Thấy gì qua cơ chế lãi suất mới?

(ĐTCK-online) 100% lãnh đạo ngân hàng trong cuộc họp cuối tuần qua với NHNN đều đánh giá cao cơ chế lãi suất mới, điều này chứng tỏ hoạt động kinh doanh của ngân hàng tới đây chủ động, linh hoạt hơn và quan trọng nhất là bớt lo về tính thanh khoản. Một cuộc đua lãi suất trong vòng kiểm soát là điều khó tránh khỏi, vậy cơ chế mới sẽ tác động thế nào tới các ngân hàng, bà Lê Thị Tuấn Nghĩa, Phó chủ nhiệm Khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng đã trao đổi với ĐTCK về vấn đề này.
Bà Lê Thị Tuấn Nghĩa.

Theo bà, cơ chế điều hành lãi suất theo lãi suất cơ bản đem lại những thuận lợi và có thể gây ra khó khăn gì cho hệ thống NHTM hiện nay?

Cơ chế lãi suất mới tạo ra những thuận lợi cho hệ thống NHTM hiện nay. Cụ thể, cơ chế mới vừa tạo sự chủ động cho các NHTM khi đưa ra mức lãi suất kinh doanh của mình, vừa tạo nên một mặt bằng lãi suất tương đối ổn định vì lãi suất cơ bản được NHNN thông báo trên cơ sở lãi suất thị trường nội tệ liên ngân hàng, lãi suất nghiệp vụ thị trường mở của NHNN, lãi suất huy động đầu vào của tổ chức tín dụng và xu hướng biến động cung - cầu vốn, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong ngắn hạn. Các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh (lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay) bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng theo nguyên tắc lãi suất kinh doanh không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do NHNN công bố áp dụng trong từng thời kỳ.

Tuy nhiên, nếu NHNN xác định lãi suất cơ bản không phù hợp sẽ làm cho lãi suất kinh doanh của các NHTM không phản ánh đúng quan hệ cung - cầu, gây khó khăn trong huy động vốn, dẫn đến thiếu vốn để đáp ứng nhu cầu vay trên thị trường (khi lãi suất cơ bản được xác định thấp).

 

Ngay sau khi cơ chế trên có hiệu lực, lãi suất huy động trên thị trường đã lên tới trên dưới 15%/năm. Theo bà, liệu có tái diễn cuộc đua lãi suất và nếu có, ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng gì?

Theo cơ chế lãi suất hiện hành, với lãi suất cơ bản được công bố hiện nay là 12%/năm, trần lãi suất huy động 12% được dỡ bỏ, hầu hết NHTM đều đã tăng lãi suất huy động nhằm thu hút vốn. Trên thực tế, đã tái diễn cuộc đua lãi suất, nhưng mức chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng thấp hơn so với đầu năm 2008, do bị khống chế  bởi lãi suất cơ bản và giới hạn 150%.

Việc tăng lãi suất sẽ giúp các ngân hàng tăng cường huy động vốn để kinh doanh. Đồng thời, cũng làm tăng chi phí cho các ngân hàng do phải trả lãi huy động vốn cao, tăng chi phí hoạt động bởi khách hàng rút các khoản tiền gửi có lãi suất thấp để gửi mới nhằm hưởng lãi suất cao hơn. Các ngân hàng cũng sẽ gặp khó khăn trong việc lựa chọn khách hàng vay an toàn với lãi suất cho vay cao, khó dự đoán thu nhập từ hoạt động tín dụng và có thể dẫn đến rủi ro lãi suất, nếu thời hạn huy động vốn bình quân ngắn hơn thời hạn cho vay.

 

Cơ chế điều hành mới sẽ thanh lọc ngân hàng yếu kém, bà nghĩ sao về ý kiến này?

Trong thời gian tới, ngân hàng có nội lực yếu có thể gặp khó khăn về thanh khoản nếu quản trị tài sản có không tốt. Tuy nhiên, NHNN sẽ theo dõi chặt chẽ và có sự chấn chỉnh kịp thời các ngân hàng này.

 

Khống chế lãi suất cho vay 18%/năm, liệu có tình trạng ngân hàng lách luật bằng cách tính thêm các loại phí vào hợp đồng cho vay vốn?

Các NHTM có thể tính thêm các chi phí liên quan đến khoản vay theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, NHNN sẽ điều chỉnh  lãi suất cơ bản theo mức lãi suất liên ngân hàng và kéo theo là lãi suất kinh doanh của ngân hàng cho phù hợp quan hệ cung cầu về vốn trên thị trường.

 

Thị trường tiền tệ sẽ ra sao nếu như lãi suất liên tục tăng vọt dưới áp lực của lạm phát?

Về mặt lý thuyết, khi lãi suất thị trường tăng, các ngân hàng dễ dàng hơn trong việc huy động vốn, cung về vốn trên thị trường tiền tệ sẽ tăng, cầu về vốn giảm. Do vậy, thị trường tiền tệ sẽ bớt căng thẳng hơn. Lãi suất tăng cũng có tác động làm giảm mức cung tiền tệ, hạn chế nhu cầu vay vốn và tiêu dùng, giảm tổng mức cầu từ đó kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ.

 

Bà nhận xét gì về lợi nhuận của ngân hàng trong năm nay, khi chi phí huy động vốn tăng cao và tăng trưởng tín dụng bị khống chế 30%?

Lợi nhuận của hầu hết ngân hàng sẽ giảm sút vì chi phí huy động vốn cao, tốc độ tăng quy mô tín dụng bị hạn chế, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động thấp.

Thủy Nguyễn thực hiện.
Thủy Nguyễn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục