Thấy gì từ các hành vi sai phạm trong giao dịch chứng khoán 2008?

(ĐTCK) Năm 2008 sắp kết thúc cũng là lúc nhìn lại hoạt động của TTCK trong năm. Bên cạnh dấu ấn về sự sụt giảm giá chứng khoán, việc nở rộ vi phạm trong giao dịch cũng là điều khá nhức nhối. Không chỉ sai phạm từ phía NĐT, DN niêm yết, các cổ đông lớn, CTCK, mà cả từ các công ty kiểm toán… Có những hành vi vi phạm cho thấy xuất phát từ nhu cầu thực tế, đòi hỏi phải sửa đổi quy định thị trường. Có những sai phạm mà người vi phạm cố tình thực hiện, do mức độ xử phạt chưa đủ sức răn đe.

"Cháy nhà" ra… vi phạm

Thị trường xuống điểm sâu đã bộc lộ ra nhiều vấn đề mà nổi cộm nhất là vi phạm của các thành viên tham gia thị trường, cũng như của các NĐT. Trong báo cáo của HASTC tại hội thảo phát triển TTCK mới đây, 10 tháng đầu năm 2008, Trung tâm đã phát hiện online trên 5.200 trường hợp NĐT thực hiện đặt mua và đặt bán một loại chứng khoán trong cùng phiên giao dịch, trong đó có gần 200 trường hợp khớp cả lệnh mua và lệnh bán. Các vi phạm thường gặp đối với cổ đông nội bộ và cổ đông lớn là báo cáo chậm, giao dịch mà không báo cáo, giao dịch vượt quá số lượng đăng ký. Tổng kết trong quý III/2008, trong tổng số 179 giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ và người có liên quan, cổ phiếu quỹ và cổ đông lớn có 95 giao dịch vi phạm chế độ công bố thông tin, chiếm 34% tổng số giao dịch của nhóm đối tượng trên.

Mặc dù thị trường trong năm qua có nhiều yếu tố không thuận lợi cho việc huy động vốn nhưng theo thống kê của UBCK, trong năm 2008, vi phạm phổ biến nhất vẫn là không tuân thủ các quy định về công ty đại chúng, chào bán chứng khoán ra công chúng; vi phạm quy định về chế độ báo và công bố thông tin của công ty đại chúng, công ty niêm yết. Vẫn xuất hiện tình trạng phát hành "chui" mà phổ biến nhất là tại các CTCP có vốn dưới 10 tỷ đồng, do các đối tượng này không bị chế tài nào cho hành vi vi phạm.

Tiếp theo là vi phạm quy định về giao dịch chứng khoán như giao dịch giả tạo; thao túng thị trường. Các CTCK - là một trong những thành viên quan trọng nhất trên thị trường nhưng cũng vi phạm các quy định về hoạt động kinh doanh chứng khoán; vi phạm quy định về chế độ báo và công bố thông tin.

Hai loại vi phạm

Từ số liệu thống kê của HASTC có thể thấy, lượng vi phạm cùng mua cùng bán một cổ phiếu trong phiên là khá phổ biến. Theo quy định, đây là hành vi tạo lập cung - cầu ảo, làm giá chứng khoán. Trên thực tế, do đã quy định về việc mua - bán chứng khoán phải có 100% tiền/chứng khoán nên quy định cấm cùng mua, cùng bán không còn phù hợp. Đây là một nhu cầu chính đáng từ thực tiễn nhằm tạo thanh khoản cũng như khuyến khích NĐT tham gia thị trường. Trước đây, UBCK đã có chủ trương cho NĐT mở nhiều tài khoản cũng như được phép cùng mua, cùng bán chứng khoán. Tuy nhiên, với sự sụt giảm sâu của TTCK, cơ quan quản lý đã dè dặt hơn trong việc triển khai các nghiệp vụ mới. Mặt khác, công nghệ tại các CTCK, trung tâm lưu ký, trung tâm thanh toán chưa đáp ứng được nếu thực hiện các nghiệp vụ mới. Vì vậy, chắc chắn loại vi phạm này sẽ vẫn tồn tại trong năm 2009.

Nếu vi phạm kể trên cho thấy đòi hỏi phải thay đổi của pháp luật cho phù hợp với yêu cầu từ thực tiễn thì vẫn còn những vi phạm do việc xử lý không nghiêm minh hoặc chế tài xử phạt quá nhẹ.

Gần đây, HOSE đã có công văn yêu cầu cổ đông nội bộ của CTCP Bóng đèn Điện Quang giải trình về việc từ ngày 4/9/2008 đến ngày 28/11/2008, bà Hồ Thị Kim Thoa, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty đã mua 62.200 cổ phiếu DQC mà không thực hiện việc báo cáo kết quả giao dịch cổ đông nội bộ. Một người đứng đầu DN và là cổ đông lớn không thể không biết những quy định khá phổ biến trên.

Một sự kiện nổi cộm trong năm qua là vụ việc tại Công ty Bông Bạch Tuyết (BBT), trong đó, hai "nhân vật" được nói nói đến nhiều là Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn (A&C) và Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ Tin học (AISC). Mặc dù báo cáo kiểm tra của Đoàn thanh tra UBCK về việc duy trì điều kiện niêm yết BBT đã chỉ rõ là hai công ty này đã có những vi phạm, nhưng trong danh sách công ty kiểm toán được chấp thuận vẫn có tên hai công ty nói trên. Trong khi UBCK có công văn khiển trách thì Bộ Tài chính cũng chỉ có công văn… phê bình.

Có thể khẳng định, hoạt động kiểm toán đóng vai trò vô cùng quan trọng trên TTCK và cách xử lý như trên khó lòng tạo tính răn đe cũng như tạo tiền lệ xấu: có vi phạm cũng không bị xử lý nặng.

Theo thống kê của UBCK, tổng số tiền phạt nộp vào ngân sách nhà nước trong năm 2008 là 3,765 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với những vụ vi phạm (phát hành tăng vốn, giao dịch thao túng thị trường, làm giá...) thì con số trên chỉ là phần rất nhỏ. Mới đây, UBCK đã được phép xử phạt tối đa 500 triệu đồng cho một hành vi vi phạm. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, bên cạnh xử lý hành chính cần quy định một số loại vi phạm trên TTCK vào Luật Hình sự, nhằm tăng tính răn đe, tuân thủ pháp luật từ các đối tượng, từng bước xây dựng một thị trường nghiêm minh, công khai, minh bạch.           

Hiền Linh
Hiền Linh

Tin cùng chuyên mục