Dịch vụ sáng tạo thời Covid
“Thầy ký” viết đơn bây giờ giới thiệu công việc trên mạng xã hội chứ không đứng trước cửa quan như xưa. Hùng là một “thầy ký” như vậy. Trên YouTube của Hùng có clip giới thiệu việc miễn phí viết đơn gửi Ngân hàng Nhà nước và các công ty tài chính tiêu dùng cho các cá nhân tại TP.HCM và Bình Dương đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Theo nội dung clip, những cá nhân vay tiền của các công ty tài chính muốn nhận được sự hỗ trợ phải có đơn đề nghị để công ty có căn cứ xét duyệt. Đơn đề nghị do đội ngũ của Hùng viết sẽ giúp các cá nhân giải quyết 4 vấn đề: thứ nhất, miễn lãi; thứ hai, cơ cấu lại nợ; thứ ba, giãn nợ; thứ tư, giữ nguyên nhóm nợ. Cá nhân tại TP.HCM và Bình Dương sẽ được miễn phí việc viết đơn, còn những người có điều kiện hay ở các tỉnh/thành phố khác có nhu cầu thì trả chi phí 200.000 đồng.
Vẫn theo nội dung clip, hiện các công ty tài chính và cả Ngân hàng Nhà nước chưa có bất kỳ động thái hỗ trợ nào đối với nhóm khách hàng này, nên hy vọng việc viết đơn sẽ là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước, các công ty tài chính nhìn thấy vấn đề của họ.
Tuy nhiên, thực tế có điểm không đúng như nhân vật Hùng chia sẻ về đối tượng được hỗ trợ. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, có hiệu lực kể từ ngày 13/3/2020 ghi rõ đối tượng áp dụng tại Khoản 1, Điều 2 là tổ chức tín dụng (không bao gồm ngân hàng chính sách), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Luật Các tổ chức tín dụng giải thích khái niệm tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng bao gồm công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính…
“Đối chiếu với Thông tư 01 và Luật Các tổ chức tín dụng, khách hàng của các công ty tài chính nằm trong nhóm được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Dẫu vậy, cũng không thể phủ nhận rằng, nhân vật này (Hùng) đã cung cấp dịch vụ tương đối sáng tạo, bởi đây là yêu cầu bắt buộc từ phía các tổ chức tín dụng khi cá nhân có nhu cầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí”, TS. Hiếu nhận xét.
Công ty tài chính nói gì?
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một công ty tài chính cho hay, doanh nghiệp đã sớm gửi kiến nghị về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tới cơ quan quản lý. Đó là những vướng mắc như đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn của tổ chức tín dụng, hoặc khách hàng bị sụt giảm thu nhập, doanh thu.
Để thực hiện cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, phí cho khách hàng, tổ chức tín dụng phải thẩm định khách hàng, nhưng cách thức đánh giá, hồ sơ cần thu thập như thế nào lại chưa có hướng dẫn cụ thể.
Cụ thể, theo quy định, để thực hiện cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, phí cho khách hàng, tổ chức tín dụng phải thẩm định khách hàng. Tuy nhiên, cách thức đánh giá khách hàng, hồ sơ cần thu thập như thế nào được xem là đầy đủ và hợp lệ thì cả Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN chưa có quy định, hướng dẫn. Đây được xem là vướng mắc về thủ tục khi tổ chức tín dụng muốn hỗ trợ khách hàng.
Do đó, công ty tài chính trên đề xuất phương thức đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, hoặc bị sụt giảm thu nhập, doanh thu căn cứ vào một trong các chứng từ do khách hàng cung cấp: thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động; tin nhắn SMS nhận lương hàng tháng; quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; công văn của UBND tỉnh/thành phố quyết định tạm dừng một số hoạt động, dịch vụ không thiết yếu. Trường hợp khách hàng không thể cung cấp bất kỳ chứng từ nào, tổ chức tín dụng chấp nhận việc đánh giá khách hàng qua điện thoại.
“Hình thức cung cấp chứng từ là email, website, mobile app, mạng xã hội (Zalo…). Hình thức đánh giá là gọi điện thoại thẩm định khách hàng. Miễn thẩm định nhóm khách hàng đang cách ly tập trung hoặc tại nhà”, lãnh đạo công ty tài chính nói.
Liên quan đến việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, theo quy định, khách hàng phải có đơn đề nghị để tổ chức tín dụng đánh giá, thẩm định. Tuy nhiên, đối với các khách hàng đang trong vùng giãn cách xã hội, phong tỏa, hoặc đang cách ly thì không thể ký và gửi đơn cho tổ chức tín dụng. Khách hàng cũng không thể đến trực tiếp tổ chức tín dụng làm thủ tục do không chứng minh được đây là nhu cầu thiết yếu.
Vì thế, lãnh đạo công ty tài chính trên đề xuất Ngân hàng Nhà nước công nhận đề nghị của khách hàng gửi đến tổ chức tín dụng có thể bằng tin nhắn, email, mạng xã hội (Zalo, Viber,…), website, mobile app và tổ chức tín dụng có trách nhiệm xác thực khách hàng trước khi thực hiện.
Cơ hội số hoá
Trong một tương quan khác, TS. Hiếu cho rằng, việc thẩm định khách hàng để thực hiện cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi thuộc về quyền của tổ chức tín dụng giống như khi cho vay.
“Câu chuyện ở đây có lẽ cần nhìn rộng hơn, đó là cho phép áp dụng phương thức định danh trực tuyến (eKYC) trong hoạt động cho vay, tương tự như hoạt động mở tài khoản từ xa cho khách hàng”, TS. Hiếu nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế thuộc Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, một trong những vấn đề chung cần xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2016/TT-NHNN là những quy định cho phép hoạt động cho vay có sử dụng phương thức điện tử. Hiện nay, các tổ chức tín dụng đều đang từng bước số hóa các hoạt động ngân hàng. Đây cũng là định hướng phát triển phù hợp với xu thế của thị trường, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng phức tạp. Trong khi đó, pháp luật chưa có hướng dẫn về hoạt động cho vay điện tử, dẫn đến sự không đồng nhất trong cách hiểu và áp dụng.
Với hiện trạng này, ông Long cho biết, ý kiến từ các tổ chức tín dụng hội viên đều đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm xem xét nghiên cứu, ban hành các hành lang pháp lý cụ thể về hoạt động cho vay có sử dụng các phương thức điện tử theo hướng bổ sung quy định cho phép tổ chức tín dụng được chủ động quyết định áp dụng phương thức thẩm định, phê duyệt tín dụng một cách linh hoạt trên cơ sở bảo đảm được yếu tố độc lập và an toàn.
Đặc biệt, đối với các khoản cho vay giá trị nhỏ, eKYC khách hàng tín dụng thực hiện qua kênh điện tử hoặc do tổ chức tín dụng thu thập/sử dụng thông tin từ bên thứ ba độc lập trên thị trường làm căn cứ cho vay, giải ngân, kiểm soát, tránh hiện tượng trùng lặp một hồ sơ điện tử giải ngân tại nhiều tổ chức tín dụng.
Đồng thời, cơ quan quản lý hướng dẫn cụ thể về chữ ký quy định tại Điều 32, Thông tư 39 “quyết định cho vay có chữ ký của người có thẩm quyền” và Điều 96, Luật Các tổ chức tín dụng theo hướng, chữ ký có thể là chữ ký trực tiếp, hoặc chữ ký điện tử theo quy định của Luật Giao dịch điện tử.
“Về chữ ký trên quyết định cho vay, pháp luật cần quy định cho phép tổ chức tín dụng có thể quyết định áp dụng việc thiết lập và lưu quyết định cấp tín dụng bằng bản cứng - có chữ ký “tươi” của người có thẩm quyền, bản mềm - có xác nhận của người có thẩm quyền thông qua các loại chữ ký điện tử theo pháp luật về giao dịch điện tử”, ông Long nói.
Ngoài ra, pháp luật cần hướng dẫn cách thức xác lập thỏa thuận cho vay trên các kênh trực tuyến, cho phép các tổ chức tín dụng được quyết định áp dụng cơ chế xác lập thỏa thuận cho vay với khách hàng trên kênh trực tuyến với điều kiện đảm bảo có biện pháp kỹ thuật để xác nhận việc khách hàng đồng ý với các nội dung tại thỏa thuận cho vay.
Thực tế, việc cho phép xác lập thỏa thuận cho vay trên kênh trực tuyến là phù hợp với xu hướng phát triển hoạt động cho vay và quy định này cũng phù hợp với cách thức đang áp dụng đối với mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử.
“Vướng mắc ở đây là chưa áp dụng eKYC trong hoạt động cho vay. Ngân hàng Nhà nước sửa gấp Thông tư 39 sẽ giải quyết được những vướng mắc hiện nay. Và cũng nên nhìn nhận đây là cơ hội để số hoá toàn ngành”, TS. Hiếu nhấn mạnh.