Thay sếp doanh nghiệp chậm đưa cổ phiếu lên sàn

(ĐTCK) Đã có những ý kiến đề xuất cần áp dụng biện pháp mạnh đối với lãnh đạo các doanh nghiệp hậu cổ phần hóa chây ỳ đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định.

667 doanh nghiệp chây ỳ đưa cổ phiếu lên sàn

Liên quan đến những hạn chế của quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, một trong những “điểm nóng” được lãnh đạo các bộ, ngành đề cập tại Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ vừa tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, là tình trạng nhiều doanh nghiệp hậu cổ phần hóa tiếp tục chậm trễ lên sàn.

“Việc gắn cổ phần hóa với niêm yết đến thời điểm này vẫn chưa được các doanh nghiệp chú trọng. Số lượng doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa chưa niêm yết, đăng ký giao dịch năm 2017 là 747 doanh nghiệp. Hiện vẫn còn 667 doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán…”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết.

Trong số 667 doanh nghiệp chây ỳ đưa cổ phiếu lên sàn, Bộ Tài chính công khai đích danh 295 doanh nghiệp có cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước là các bộ, ngành trung ương, các tập đoàn, tổng công ty như: Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam…; 372 doanh nghiệp thuộc UBND các tỉnh, thành phố như TP. Hà Nội, TP.HCM, tỉnh Bình Dương… (xem bảng)

Các doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng chưa đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán (tính đến ngày 15/11/018).

Với Bộ Công thương, một trong những ngành còn nhiều doanh nghiệp hậu cổ phần hóa chưa đưa cổ phiếu lên sàn, ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công thương thừa nhận, tuy thời gian qua Bộ đã nỗ lực đưa nhiều doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp lớn lên sàn chứng khoán, nhưng hiện còn 78 doanh nghiệp chưa niêm yết, trong đó chủ yếu là đơn vị cấp 3.

“Mặc dù Thủ tướng Chính phủ và Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo rất quyết liệt việc đưa cổ phiếu của các doanh nghiệp đã cổ phần hóa lên sàn chứng khoán, nhưng thực tế việc này vẫn còn triển khai chậm trễ, trong đó có nguyên nhân là một bộ phận lãnh đạo doanh nghiệp chưa quyết liệt…”, ông An nói.

Việc nhiều doanh nghiệp chậm lên sàn, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế hoạt động giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này. 

“Phải thực hiện nghiêm việc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán…”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy, khi phát biểu kết luận tại Hội nghị.

“Các doanh nghiệp đã cổ phần hóa nghiêm túc thực hiện việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc để chậm trễ trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn, đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán...”, Thủ tướng yêu cầu.

Để tháo gỡ vướng mắc, bất cập, qua đó thúc đẩy doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phải tập trung hoàn thiện quy định pháp lý về cổ phần hóa gắn với đăng ký giao dịch, niêm yết...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty..., trong đó có các góp ý về giải pháp khắc phục tình trạng doanh nghiệp chậm trễ đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, sớm hoàn tất dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, để Thủ tướng ký ban hành.

Đáng chú ý, trong định hướng cơ chế mà Thủ tướng sắp ban hành, cũng như quyết tâm của lãnh đạo các bộ, ngành đều nhấn mạnh xác định rõ trách nhiệm cá nhân, mà cụ thể là lãnh đạo các doanh nghiệp trong việc để xảy ra chậm trễ trong triển khai đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Điều này không chỉ mang lại kỳ vọng sẽ tạo ra bước chuyển biến sắc nét trong thúc đẩy 667 trường hợp chậm trễ khẩn trương thực hiện đưa cổ phiếu lên sàn, mà còn ngăn chặn phát sinh các trường hợp mới thông qua cơ chế gắn chặt cổ phần hóa với niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa là nguồn hàng hóa chủ lực cho TTCK…

 Ông Đinh Tiến Dũng - Bộ trưởng Bộ Tài chính. 

Việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thông qua quá trình cổ phần hóa đã tạo ra nguồn hàng hóa đầu tiên, đóng vai trò chủ chốt trong việc tạo lập cơ sở cho sự hình thành của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cho đến nay, cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa vẫn là nguồn hàng hóa có chất lượng và chủ lực cho thị trường chứng khoán.

Về cơ bản, đây là các doanh nghiệp lớn dẫn đầu thị trường về mức vốn hóa, cũng như về tính minh bạch và quản trị công ty. Các doanh nghiệp này hoạt động khá hiệu quả, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, đồng thời tạo nguồn hàng chất lượng cho thị trường chứng khoán, góp phần nâng cao tính minh bạch của thị trường…

Quy mô của khối doanh nghiệp niêm yết hình thành từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước liên tục tăng qua từng năm, chủ yếu từ nhu cầu vốn đầu tư ngày càng tăng và khả năng huy động vốn trên thị trường chứng khoán thông qua hình thức phát hành thêm cổ phần rất tốt.

Để thúc đẩy các doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán trong thời gian tới, các cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước cần tập trung đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật.

Kiên quyết thúc đẩy các doanh nghiệp đã cổ phần hóa lên niêm yết

 Ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công thương.

Tuy Bộ Công thương thời gian qua đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, nhưng đến nay vẫn còn 78 doanh nghiệp chưa niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Để khắc phục tình trạng chậm trễ trên, Bộ Công thương đang đề xuất việc để xảy ra chậm trễ trong quá trình triển khai cổ phần hóa, thoái vốn, đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, phải được đưa vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, người đứng đầu. Nếu không quyết liệt thì không làm được.

Cần quy trách nhiệm đối với người đứng đầu, thậm chí là kỷ luật, thay thế cán bộ có trách nhiệm tại doanh nghiệp nếu để xảy ra cổ phần hóa, đưa cổ phiếu lên sàn chậm trễ.

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục