Thấy gì từ sự cố Bông Bạch Tuyết?

(ĐTCK-online) Ngày 16/7/2008, Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) đã công bố công văn giải trình của Công ty Kiểm toán AISC. Qua báo cáo giải trình này đã bộc lộ nhiều yếu kém trong việc giám sát hoạt động của Ban quản lý Công ty Bông Bạch Tuyết (BBT).
Rắc rối ở BBT đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của Ban lãnh đạo Công ty.


Quản lý nhà nước

TTCK ngày càng phát triển thì sự tách biệt giữa người chủ (cổ đông) và nhà quản lý (ban giám đốc) ngày càng lớn. Để bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông trong công ty, nhất là các cổ đông nhỏ, luật pháp đã có những quy định nghiêm ngặt trong việc giám sát hoạt động của ban quản lý DN, nhất là trong vấn đề minh bạch các thông tin tài chính. TTCK Việt Nam cũng đang hướng đến điều đó. Theo Điều 101, Luật Chứng khoán, tổ chức niêm yết phải công bố thông tin trong vòng 10 ngày kể từ ngày có báo cáo tài chính năm được kiểm toán (nghĩa là trong vòng 10 ngày sau ngày 31/3 phải công bố thông tin về báo cáo tài chính). Điều này được thể hiện rõ trong mục II của Thông tư 38/2007/TT-BTC. Như vậy, một báo cáo tài chính định kỳ phải được kiểm toán thông qua và cho ý kiến. Trong trường hợp kiểm toán có ý kiến không chấp nhận hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất thì theo Điều 17, Quy chế niêm yết, chứng khoán sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc. Vấn đề ở đây là cần hiểu thế nào về một báo cáo tài chính đã được kiểm toán thông qua? Theo cách hiểu của Quy chế niêm yết chứng khoán, một báo cáo tài chính được kiểm toán thông qua hoặc cho ý kiến phải thể hiện sự chấp nhận toàn bộ báo cáo tài chính. Trường hợp ý kiến kiểm toán chấp nhận có ngoại trừ thì khoản ngoại trừ phải là không trọng yếu và phải có tài liệu giải thích hợp lý về cơ sở cho việc ngoại trừ đó. Những quy định này là rất chặt chẽ và bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của các cổ đông trong vấn đề giám sát tình hình tài chính của DN.

Trở lại trường hợp BBT. Đọc Công văn giải trình kiểm toán năm 2007 của AISC, nhiều người giật mình khi thấy những khoản ngoại trừ trọng yếu tác động rất lớn đến kết quả kinh doanh của BBT. Đến đây, nhà đầu tư tự hỏi, với việc loại trừ nhiều khoản mục như vậy, làm thế nào để có cái nhìn chuẩn xác về tình hình tài chính của BBT? Bên cạnh đó, theo Quy chế niêm yết chứng khoán, Điều 19 quy định: một chứng khoán bị kiểm soát nếu tổ chức niêm yết không chấp hành đúng thời hạn công bố thông tin. Với BBT, mãi đến ngày 16/6/2008, HOSE mới đưa cổ phiếu này vào diện kiểm soát là quá trễ.

Kiểm toán hụt hơi

Vấn đề trở nên nóng hơn khi mà Công ty Kiểm toán AISC đã thông qua báo cáo kiểm toán 2006 của BBT với khoản lợi nhuận trên 2,2 tỷ đồng với nhiều điểm ngoại trừ. Và cũng chính công ty này đã ngoại trừ nhiều khoản mục trong báo cáo tài chính của BBT năm 2007. Chẳng hạn, với việc điều chỉnh hồi tố doanh thu do ghi khống từ bút toán doanh thu trên 5,3 tỷ đồng, sự không nhất quán trong các phương pháp hạch toán có lợi cho hướng giảm chi phí bút toán, những bút toán về điều chỉnh giảm khấu hao, trích lập dự phòng làm cho BBT có khoản lợi nhuận trên. Nguyên tắc cơ bản trong nghề là đảm bảo tính trung thực, nhưng báo cáo kiểm toán năm 2006 của BBT đã không làm được.

Việc điều chỉnh lợi nhuận BBT năm 2006 của AISC là hoàn toàn hợp lý từ những ngoại trừ trong hồ sơ kiểm toán 2006, họ đã chấp nhận đối mặt với vấn đề áp lực thị trường. Vấn đề còn lại chính là trách nhiệm của kiểm toán 2006 đến đâu khi không hoàn thành nghĩa vụ của mình.

Thị trường còn chưa yên khi mà báo cáo kiểm toán năm 2007 còn có nhiều ngoại trừ liên quan đến tính nhạy cảm của giá trị các tài sản mà AISC đưa ra. Việc các cổ đông không thông qua phương án phát hành của BBT cũng là điều dễ hiểu khi mà những vấn đề minh bạch tài chính chưa được làm rõ để nói lên trách nhiệm của các bên liên quan.

HĐQT gật đầu

Thay mặt các cổ đông, HĐQT được bầu ra nhằm giám sát quá trình hoạt động của Công ty, thế nhưng họ, hơn ai hết chính họ, đã không thấu hiểu những thuật ngữ cơ bản trong tài chính kế toán. Trách nhiệm của HĐQT bị phớt lờ trước những điều bất ổn trong quản lý tài chính trong các báo cáo kiểm toán của DN. HĐQT “ngủ say” trong những con số của nhà quản lý, tiếp tục ban hành những nghị quyết thiếu căn cứ cho hoạt động của Công ty. Điều này càng đẩy Công ty đến bờ vực của sự phá sản. Nhìn vào Nghị quyết HĐQT trình Đại hội đồng cổ đông mà thấy ái ngại cho cách nghĩ, cách làm của HĐQT BBT. Năm 2007, BBT  dự kiến phát hành 2,16 triệu cổ phiếu huy động vốn. Số tiền dự kiến huy động sẽ sử dụng vào mục đích trả nợ vay. Kế hoạch táo bạo hơn của BBT là đầu tư bệnh viện, đầu tư tài chính trực tiếp trong phương án huy động vốn. Nội lực là cái căn cơ chưa chỉnh đốn được, lại ôm đồm những lĩnh vực mà mình không am hiểu, liệu rằng BBT có xứng đáng để bỏ vốn đầu tư? Đến đây, chắc hẳn mỗi nhà đầu tư đã có câu trả lời riêng cho mình.

Nhà quản lý bỏ chạy

Sự thoái vị của một số nhà quản lý cấp cao trong BBT đã để lại những hậu quá khó lường. Kết quả hôm này là hệ lụy của cả quá trình dài trước đây. Đơn giản từ một quyết định đầu tư của nhà quản lý mà không thẩm định phương án đầu tư cũng là trách nhiệm cần phải giải trình trước cổ đông. Một phương án vay vốn ngân hàng mà không tính đến khả năng hoàn trả, khả năng sinh lời cũng là trách nhiệm cần giải trình của những người đã "dứt áo" ra đi khỏi BBT. Cổ đông có quyền hồi tố trách nhiệm của những người này. Cách hành xử đầy bức xúc của ông Tổng giám đốc BBT hiện tại không lấy gì làm lạ khi ông phải đối mặt với một bãi chiến trường của những người tiền nhiệm. Bên cạnh những bộn bề trước mắt tại BBT, còn có một công việc quan trọng là mổ xẻ trách nhiệm của những người tiền nhiệm và thảo luận về phương án tái cấu trúc Công ty trong thời gian tới. Thương hiệu Bông Bạch Tuyết đã từng rất gần gũi với người tiêu dùng và không đáng bị mất đi…

Lê Đạt Chí, Khoa Tài chính doanh nghiệp, Trường đại học Kinh tế TP. HCM
Lê Đạt Chí, Khoa Tài chính doanh nghiệp, Trường đại học Kinh tế TP. HCM

Tin cùng chuyên mục