So với những vụ án trước đó, hành vi của bị cáo Nguyễn Duy Xuyên (nguyên Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Cơ khí Quang Trung, kiêm Giám đốc Xí nghiệp Tổng hợp) không có gì đặc biệt, vẫn là lập khống các tài liệu để vay vốn ngân hàng. Nhưng ở góc độ khác, vụ án này lại là điển hình về việc nhận thế chấp hàng hóa tồn kho và những rủi ro phát sinh đối với ngân hàng khi quá “tin tưởng” khách hàng.
Thời điểm năm 2011, Nguyễn Duy Xuyên được Tổng giám đốc Công ty Cơ khí Quang Trung ủy quyền làm thủ tục vay vốn ngân hàng để phục vụ cho kế hoạch sản xuất kinh doanh thép của Xí nghiệp Tổng hợp. Lợi dụng việc này, Xuyên lập hồ sơ mua bán hàng hóa khống để chiếm đoạt khoản tiền vay tại hai ngân hàng là gần 50 tỷ đồng. Được biết, tài sản đảm bảo cho các khoản vay là hàng hóa thép tồn kho luân chuyển và bằng tín chấp.
Cơ quan công tố cáo buộc Nguyễn Duy Xuyên cùng đồng phạm cố tình mua bán lòng vòng, không có hàng hóa để chiếm đoạt tiền nhà băng. Tuy nhiên, Xuyên lại khẳng định, việc mua bán hàng hóa là có thật. Bị cáo Nguyễn Duy Xuyên cho rằng, Xí nghiệp được phép sử dụng hàng hóa tồn kho để sản xuất, nên việc mua bán diễn ra thường xuyên. Cũng theo bị cáo, bản thân đang trong quá trình trả nợ thì bị cơ quan điều tra bắt giữ. Khi đó, với uy tín bản thân và danh nghĩa Công ty Cơ khí Quang Trung, nhiều ngân hàng chấp nhận cho vay mà không cần tài sản đảm bảo.
Về phía ngân hàng, tin tưởng vào các hợp đồng mua bán thép là có thật, nên đã xét duyệt giải ngân. Thực tế, Nguyễn Duy Xuyên và đồng phạm đã tạo dựng hàng loạt hồ sơ mua bán khống, để tiền vay ngân hàng “chảy” vào túi các cá nhân.
Theo kết quả điều tra, Nguyễn Duy Xuyên sử dụng hai công ty thân tín là CTCP Thép Hà Nội (do vợ Xuyên là Thân Thị Nhậm làm giám đốc) và Công ty TNHH Sản xuất xuất nhập khẩu thép Đông Á (do Nguyễn Văn Vương làm giám đốc) thực hiện hành vi phạm tội.
Cụ thể, Xí nghiệp Tổng hợp mua phôi thép của Công ty Đông Á, trong khi Công ty Đông Á mua phôi thép của Công ty Thép Hà Nội (đúng bằng số lượng thép mà Xí nghiệp Tổng hợp muốn mua). Kết quả điều tra xác định, từ tháng 4 đến tháng 12/2011, Xí nghiệp Tổng hợp vay tiền ngân hàng mua hơn 2.491 tấn phôi thép của Công ty Đông Á. Riêng ngày 18/4/2012, Xuyên ký hợp đồng bán hơn 511 tấn phôi thép, trị giá hơn 6 tỷ đồng. Như vậy, số lượng phôi thép còn tồn kho là hơn 1.980 tấn. Tuy nhiên, đến tháng 6/2012, số hàng bỗng dưng “bốc hơi”. Điều này thể hiện rằng, hồ sơ mua bán mà Xuyên nộp cho ngân hàng là các hợp đồng khống.
Bị cáo Nguyễn Duy Xuyên đã đề nghị chuyển tiền giải ngân về tài khoản của bên bán là Công ty Đông Á. Sau đó, Công ty Đông Á ký các ủy nhiệm chi toàn bộ số tiền ngân hàng giải ngân vào tài khoản của Công ty Thép Hà Nội và đích đến cuối cùng là tài khoản của Xí nghiệp Tổng hợp. Bằng thủ đoạn này, Xuyên nghiễm nhiên chiếm đoạt tiền của ngân hàng.
Mặt khác, nguyên phó tổng giám đốc Công ty Cơ khí Quang Trung còn “móc nối” với kiểm toán viên lập báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán giả để thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của nhà băng khác. Trong hồ sơ vay vốn thể hiện, nhằm bổ sung vốn lưu động nhập khẩu phôi thép, thép các loại, thiết bị vật tư máy móc phụ tùng sản xuất... Nguyễn Duy Xuyên tiếp tục dùng các hợp đồng khống về mua bán thép các loại trong nước để nộp cho ngân hàng. “Bổn cũ soạn lại”, song một lần nữa, Xuyên vẫn được ngân hàng chấp thuận giải ngân.
Ngân hàng gặp rủi ro trong vụ án này là do đã cấp tín dụng dựa trên niềm tin với khách hàng truyền thống. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã chỉ ra rằng, một số cán bộ ngân hàng có dấu hiệu phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Nhưng do thời hạn điều tra đã hết, nên cơ quan điều tra tách vấn đề này sang một vụ án khác.