuyển được 19,2 triệu lượt khách, tăng 10,6% so với năm 2015; tổng doanh thu hợp nhất đạt trên 77.800 tỷ đồng; lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 2.300 tỷ đồng; nộp ngân sách 4.700 tỷ đồng.    

Phương Mai

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục