Nhiều ngân hàng có lãnh đạo mới
Cuối tháng 4, Hội đồng quản trị Kienlongbank đã thống nhất bầu bà Trần Thị Thu Hằng (sinh năm 1985), Phó chủ tịch Hội đồng quản trị giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng nhiệm kỳ 2018 - 2022, từ ngày 26/5/2021. Bà Hằng được biết đến là Tổng giám đốc Tập đoàn Sunshine trước khi là một trong hai thành viên Hội đồng quản trị được bầu bổ sung trong phiên họp cổ đông bất thường ngày 28/1/2021 của Kienlongbank.
Được bầu vào chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị Kienlongbank thời điểm này, thị trường nhận định bà Hằng sẽ gắn nhiều trọng trách hơn với kế hoạch tăng vốn điều lệ (từ 3.237 tỷ đồng lên 3.653 tỷ đồng) cũng như chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh của Ngân hàng năm 2021, với tổng tài sản hợp nhất là 66.800 tỷ đồng (tăng 16,62%); tổng nguồn vốn huy động là 59.400 tỷ đồng (tăng 14,08%); tổng dư nợ cấp tín dụng là 44.600 tỷ đồng (tăng 28,47%); lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng.
Kienlongbank đang có kế hoạch mở rộng mạng lưới chi nhánh cùng với việc đẩy mạnh định hướng phát triển theo mô hình số hóa. Theo đó, Ban lãnh đạo Ngân hàng cho biết sẽ phát triển ngân hàng theo mô hình digital banking, trong đó Kienlongbank là một mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái đầu tư tài chính gồm ngân hàng số - chứng khoán - đầu tư bất động sản - đầu tư vàng và thương mại điện tử.
Hội đồng quản trị Vietbank cũng vừa bầu ông Dương Nhất Nguyên, sinh năm 1983, giữ chức Chủ tịch nhiệm kỳ 2021 - 2025. Như vậy, chỉ trong vòng 2 tháng, Vietbank đã thay đổi nhân sự Chủ tịch Hội đồng quản trị tới 2 lần. Trước đó, vào cuối tháng 2, ngân hàng này bầu ông Bùi Xuân Khu, Phó chủ tịch Vietbank làm Chủ tịch thay ông Dương Ngọc Hòa. Tuy nhiên, sau đó, ông Khu không có tên trong danh sách Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2021 - 2025 của Ngân hàng.
Đáng chú ý, ông Dương Nhất Nguyên là con trai của nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietbank Dương Ngọc Hoà và bà Trần Thị Lâm, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm.
Mục tiêu của Vietbank đề ra trong năm nay là đạt lợi nhuận 1.100 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần năm 2020 và đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HOSE…
Năm 2021 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với Vietbank, mở đầu một nhiệm kỳ mới, một giai đoạn hoạt động mới với định hướng “tăng tốc, tăng trưởng quy mô, đồng hành và chia sẻ cùng khách hàng trong mùa Covid-19, đồng thời tập trung đầu tư xây dựng nền tảng vững chắc về nhân sự, công nghệ, quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng cho chiến lược phát triển lâu dài được ổn định và bền vững”.
Trong thông cáo báo chí về việc thay đổi nhân sự, Vietbank cho biết: “Việc kiện toàn nhân sự chủ chốt giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới nhằm kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được của Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2016 - 2020, hướng tới hoàn thành mục tiêu của giai đoạn mới 2020 - 2025, đưa Vietbank vào Top 15 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất vào năm 2025”.
Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng quản trị LienVietPostBank tổ chức ngay sau đại hội cổ đông thường niên 2021, ông Nguyễn Đức Thụy, sinh năm 1976, đã được Hội đồng quản trị thống nhất bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank. Ông Thụy thường được gọi là “bầu Thụy”, từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaiholdings. Thông tin từ LienVietPostBank cho biết, với chức danh Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, cùng nhiều năm kinh nghiệm giữ vị trí lãnh đạo tại các doanh nghiệp lớn, Hội đồng quản trị tin tưởng ông Thụy sẽ đóng góp tích cực cho hoạt động của Ngân hàng.
Được biết, một trong những kế hoạch kinh doanh 2021 của LienVietPostBank là tăng vốn điều lệ lên 15.700 tỷ đồng và phát hành riêng lẻ 66,7 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại Ngân hàng lên 9,99%. LienVietPostBank tiếp tục tập trung phát triển theo định hướng ngân hàng bán lẻ trên cơ sở khai thác thế mạnh mạng lưới, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, nơi người dân ít có cơ hội tiếp cận với dịch vụ tài chính ngân hàng, dễ bị ảnh hưởng bởi “tín dụng đen”.
“Thay đổi mang tính căn bản”
Nhìn nhận về câu chuyện thay đổi nhân sự cao cấp cả một số ngân hàng trong thời gian gần đây, lãnh đạo cao cấp một công ty tư vấn cho rằng, việc thay đổi này “mang tính căn bản”. Các ngân hàng đang tích cực tiến hành tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, nâng cao hiệu quả hoạt động, khởi động chiến lược chuyển đổi và bước sang giai đoạn phát triển mới, do vậy, việc thay đổi, bổ sung nhân sự cao cấp là tất yếu…
Theo vị lãnh đạo này, các doanh nghiệp bất động sản lớn ở Việt Nam luôn mong muốn có tập đoàn tài chính ở phía sau như ngân hàng hay công ty chứng khoán và thực tế, đằng sau những cuộc gom mua cổ phiếu, thâu tóm ngân hàng thường là “đại gia” bất động sản. “Không ít ngân hàng đang kéo dài một thực trạng từ chặng khởi đầu là dồn mọi nguồn lực tài trợ cho chính các doanh nghiệp của giới chủ”.
Dẫu vậy, trong một tương quan khác, vị lãnh đạo cao cấp của công ty tư vấn cho rằng, “các đại gia trong lĩnh vực bất động sản mua lại ngân hàng cũng không phải là điều xấu nếu biết về nghề ngân hàng, hành xử chuyên nghiệp và đặc biệt là phải thượng tôn pháp luật”.
Trong khi đó, luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico cho biết, ở những đất nước mà thị trường tài chính phát triển, người đứng trong thành phần hội đồng quản trị, điều hành ngân hàng thường hiếm khi là người sở hữu ngân hàng. Ví dụ, ở những ngân hàng Top đầu thế giới, chủ nhân thực sự có thể là những vị tỷ phú Trung Đông, còn từ chủ tịch hội đồng quản trị, các thành viên hội đồng quản trị và tổng giám đốc đều là người làm thuê. Ở Việt Nam, đa phần cứ người chủ sở hữu phần lớn vốn điều lệ ngân hàng sẽ chiếm ghế trong thành phần hội đồng quản trị, các cấp điều hành.
Điều này, theo luật sư Hải, một phần xuất phát từ quy định pháp lý hiện hành của Việt Nam với vị trí nhân sự cấp cao của ngân hàng. Cụ thể, về nguyên tắc, ngoài những tiêu chuẩn chung theo luật định, thì không phân biệt yếu tố chuyên môn, lĩnh vực hoạt động trước đó của nhân sự, nên nhân sự có kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực khác cũng có thể đứng đầu ngân hàng.
Khẳng định sẽ rất tốt cho ngân hàng nếu những người đứng đầu mang kinh nghiệm trong lĩnh vực trước đó của họ để góp phần tăng thêm sự hiểu biết cũng như bổ sung vào những nhu cầu trong hoạt động ngân hàng, nhưng luật sư Hải cũng lưu ý, điều cần phải phòng bị là việc nhân sự này không tôn trọng những chuẩn mực ngân hàng.
Ngân hàng là doanh nghiệp của mọi doanh nghiệp, mỗi một hành động, quyết định đều có “rừng quy định pháp luật” bủa vây. Thực tiễn từ các bài học trong quá khứ của hệ thống ngân hàng cho thấy, không phải là câu chuyện bằng cấp, kinh nghiệm hay lĩnh vực trước đó, mà là việc phá đi các chuẩn mực ngân hàng trong hoạt động quản lý mới là nguyên nhân dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Ông Hải nêu quan điểm: “Những con người ứng cử vào ngân hàng trong vai trò quản trị mà trước đó ở bất kỳ lĩnh vực nào mà hiểu được và tôn trọng những chuẩn mực ngân hàng thì nên chào đón”.