Thấy gì sau cuộc đua “ngôi vua” của SSI và HSC?

(ĐTCK) Cuộc đua giành ngôi vị số 1 trong lĩnh vực môi giới chứng khoán giữa SSI và HSC ngày một nóng khiến thị trường căng thẳng theo.
Thấy gì sau cuộc đua “ngôi vua” của SSI và HSC?

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhiều lần lên tiếng về việc sẽ đoạt lại ngôi vị số 1 về môi giới từ tay Công ty Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) bằng những lời lẽ khiến nhiều thành viên thị trường cảm thấy không mấy bình an. Không công khai bày tỏ quan điểm đáp lại, nhưng những gì mà ban lãnh đạo SHC bày tỏ với cổ đông và nhà đầu tư cho thấy, họ không dễ gì để tuột khỏi tay mình ngôi vị số 1 mà họ đã giành được từ SSI.

Kẻ tám lạng…

Môi giới là nghiệp vụ quan trọng và được nhà đầu tư quan tâm nhất ở một công ty chứng khoán. Bởi vậy, thị phần về môi giới là yếu tố bất mà cứ công ty nào cũng phải quan tâm. Nếu tính chung trên cả 2 sàn thì ngay từ quý I/2012, HSC đã đạt ngôi số 1 về môi giới, tuy SSI vẫn đứng đầu tại sàn HOSE. Nhưng từ quý II/2012, HSC đã thực sự soán ngôi SSI để vươn lên vị trí dẫn đầu về thị phần môi giới tính trên cả 2 sàn HOSE và HNX.

Giải thích cho việc mất ngôi này, trong báo cáo thường niên 2012 ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI, giải thích một cách không mấy khiêm tốn là “nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng, SSI áp dụng chính sách thận trọng, chấp nhận lùi một bước về thị phần môi giới”. Trả lời báo giới, ông Hưng cũng cho cảm giác về một cách “công kích” gián tiếp đối thủ. “Quan điểm của tôi là làm sao cho các nhà đầu tư tham gia phải kiếm được tiền. Trong thời điểm hiện tại, công ty nào có thị phần môi giới cá nhân càng cao thì xác suất mất uy tín trong tương lai càng lớn, vì ai đầu tư cũng mất tiền”.

Trên thực tế, SSI là công ty chứng khoán lâu đời và trường vốn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với vốn điều lệ tính đến thời điểm hiện tại là 3.537 tỷ đồng. Mất ngôi số 1, nhưng SSI vẫn tỏ ra tự tin khi duy trì vị trí số 1 trong thị phần môi giới khách hàng nước ngoài, với trên 30% thị phần. “SSI không giữ vị trí số 1 về thị phần môi giới, nhưng doanh thu từ môi giới của SSI vẫn giữ vị trí số 1”, ông Hưng trả lời chất vấn của cổ đông.

Tính đến cuối năm 2012, SSI có gần 60.000 tài khoản giao dịch, trong đó gần 100 khách hàng tổ chức, hơn 60% tài khoản mở mới trong năm 2012 đã thực hiện giao dịch. Mục tiêu lãnh đạo công ty này đặt ra trong năm 2013 là phấn đấu giành lại vị trí số 1 về thị phần môi giới tại HOSE và tiếp tục duy trì vị trí số 1 về thị phần môi giới khách hàng nước ngoài tại đây, số lượng tài khoản mở mới tăng 10% so với năm 2012. Để làm được điều này, SSI sẽ đi bằng 2 chân.

Đối với mảng khách hàng là tổ chức nước ngoài, họ chú trọng phát triển khách hàng mới tại các thị trường Mỹ, Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản và châu Âu; duy trì mối quan hệ tốt với International Brokers, Global Custodian. Đối với mảng khách hàng cá nhân và tổ chức trong nước, họ đặt mục tiêu tăng trưởng thị phần hơn 30% bằng cách đẩy mạnh việc phát triển khách hàng tại các thành phố lớn như: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và mở rộng khách hàng tại các tỉnh thành phố tiềm năng như: Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Cần Thơ.

Người nửa cân

Nói về năm 2012, trong Thông điệp của Tổng giám đốc tại Báo cáo thường niên HSC 2012, Tổng giám đốc HSC Johan Nyneve nhận định: đó là “một năm đắc lợi” của công ty. HSC cho biết, đến cuối quý I/2012, thị phần môi giới của công ty đã tăng tới 40%. Như một câu trả lời cho câu hỏi liệu khách hàng của HSC có càng đầu tư càng lỗ lớn hay không, bản Thông điệp viết: “Nhiều danh mục đầu tư của khách hàng đã đạt lợi nhuận cao hơn mức tăng của VN-Index”.

Cơ cấu khách hàng của HSC cho thấy, sự phát triển khá bền vững với 7 phần là khách hàng cá nhân và 3 phần là khách hàng tổ chức, trong đó thị phần đối với khách hàng tổ chức nước ngoài là 24%. Cả 2 mảng môi giới khách hàng cá nhân và tổ chức đều có mức gia tăng đáng kể trong năm 2012. Kết quả là thị phần bình quân cả năm đạt 10,2%, tăng 42% so với năm 2011.

Đáng chú ý, khối cá nhân tăng trưởng 53%, vượt 28% kế hoạch đề ra. Thị phần của khối khách hàng tổ chức cũng tăng mạnh, từ 18% trong tổng khối lượng giao dịch khách hàng nước ngoài năm 2011 lên đến 25% năm 2012. Bí quyết của HSC là chú trọng đáp ứng nhu cầu khách hàng và chiến lược đầu tư dài hạn vào công nghệ thông tin, phân tích và dịch vụ giao dịch từ những năm trước. Trong đó quan trọng nhất là nguyên tắc “cung cấp sản phẩm khách hàng cần, chứ không phải sản phẩm mình có”.

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, duy trì ngôi vương là đầy thách thức. Chính HSC nhận xét rằng, “những đặc điểm về mô hình kinh doanh và năng lực phục vụ khách hàng mà HSC gây dựng trong suốt hai năm vừa qua ít nhiều đã trở thành thông dụng trên thị trường và bị sao chép bởi các đối thủ cạnh tranh”.
Để không bị lạc hậu và duy trì sự khác biệt, HSC sẽ ưu tiên đầu tư cho bộ phận nghiên cứu, phân tích để cung cấp thông tin tốt hơn cho nhà đầu tư; nâng cao năng lực thực hiện và xử lý giao dịch; cải thiện dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Về cơ cấu khách hàng cá nhân, bên cạnh thu hút mới, HSC sẽ tận dụng xu thế chuyển dịch khách hàng từ các công ty chứng khoán khác. Với khách hàng tổ chức nước ngoài, bên cạnh thị trường Mỹ, họ sẽ tiếp cận thị trường châu Âu và châu Á – Thái Bình Dương.

Phía sau đường đua

Để giành vị trí số 1, cả hai ông lớn đều có những thế mạnh như nguồn vốn lớn giúp đáp ứng nhu cầu khách hàng và các giao dịch có giá trị lớn, đều đã kết nối trực tiếp với các mạng thông tin quốc tế thông qua giao thức FIX… Thông thường khách hàng sẽ hưởng lợi khi có cạnh tranh trên thị trường. Song với thị trường Việt Nam, cuộc đua không khoan nhượng giữa các công ty chứng khoán lớn cũng đặt ra nhiều vấn đề cần suy ngẫm.

Thứ nhất, liệu đặt ra mục tiêu tham vọng về thu hút khách hàng lại nắm trong tay nguồn vốn dồi dào, danh mục chứng khoán tự doanh lớn, có dẫn tới việc công ty tung ra các sản phẩm đòn bẩy, hỗ trợ giao dịch “lách luật”.

Thị trường đã chao đảo và tụt dốc thê thảm trong suốt 3 năm qua có một phần nguyên nhân từ sự lũng đoạn và vi phạm các quy định pháp lý của các công ty chứng khoán một thời. Nhiều tên tuổi đã giành thị phần bằng những chiêu trò như giao dịch ngày T, bán khống… và hiện đang phải trả giá bằng những khoản thua lỗ hoặc nợ khó đòi khổng lồ, song nhiều nhà đầu tư chân chính cũng thua lỗ do tình trạng mất công bằng trên thị trường và từ đó mất niềm tin vào kênh đầu tư này. Rất có thể công ty chứng khoán nói rằng họ không ủng hộ cho những hành vi trên, nhưng vì áp lực doanh số và năng suất lao động, môi giới sẵn sàng lách luật và công ty chứng khoán trên thực tế cũng làm ngơ cho việc làm này. Trong việc tạo ra các sản phẩm giao dịch mới, ranh giới giữa đúng và sai rất khó xác định, nhất là khi các quy định pháp lý nhiều khi không theo kịp thị trường. Trong năm 2013, hai sản phẩm được kỳ vọng nhiều là sản phẩm đầu tư theo chỉ số ETF và cho vay chứng khoán…

Tuy nhiên, đây là những sản phẩm bậc cao, áp dụng nó đòi hỏi trình độ và cả cái tâm của nhà cung cấp dịch vụ, môi giới rất lớn. Nếu không nhà đầu tư rất dễ thua lỗ.

Thứ hai, vừa cung cấp dịch vụ môi giới cho nhà đầu tư, vừa tham gia tự doanh rất lớn trên sàn, các công ty chứng khoán lớn sẽ kiểm soát chất lượng tư vấn đầu tư chứng khoán cho nhà đầu tư như thế nào để không vì quyền lợi của mình mà phương hại đến lợi ích nhà đầu tư? Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo SSI cho biết, môi giới SSI chỉ tư vấn các chỉ tiêu cơ bản để nhà đầu tư xem xét và tự quyết định. Cạnh tranh về thông tin đóng vai trò quan trọng, nếu ông chủ tịch nói vậy, sức mạnh cạnh tranh của công ty chứng khoán lớn sẽ bị đánh giá thấp, không thu hút được nhà đầu tư và trên thực tế những chỉ tiêu cơ bản như vậy nhà đầu tư cũng hiếm khi cần. Mua mã này, bán mã kia, thông tin chính sách… vẫn là những thông số môi giới rỉ tai với nhà đầu tư hàng ngày.

Sau quý I/2013, HSC vẫn giữ vững vị trí số 1về môi giới, SSI vẫn lớn tiếng về mục tiêu đầy tham vọng. Cuộc đua giữa hai đại gia đang âm thầm và quyết liệt. Chiến thắng rút cuộc thuộc về ai chăng nữa thì điều quan trọng nhất vẫn là công ty nào giành được vị trí quán quân, đồng thời có được sự yêu thích của đông đảo nhà đầu tư. Chỉ khi ấy ngôi vị số 1 mới bền vững.


(Doanh Nhân)

Tin cùng chuyên mục