DN đang hiểu như thế nào về môi trường kinh doanh?
Theo khảo sát của HNX, 60% DN cho rằng, quy định pháp lý còn chưa sát với thực tiễn DN và TTCK; 57% các DN trả lời rằng, môi trường kinh doanh cần cải thiện để giúp DN phát triển; 56% DN cho biết khó tìm nhân sự tốt với chi phí hợp lý, khó tìm thành viên HĐQT độc lập…
Về vấn đề hội nhập, 61% DN cho rằng, vấn đề quan trọng nhất để hội nhập là DN phải chuẩn bị một chiến lược phát triển dài hạn. 20% DN cho rằng, cần có thông tin để hiểu biết về đối thủ cạnh tranh nước ngoài/thị trường nước ngoài và chỉ có 1% DN cho biết, họ không quan tâm gì đến hội nhập.
Về mô hình quản trị hiệu quả, mô hình được các DN lựa chọn nhiều nhất (43%) là mô hình 1 cấp, tức là tiểu ban kiểm toán thuộc Hội đồng quản trị. Trong khi đó, mô hình đang thịnh hành trong các DN Việt Nam hiện nay (1 người quyết định toàn bộ) lại chỉ được 20% DN tham gia khảo sát lựa chọn.
Liên quan đến nỗ lực công bố thông tin và minh bạch, điểm yếu nhất của các DN niêm yết hiện nay là phần công bố thông tin bằng tiếng Anh. 45% DN cho biết, họ không làm nổi việc này vì không sắp xếp được nhân sự. Có 27% DN cho rằng, thời điểm này, việc công bố thông tin bằng tiếng Anh của DN là không cần thiết và chỉ có 13% DN cho rằng họ không có cản trở, khó khăn gì lớn trong việc thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Trong khi các DN chia sẻ nhận thức của mình về môi trường kinh doanh và dần nhận rõ giá trị của việc tuân thủ nghĩa vụ công bố thông tin và minh bạch, thì ở vai trò người tổ chức thị trường, HNX cũng đưa ra những thống kê khá thú vị về chất lượng hoạt động của DN.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm nay, trên HNX có 307 DN niêm yết (chiếm 86,5%) kinh doanh có lãi, với tổng giá trị lãi là 7.245 tỷ đồng, tăng 24,2% so với 6 tháng năm 2014. Trong khi đó, chỉ có 48 DN còn lỗ, với tổng giá trị lỗ là 357 tỷ đồng, giảm 50,3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Nguyễn Vũ Quang Trung, bức tranh sức khỏe doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, nhiều DN thoát khỏi khủng hoảng, khó khăn chuyển sang làm ăn có lãi. Điều đáng mừng là tỷ lệ công bố thông tin của DN đúng quy định ngày càng cao (đạt trên 98%) và đầu tư nước ngoài được duy trì. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, theo ông Trung vẫn là những khó khăn, thách thức mà DN phải vượt qua khi TTCK chưa thật sự thuận lợi, việc huy động vốn không dễ dàng…
Thực tế này, đặt trong bối cảnh môi trường pháp lý đang có sự thay đổi rất mạnh với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Nghị định 60 của Chính phủ và đặc biệt là tiến trình hội nhập đang ngày càng sâu rộng (ngày 5/10/2015, Bộ trưởng của 12 nước trong đó có Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức tuyên bố kết thúc đàm phán. TPP), buộc các DN phải hiểu luật và tìm cách thích ứng, mới có thể tồn tại và phát triển.
Chia sẻ với các DN, ông Trung cho rằng, để xác lập khả năng phát triển bền vững trong môi trường mới, cần tạo dựng thúc đẩy mối quan hệ bền chặt giữa 3 chủ thể: môi trường thân thiện/doanh nghiệp chất lượng và nhà đầu tư hiểu biết.
Đối với cơ quan quản lý TTCK, thực tế, việc chưa có các văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể nhiều khi tạo nên sự khó khăn trong việc thực thi và xử lý thống nhất các hoạt động trên TTCK. Tuy nhiên, ông Trung cho rằng, việc xây dựng các DN chất lượng là mục tiêu hàng đầu trong công cuộc đẩy mạnh phát triển TTCK Việt Nam.
Việc xây dựng một môi trường pháp lý minh bạch - thân thiện đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều bộ, ngành, của Chính phủ, sẽ không chỉ giúp các cơ quan quản lý dễ dàng trong việc quản lý, hướng dẫn các đối tượng tham gia thị trường mà còn góp phần rất lớn trong quá trình nâng hạng thị trường.
Đối với DN, hoạt động trong môi trường pháp lý minh bạch (không chỉ DN niêm yết, DN đại chúng phải minh bạch thông tin, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 83/2015/NĐ-CP buộc các DNNN cũng phải minh bạch thông tin), sẽ buộc các DN phải công khai thông tin về tài chính, quản trị một cách chính xác, tức thời. Hệ quả của nỗ lực này là thu hút các NĐT tiềm năng, chiến lược quan tâm đến DN và nếu DN làm tốt, DN sẽ có nhiều cơ hội để thu hút vốn, mở rộng sản xuất - kinh doanh.
Theo ông Trung, môi trường pháp lý thân thiện sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc thu hút các NĐT, đặc biệt là NĐT nước ngoài - những tổ chức, cá nhân luôn đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng, nhưng còn chưa được Nhà nước tạo nhiều điều kiện để đầu tư mạnh vào TTCK trong những năm trước đây.
Một giá trị vô hình khác đến với DN khi DN buộc phải minh bạch, đó là áp lực từ nhà đầu tư. Với sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo động lực cho DN phải tìm cách sử dụng vốn hiệu quả, khai thác tối đa các nguồn lực hiện có để mang lại giá trị cho DN, cho cổ đông và đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế. Với nhà đầu tư, HNX đã và sẽ tiếp tục những nỗ lực xây dựng nên lớp nhà đầu tư hiểu biết (thông qua Góc nhà đầu tư, hội thảo, đào tạo, đẩy mạnh truyền thông qua báo chí…) để đủ sức tương tác với các DN và đưa ra các quyết định đầu tư đúng đắn trên thị trường.