Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho biết họ vừa có đủ sự phê chuẩn cần thiết từ các nước thành viên để TFA có hiệu lực.
Thỏa thuận này sẽ giải quyết vấn đề về hải quan, nhằm tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, thông quan, giải phóng hàng xuất nhập khẩu, quá cảnh tại các cửa khẩu, đồng thời tăng hợp tác giữa hải quan các nước và hỗ trợ kỹ thuật.
Tổ chức này ước tính trung bình, TFA sẽ giảm chi phí thương mại của các nước thành viên thêm 14,3% và giúp kim ngạch giao dịch hàng hóa toàn cầu tăng 1.000 tỷ USD một năm. Các nước kém phát triển nhất thế giới sẽ hưởng lợi lớn nhất từ hiệp định này.
Việc đàm phán TFA bắt đầu từ năm 2004 và hoàn tất năm 2013, có sự tham gia của 164 quốc gia thành viên WTO, kể cả Mỹ. Thỏa thuận đã có hiệu lực từ hôm qua (22/2), sau khi được hai phần ba quốc gia thành viên thông qua.
Việt Nam đã phê chuẩn TFA từ tháng 11/2015. Còn Mỹ cũng phê chuẩn hiệp định này khi ông Barack Obama còn tại nhiệm.
"Đây là tin tức tuyệt vời. TFA là sự cải tổ lớn nhất của thương mại thế giới trong thế kỷ này", ông Roberto Azevedo - Tổng giám đốc WTO nhận xét. WTO cho biết nó sẽ giảm thời gian nhập khẩu hàng hóa thêm 1,5 ngày và thời gian xuất khẩu thêm gần 2 ngày.
Ông cho biết hiệp định này sẽ giúp cải thiện tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu thêm 2,7% mỗi năm cho đến năm 2030. Nó cũng sẽ giúp tăng trưởng GDP thế giới tăng thêm 0,5% một năm.
Giới phân tích thì nhận định đây là tin không vui cho Tổng thống Mỹ - Donald Trump. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông đã tỏ thái độ phản đối các hiệp định thương mại đa phương.
Ông cho rằng những thỏa thuận này làm lợi cho các đối tác thương mại của Mỹ quá nhiều và khiến người Mỹ thất nghiệp. Ông Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và cho biết sẽ đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).