Công ty cổ phần đầu tư Thế giới di động cho biết, cùng với 4 cửa hàng BigPhone đang hoạt động tại Campuchia, 6 cửa hàng được mở mới từ nay đến tháng 5/2018 sẽ chỉ tập trung tại Thủ đô Phnom Penh.
Hiện nay, các cửa hàng Bigphone của Thế giới di động tại Campuchia có 9 nhân viên, diện tích khoảng 150 m2, doanh thu trung bình đạt 80.000 USD/tháng, thấp hơn 20% so với kỳ vọng của doanh nghiệp này.
Các sản phẩm điện thoại tầm trung, có giá từ 200-300 USD/chiếc, luôn trong danh sách nhóm hàng được tiêu thụ nhiều nhất của Bigphone, nhưng dòng điện thoại cao cấp như iPhone, Samsung mới đóng góp lớn trong tổng lợi nhuận của chuỗi của hàng này tại Campuchia.
“Số lượng điện thoại mang những thương hiệu trung cấp như Mobiistar được mua rất nhiều nhưng lợi nhuận từ đây không lớn”, ông Hồ Viết Đông, Giám đốc điều hành BigPhone nói.
Cuối năm nay, khi doanh thu trung bình mỗi cửa hàng đạt 100.000 USD/tháng, lợi nhuận sẽ bắt đầu xuất hiện với chuỗi BigPhone.
Tuy nhiên, ông Đông cho biết, kế hoạch trong năm 2018 của BigPhone là chỉ vận hành 10 cửa hàng để đo lường, cải tiến các chỉ số kinh doanh và đưa ra chiến lược chính thức cho các quyết định đầu tư tại Campuchia về quy mô và mức độ lâu dài.
Được thành lập từ tháng 10/2016, nhưng đến cuối tháng 6/2017, Thế giới di động mới có thể khai trương cửa hàng đầu tiên tại Phnom Penh. Ông Đông lý giải, do doanh nghiệp không mua được những nguồn hàng có thuế.
“Là nhà bán lẻ, chúng tôi bán những sản phẩm nhập tại thị trường nội địa. Nhưng, ở đây, hầu như không ai mua hàng có thuế, trong khi chúng tôi cần xuất hóa đơn và chứng từ đầy đủ.
Đó là thách thức lớn”, ông Đông nói. Vị đại diện của Thế giới di động cho biết, doanh nghiệp phải mất gần 4 tháng để thương thảo với những nhà cung cấp địa phương nhập riêng cho BigPhone những lô hàng có thuế.
Theo ông, thị trường điện thoại, điện tử của Campuchia hiện giống thị trường Việt Nam 15 năm trước, với những thói quen làm ăn “chưa chuyên nghiệp”, nên lợi thế kinh doanh đang nghiêng về các cửa hàng truyền thống.
Do nhập hàng có thuế, giá bán trung bình các sản phẩm của Bigphone đang cao hơn mặt bằng chung ít nhất 10%. BigPhone đang kỳ vọng có thể nhanh chóng cân bằng bài toán kinh doanh khi thuế nhập khẩu có thể giảm còn 5% trong năm 2018.
“Trước khi Thế giới di động có mặt tại Campuchia, thị trường này phần lớn là những cửa hàng nhỏ, lẻ, thậm chí là cùng một chủ, nhưng không thành chuỗi vì có thể liên quan đến các vấn đề thuế. Hiện tại, BigPhone là chuỗi lớn nhất tại Campuchia”, ông Đông chia sẻ.
Bộ máy vận hành BigPhone khá đơn giản và kiêm nhiệm nhiều vị trí. Trong nhóm nhân sự cùng ông Đông từ Việt Nam sang, còn có ông Nguyễn Bá Tín, phụ trách mua hàng và marketing, một nhân viên đảm nhận vai trò kinh doanh tại các cửa hàng, một nhân sự hành chính, IT và một kế toán.
Ông Tín cho biết, sau 4 tháng làm việc với các hãng, Samsung trở thành đơn vị đầu tiên chấp nhận hỗ trợ các loại giấy tờ liên quan mà BigPhone yêu cầu. Với iPhone, lúc đó thị trường đã có 4 nhà phân phối, nhưng hầu như không thực hiện các nghĩa vụ thuế.
“Khi ấy BigPhone phải gặp đại diện Apple tại Singapore để thống nhất một đầu mối phân phối. Cuối cùng, họ chỉ định Falcon là đơn vị nhập hàng chính hãng duy nhất của iPhone tại Campuchia. Như vậy, thị trường đang dần được thống nhất lại, cũng như để người dân làm quen với việc mua hàng có thuế”, ông Tín cho biết.
Người phụ trách mua hàng và marketing của BigPhone chia sẻ, dù khách hàng tại Phnom Penh còn thói quen mua hàng tại các cửa hàng truyền thống và ngại đến BigPhone bởi “sợ” giá cao, nhưng khoảng 85% khách hàng đặt chân vào BigPhone sẽ mua và quay lại cửa hàng.
Nhóm khách hàng này có độ tuổi từ 25 - 40 và có khả năng tự chủ tài chính”.
Hiện tại, BigPhone vẫn đang tăng trưởng tích cực với các chỉ số dương.
Tuy nhiên, cả ông Đông và ông Tín đều thừa nhận, với hơn 6 tháng hoạt động và 2 tháng gần đây nâng tần suất hiện diện, BigPhone cần có thêm thời gian để có thể trở nên quen thuộc với khoảng 16 triệu dân tại Campuchia.
BigPhone sẽ có lợi nhuận từ cuối năm 2018, nhưng chắc chắn, tỷ suất lợi nhuận chưa thể cao bởi các chính sách thuế cũng như chi phí mặt bằng đắt đỏ.
Mặc dù còn phải đối mặt với hàng loạt thách thức, đặc biệt từ các vấn đề liên quan đến thuế, nhưng ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc Thế giới di động vẫn xem Campuchia là thị trường nhiều tiềm năng.