Thế khó của nhà giàu khi gửi tiền ở Thụy Sỹ

Đã không có lãi mà lại còn tốn phí, nhiều người giàu để tiền ở các ngân hàng Thụy Sĩ muốn rút ra những cũng chẳng dễ.
Một số mệnh giá của tiền franc Thụy Sỹ. Ảnh: Bloomberg. Một số mệnh giá của tiền franc Thụy Sỹ. Ảnh: Bloomberg.

Các chủ ngân hàng tư nhân Thụy Sỹ nói rằng, đã có những khách hàng yêu cầu rút một lượng lớn tiền mặt để họ tự cất giữ, dù đất nước này vốn nổi tiếng là nơi an toàn và đáng tin cậy cho giới nhà giàu gửi tiền.

Đây là hệ quả của 5 năm nước này áp dụng lãi suất âm. Chính sách này nhằm giữ cho đồng franc Thụy Sỹ không tăng giá quá cao.

Tuy nhiên, nó đồng nghĩa các ngân hàng phải tốn tiền để giữ tiền với Ngân hàng Quốc gia. Do vậy, một số ngân hàng chọn cách chuyển một phần chi phí cho khách hàng gửi tiền.

Chính sách như vậy không được lòng các khách hàng, vốn quen với việc thu lãi từ tiền gửi và không mất phí. Giờ đây, một số đang cân nhắc những cách triệt để hơn để bảo vệ tài sản.

"Rất nhiều người đang nghĩ về những gì nên làm và những giải pháp thay thế cho việc này", Adriel Jost, chuyên gia tại hãng tư vấn Wellershoff & Partners, trụ sở tại Zurich cho biết.

Norman Villamin, Giám đốc đầu tư của ngân hàng UBP, cho biết, số ít khách hàng đã chuyển tiền mặt của họ về để tự cất giữ. Martin Bidermann, đối tác của Ngân hàng Rahn+Bodmer cũng xác nhận các yêu cầu rút tiền tương tự.

"Chúng tôi nói với khách hàng, hãy coi chừng, đó là tiền của bạn", ông cho biết một số vẫn quyết định hành động.

Các ngân hàng ở Thụy Sỹ thường xem việc tính phí giữ tiền cho khách hàng như là một biện pháp cuối cùng.

"Ngân hàng sẽ thảo luận với khách hàng. Nếu bạn làm những việc khác với chúng tôi để cho phép chúng tôi kiếm tiền, chúng tôi sẽ không tính phí cho bạn", Villamin nói.

"Tôi nghĩ rằng các ngân hàng sẽ cố gắng tìm cách không tính phí cho những người gửi lượng tiền mặt lớn", ông nói thêm.

Tuy nhiên, một số ngân hàng đã buộc phải thu phí đối với các chủ tài khoản lớn nhất, sau nhiều năm có chính sách tiền tệ bất thường.

Lãi suất âm, được Thụy Sỹ áp dụng từ năm 2015, đã khiến các ngân hàng gặp khó khăn hơn trong việc tạo ra lợi nhuận từ các khoản vay và thế chấp.

Thanh toán cho các khoản dự trữ vượt mức quy định của ngân hàng trung ương đã khiến các ngân hàng thương mại gặp khó.

Credit Suisse năm ngoái tuyên bố sẽ áp dụng mức lãi suất -0,75% đối với số dư tiền mặt trên 2 triệu franc Thụy Sỹ (2,1 triệu USD).

Điều này có nghĩa, nếu một khách hàng cá nhân hoặc doanh nghiệp gửi 3 triệu franc (3,1 USD) trong một năm, họ sẽ bị tính phí 7.500 franc (7.750 USD). UBS cũng nói sẽ áp dụng mức lãi -0,75% đối với số dư tiền mặt trên 2 triệu franc.

Nhưng ngay cả khi khách hàng muốn rút một khoản tiền mặt lớn, hậu cần không hề dễ dàng. Đầu tiên, họ cần phải đưa ra một kế hoạch lưu trữ và bảo hiểm.

Ludwig Karl, phát ngôn viên của Swiss Gold Safe, đơn vị cho thuê các két giữ tiền an toàn ở Thụy Sỹ và Lichtenstein, nói rằng công ty đã thấy sự gia tăng về mức độ quan tâm của khách hàng với két giữ tiền kể từ năm 2015.

Nhưng ông cũng cho rằng, việc đưa một lượng lớn tiền franc Thụy Sỹ khỏi ngân hàng có thể khó khăn.

Bidermann lưu ý rằng một khách hàng rút một lượng lớn tiền mặt thì có thể họ sẽ gặp khó để mang đi gửi nó lại lần nữa.

"Bất kỳ ngân hàng nào cũng sẽ đặt nghi vấn" nếu một người quay lại để gửi 800.000 franc tiền mặt sau 5-10 năm kể từ bây giờ, ông nói.

Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ Thomas Jordan nói rằng nhu cầu về tiền mặt không tăng vọt kể từ năm 2015.

Nhưng dữ liệu cho thấy số lượng tiền giấy đang lưu hành tăng đều đặn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Đáng chú ý, số lượng tờ 1.000 franc đang sử dụng tăng nhanh nhất.

Tháng 9/2019, Ngân hàng Quốc gia cho biết sẽ tăng số tiền các ngân hàng có thể lưu trữ mà không phải chịu lãi suất âm.

Mặc dù vậy, Hiệp hội Ngân hàng nước này đã đưa ra một báo cáo vào tháng sau đó, tuyên bố rằng "lãi suất âm không còn đáp ứng mục đích kinh tế".

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nơi áp dụng lãi suất âm cho 19 quốc gia sử dụng đồng euro kể từ năm 2014, cũng đối mặt với các cuộc kêu gọi điều tra tác động xấu bởi chính sách này. Các ngân hàng và các quỹ hưu trí trong khu vực đồng euro được cho là bị ảnh hưởng.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde dự kiến vào thứ năm sẽ công bố bắt đầu đánh giá chiến lược của ngân hàng này, bao gồm các công cụ được sử dụng để thúc đẩy nền kinh tế EU trong thập kỷ qua.

Trước khi nắm quyền vào tháng 11/2019, Lagarde nói rằng công dân châu Âu sẽ "tệ hơn" nếu không có lãi suất âm, nhưng hứa sẽ theo dõi "tác dụng phụ bất lợi" của chính sách này với tư cách là chủ tịch ECB.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục