Thế giới di động, Vinmart, Big C... thúc đẩy tiêu thụ vải

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bộ Công Thương làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối lớn trong nước về việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh. 
Thế giới di động, Vinmart, Big C... thúc đẩy tiêu thụ vải

Trước khó khăn trong tiêu thụ nông sản trong vùng dịch, Bộ Công Thương đã kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn phối hợp với các địa phương (thông qua Sở Công Thương) để thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường.

Hàng loạt doanh nghiệp đã vào cuộc tiêu thụ vải như Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra); Saigon Coop; Vincommerce; Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (MWG); Big C...

Tính đến ngày 5/6, đã ghi nhận những kết quả tiêu thụ tích cực như từ ngày 25/5 đến ngày 29/5, Satra thu mua khoảng 300 tấn mỗi ngày, tổng thu mua khoảng 600 tấn vải thiều. Từ ngày 29/5 đến ngày 5/6, thu mua khoảng 80 tấn vải thiều (2 container 32 tấn và 1 container 16 tấn). Ngoài ra, nhập vải thiều từ Chợ Thủ Đức để cung cấp cho khách hàng.

Trong khi đó Saigon Coop đã làm việc với các hợp tác xã vải ở Bắc Giang, nhập về hơn 95 tấn vải đưa vào kinh doanh toàn hệ thống cả nước. Kế hoạch thu mua tập trung khoảng 200 tấn vải, các đơn vị tự thu mua và tiêu thụ khoảng 100 tấn, đã có kế hoạch tăng sản lượng hơn nữa. Đang nghiên cứu, tìm kiếm phương án mua, xuất khẩu vải thiều sang Sigapore.

Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam đã liên hệ với Bắc Giang, kế hoạch thu mua khoảng 300 - 500 tấn nông sản (vải, dứa, bí ngô, dưa hấu) tiêu thụ trên cả nước. Từ đầu vụ đến nay, đã tiêu thụ khoảng 60 tấn vải thiều (1 tuần tiêu thụ từ 8 - 10 tấn vải) và 2.000 quả dứa.

Tương tự, Vin commerce đã làm việc với các hợp tác xã lớn ở Lục Ngạn thu mua và xuất hàng đi tất cả các hệ thống Vinmart và Vinmart+ trên 64 tỉnh, thành. Từ 25/5 đến nay, mỗi ngày tiêu thụ 7 - 10 tấn và cam kết tiêu thụ vải thiều đến hết mùa.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (sở hữu chuỗi Thế giới di động, Điện máy xanh, Bách hóa xanh) bắt đầu nhập vải thiều từ ngày 31/5/2021, được 24 tấn, dự kiến sẽ thu mua tối đa 300 tấn/tháng.

Tập đoàn Central Retail Việt Nam (Hệ thống Big C) đã thu mua từ ngày 25/5 là 107 tấn (của Bắc Giang 52 tấn; của Hải Dương 55 tấn), dự kiến trong tháng 6 thu mua 350 tấn vải thiều; đối với các mặt hàng nông sản khác khoảng 150 tấn (dưa hấu, ...) của Bắc Giang. Ngoài ra, trong tháng 6 dự kiến thu mua nông sản từ Hải Dương khoảng 140 tấn các mặt hàng (cà rốt, dưa hấu, vải, ...).

Nhiều hệ thống phân phối lớn trên cả nước cùng tiêu thụ vải.

Nhiều hệ thống phân phối lớn trên cả nước cùng tiêu thụ vải.

Tại Chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM), từ ngày 25/5 đến này 31/5, lượng vải thiều nhập về Chợ là 350 tấn (trong đó, Bắc Giang khoảng 100 tấn; Hải Dương khoảng 200 tấn; Đắk Lắk khoảng 50 tấn). Từ ngày 1/6 đến ngày 5/6/2021, Chợ tiêu thụ khoảng 150 tấn, chủ yếu là vải thiều của Bắc Giang, Hải Dương và Lào Cai (khoảng 12 - 13 tấn). Ngoài ra, Chợ đã tiêu thụ sản lượng nông sản lớn của Hải Dương từ đầu năm đến nay đạt khoảng 24.000 tấn, gồm: cà rốt đạt 15.000 tấn, khoai Tây đạt 4.500 tấn, su hào, bắp cải và bông cải đạt 3.600 tấn.

Chợ đầu mối Thủ Đức, từ đầu mùa vải thiều, lượng tiêu thụ từ tỉnh Bắc Giang đạt 2.575 tấn; từ Hải Dương đạt 1.919 tấn. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay lượng nông sản của tỉnh Bắc Giang tiêu thụ là 3.951 tấn; Hải Dương là 21.081 tấn.

Chợ đầu mối Bình Điền, từ đầu vụ, lượng trái vải thiều tiêu thụ tại Chợ từ tỉnh Bắc Giang và Hải Dương khoảng 300 tấn.

Gần 100.000 tấn vải Bắc Giang và Hải Dương đã được tiêu thụ

Tại tỉnh Bắc Giang, đến hết ngày 7/6 đã tiêu thụ được khoảng 55.038 tấn vải, giá bình quân 12.000-32.000 đồng/kg (cá biệt giá thấp nhất 8.000 đồng/kg đối với vải chất lượng thấp; 58.000 đồng/kg đối với vải xuất khẩu đi Nhật).

Tiêu thụ tại thị trường trong nước 36.017 tấn, qua các kênh phân phối chủ yếu là chợ đầu mối tiêu thụ 19.529 tấn; siêu thị, trung tâm thương mại tiêu thụ 4.243 tấn; thương mại điện tử tiêu thụ 710 tấn; chế biến tiêu thụ 170 tấn; hệ thống thương nhân khác tiêu thụ 11.535 tấn.

Xuất khẩu đạt 19.021 tấn, trong đó thị trường Trung Quốc đạt 18.971 tấn; Nhật Bản đạt 45 tấn; Hoa Kỳ đạt 5 tấn.

Trái vải Việt Nam đã được xuất đi nhiều quốc gia trên thế giới

Trái vải Việt Nam đã được xuất đi nhiều quốc gia trên thế giới

Tại tỉnh Hải Dương, đến ngày 8/6, vải thiều của tỉnh đã thu hoạch và tiêu thụ từ 38.000-40.000 tấn. Riêng Thanh Hà đã thu hoạch khoảng 30.000 tấn. Giá vải vẫn duy trì ở mức cao, dao động từ 18.000 - 30.000 đồng/kg (giá tại vườn).

Sản lượng tiêu thụ nội địa chiếm khoảng 50% tổng sản lượng vải thiều đã tiêu thụ, tương đương 20.000 - 21.000 tấn. Thị trường tiêu thụ trong nước chủ yếu vẫn là khu vực phía Nam, TP.HCM, Hà Nội và một số địa phương lân cận. Vải thiều của Hải Dương bán trong nước chủ yếu do các thương lái thu mua tập trung vào các chợ đầu mối (khoảng trên 15.000 tấn) sau đó phân phát tới các điểm bán lẻ trên toàn quốc và được bán tại hệ thống của các siêu thị trên toàn quốc (khoảng trên 4.000 tấn).

Vải đã được xuất khẩu tới trên 10 quốc gia như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Úc, Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia…

Thị trường Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính; chiếm khoảng 60-70% sản lượng xuất khẩu. Tính đến ngày 8/6 đã xuất khẩu được khoảng 19.000 tấn sang các thị trường Trung Quốc, Lào, Campuchia, riêng Trung Quốc chiếm khoảng 15.000 tấn.

Tính đến ngày 8/6 đã xuất khẩu đi Nhật trên 180 tấn. Các doanh nghiệp như Rồng Đỏ, Ameii, Chính Thu… đang thu mua và xuất khẩu 1.000 tấn vải thiều tươi đi Nhật Bản và khoảng 4.000 tấn vải đi Mỹ, EU…

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục