Thế chấp ảo, rút ruột ngàn tỷ thật

Vụ nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) Phạm Thanh Tân bị bắt hiện chưa đến hồi kết.
Khuôn viên dự án 305 triệu USD do Agribank tài trợ vốn giờ thành hoang lặng.
Khuôn viên dự án 305 triệu USD do Agribank tài trợ vốn giờ thành hoang lặng.

Lần theo đường đi của dòng tiền trên 3.000 tỷ đồng mà Agribank cho Cty liên doanh Lifepro Việt Nam vay, phát hiện nhiều bất thường. Ngoài ông Phạm Thanh Tân và bà Phạm Thị Bích Lượng, nguyên giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội đã bị bắt, còn ai phải chịu trách nhiệm?

   

Trong hợp đồng vay vốn này, lãnh đạo Agribank đã cho Lifepro Việt Nam dùng quyền sử dụng 6 thương hiệu thời trang mua từ nước ngoài, thế chấp vay 70 triệu USD (hơn 1.464 tỷ đồng). Chẳng khác nào Agribank đã nhận thế chấp “đàn vịt giời” của doanh nghiệp...

 

Vụ thế chấp hy hữu

 

Ngày 12-10-2012, Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội đã có báo cáo số 1356A gửi Tổng giám đốc ngân hàng về tình hình cho vay đối với Cty liên doanh Lifepro Việt Nam.

 

Theo đó, ngày 7-4-2012, Agribank đã phê duyệt cho dự án Luxfashion của doanh nghiệp này vay 150 triệu USD (gồm cả phần nhận nợ 41,35 triệu USD, tương đương 865 tỷ đồng đã cho Cty Enzo Việt Nam -chủ đầu tư trước của dự án vay).

 

 Giám đốc một chi nhánh ngân hàng tại Hà Nội cho biết: “Thương hiệu là tài sản vô hình và nằm trong giá trị doanh nghiệp, trong giá trị cổ phần, cổ phiếu. Khi xử lý phát mại tài sản thế chấp này, thì phải xử lý theo cách mua bán doanh nghiệp. Khi đó, ngân hàng sẽ tiếp quản doanh nghiệp để tiếp tục kinh doanh, chẳng hạn như tham gia vào HĐQT thì sẽ được hưởng giá trị của doanh nghiệp thông qua tỷ lệ sở hữu”. Tức là, không thể bán riêng tài sản thế chấp là quyền sở hữu, sử dụng thương hiệu, mà phải bán kèm với việc bán cả doanh nghiệp.

Đây là dự án nhà máy dệt may xuất khẩu quy mô lớn, có tổng mức đầu tư 305 triệu USD, được đầu tư xây dựng tại KCN Gián Khẩu (tỉnh Ninh Bình). Nhưng đến tháng 8-2012, nhà máy bất ngờ ngừng hoạt động. Lãnh đạo cao cấp của công ty cùng toàn bộ chuyên gia nước ngoài đã biến mất một cách bí ẩn.

 

Trong khi đó, khoản nợ vay Agribank đầu tư dự án Luxfashion tính đến ngày 12-10-2012 là hơn 3.099 tỷ đồng hiện vẫn chưa thể xử lý được. Liên quan đến khoản cho vay này, Agribank đã xác lập cùng Cty liên doanh Lifepro Việt Nam 2 hợp đồng thế chấp tài sản.

 

Cụ thể, ngày 8-4-2012, kí Hợp đồng thế chấp số 01 trị giá 1.518 tỷ đồng, tài sản thế chấp được hình thành từ vốn vay và vốn tự có. Trong đó, gồm toàn bộ công trình kiến trúc, dây chuyền máy móc, thiết bị giai đoạn I và II, giá trị quyền sử dụng đất, lô máy móc thiết bị hoàn tất sản phẩm.

 

Tiếp đó, ngày 14-4-2012, một hợp đồng thế chấp khác được kí kết với tài sản thế chấp cũng được hình thành từ vốn vay và vốn tự có trong tương lai gồm nguyên phụ liệu nhập khẩu, các bộ chứng từ xuất hàng chờ thu tiền, các khoản phải thu của khách hàng… với tổng trị giá 64 triệu EURO và 14,9 triệu USD.

 

Tài sản thế chấp thứ hai của hợp đồng này là quyền sử dụng 6 thương hiệu và nhãn hiệu thương mại mà Cty liên doanh Lifepro Việt Nam đã mua của FGF Industry Spa (Italia). Với 6 thương hiệu và nhãn hiệu này, Agribank đã nhận thế chấp cho khoản vay tới 70 triệu USD, tương đương 1.464 tỷ đồng.

 

Theo quy định về cho vay, thế chấp tài sản của Việt Nam, thương hiệu là một loại tài sản, và ngân hàng có thể nhận thế chấp tài sản là quyền sử dụng, sở hữu thương hiệu.

 

Tuy nhiên, khi phải xử lý tài sản này, thì Việt Nam hiện vẫn còn rất thiếu các quy định trong việc xác định giá trị thương hiệu, các điều kiện sử dụng thương hiệu... Do sự phức tạp và rủi ro này, các ngân hàng (ngoại trừ Agribank) thường từ chối nhận thế chấp bằng thương hiệu.

 

Mặt khác, theo quy định tại Luật Sở hữu Trí tuệ (2005) của Việt Nam, chỉ có chủ sở hữu thương hiệu được pháp luật công nhận mới có quyền cho phép đối tượng khác khai thác thương hiệu ấy.

 

Luật Sở hữu Trí tuệ cũng không có điều khoản công nhận quyền sở hữu thương hiệu có được từ việc mua lại tài sản thế chấp là thương hiệu bị ngân hàng phát mại.

 

Như vậy, Agribank sẽ khó bán được 6 thương hiệu đã nhận thế chấp của Lifepro Việt Nam . Vì người mua tài sản phát mại (là 6 thương hiệu này) sẽ không được công nhận quyền sở hữu trí tuệ để khai thác các thương hiệu ấy tại Việt Nam và trên toàn thế giới.

 

Nhận thế chấp tài sản là thương hiệu với trị giá 1.464 tỷ đồng, nhưng lại không chắc chắn với quyền sử dụng tài sản ấy, Agribank đã tạo ra một vụ thế chấp hy hữu trong lịch sử ngân hàng Việt Nam. Và nay, đương nhiên bị bế tắc khi con nợ đã cao chạy xa bay, còn Agribank cũng không thể đứng ra phát mãi quyền sở hữu 6 nhãn hiệu thời trang đó.

 

Cho vay 3.000 tỷ không cần hỏi BQL Khu CN

 

Theo tìm hiểu, từ tháng 6-2007 đến nay, dự án Luxfashion đã 4 lần điều chỉnh giấy phép đầu tư. Lúc đầu, dự án là nhà máy dệt nhuộm may công nghiệp có quy mô vốn đầu tư 32,8 triệu USD (khoảng 528 tỷ đồng).

 

Chủ đầu tư là Cty cổ phần Enzo Viet, do 4 cổ đông sáng lập là Cty TNHH XNK thủ công mỹ nghệ Đông Thành, ông Ahmed El Fehdi (quốc tịch Canada), Cty cổ phần Corps Sage, bà Phạm Ngọc Liễu. Hơn một năm sau, Cty Đông Thành- cổ đông sáng lập đã rút vốn khỏi công ty.

 

Đến lần điều chỉnh thứ 4 (ngày 28-1-2011), Cty cổ phần Enzo Viet chỉ còn lại một cổ đông sáng lập là ông Fehdi và xuất hiện 2 cổ đông mới là Cty cổ phần Lifepro Việt Nam và Cty Hong Kong Golden Principal Investment. Đồng thời, đổi tên Cty cổ phần Enzo Viet thành Cty liên doanh Lifepro Việt Nam (Lifepro Việt Nam ).

 

Ngày 20-2-2013, tra, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình cho biết, tỉnh này rất kỳ vọng và tập trung tạo điều kiện tối đa cho dự án Luxfashion trong suốt quá trình thực hiện.

 

Thực tế, khi thẩm định dự án, tỉnh đánh giá công tác chuẩn bị đầu tư của Cty liên doanh Lifepro Việt Nam rất tốt, đầu tư nhà máy hoàn chỉnh từ dệt vải, nhuộm, may, thêu đến hoàn thiện và xuất khẩu sản phẩm.

 

Liên quan đến khoản nợ hơn 3.099 tỷ đồng, ông Bình cho biết, từ khi dự án triển khai (năm 2007) đến trước khi lãnh đạo công ty biến mất, thì Ban quản lý chưa một lần tiếp đại diện ngân hàng Agribank đến tìm hiểu về dự án này.

 

“Họ (Agribank- PV) không tìm chúng tôi, cũng không hỏi gì, cứ thế cho vay. Chúng tôi cũng không biết họ cho vay lúc nào. Vì về nguyên tắc, chúng tôi chỉ kiểm tra vốn góp thôi và doanh nghiệp phải báo cáo Ban quản lý theo quy định. Còn về vốn vay, họ phải báo cáo định kỳ nhưng nhiều khi họ cũng không báo cáo”- ông Bình nói.

 

Theo ông Bình, khi không thể liên lạc với lãnh đạo của Lifepro Việt Nam , Ban quản lý đã gửi công văn tới cơ quan công an đề nghị giúp đỡ tìm lãnh đạo của công ty. Chỉ đến khi Cơ quan điều tra của Bộ Công an khởi tố vụ án, thì mới có sự tham gia đầy đủ của các cán bộ đại diện cho Agribank.

 

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin với bạn đọc những bí ẩn liên quan đến việc Cty liên doanh Lifepro Việt Nam vay được hơn 3.099 tỷ đồng từ Agribank trong số báo sau.

 

Lãnh đạo Lifepro Việt Nam “biến mất” thế nào?

 

Theo Giấy chứng nhận đầu tư số 092032000004 cấp ngày 28-1-2011, Cty liên doanh Lifepro Việt Nam có vốn điều lệ 50 triệu USD, gồm 4 cổ đông là Cty Hong Kong Golden Principal Investment (sở hữu 63% vốn điều lệ), ông Ahmed El Fehdi (quốc tịch Canada, nắm 30%), Cty cổ phần Lifepro Việt Nam (5%) và Cty Interserco (2%). Cùng ngày, ông Yang Yong (quốc tịch Trung Quốc) là người đại diện trước pháp luật của công ty đã ủy quyền điều hành công ty cho ông Boubker El Fehdi, Tổng giám đốc.

 

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban quản lý các KCN tình Ninh Bình cho biết, khi nhà máy Luxfashion ngừng hoạt động thì không thể liên lạc được với ông Ahmed El Fehdi, Tổng giám đốc và giám đốc điều hành. Trước đó, ông Ahmed El Fehdi hầu như không có mặt ở công ty mà do ông Boubker El Fehdi (con trai ông) điều hành. Trong khi đó, liên lạc với ông Lê Minh Hiếu, Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần Lifepro Việt Nam và đại diện Cty Interserco thì Ban quản lý mới biết, hai cổ đông này đã rút vốn từ lâu.

 

Theo ông Bình, hiện Ban quản lý các KCN cũng chỉ biết báo cáo lãnh đạo tỉnh, chứ chưa biết sẽ xử lý ra sao.


Tiền Phong

Tin cùng chuyên mục