
Kết quả nghiên cứu mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường Taylor Nelson Sofres Việt Nam cho thấy, khoảng 95% người tiêu dùng Việt Nam thừa nhận bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Chính vì thế, những người thu nhập thấp (dưới 3,5 triệu đồng/tháng) đã mua sắm ít hơn 17,2% so với trước. Đặc biệt, khoảng 70% người tiêu dùng đang chuyển sang sử dụng các nhãn hàng rẻ hơn của sản phẩm cùng loại, thay vì trung thành với nhãn hiệu cũ. Thậm chí, nhiều người còn mong muốn mua lượng hàng ít với giá thấp hơn.
Ông Ralf Matthaes, Giám đốc điều hành Taylor Nelson Sofres Việt Nam cho biết, mức độ ưu tiên mua sắm thực phẩm thiết yếu đã tăng 2,4% so với năm ngoái, đạt 75,5% so với mức 73,1% trong năm 2007. Đồng thời, hiện người tiêu dùng cũng giảm chi tiêu đáng kể cho các mặt hàng còn lại. Chẳng hạn, mặt hàng chăm sóc cá nhân từ 17,3% giảm còn 15,4% và đồ tiêu dùng trong nhà từ 9,6% giảm còn 9,1%.
Nhưng Phó tổng giám đốc Pepsi Việt Nam Lê Trung Thành cho rằng, bối cảnh lạm phát vẫn là cơ hội tốt để kinh doanh đối với các nhóm ngành hàng nhạy cảm đang có sức mua giảm ít, thậm chí giảm mạnh. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Vinacafe Biên Hòa cho biết, lạm phát làm chi phí đầu vào tăng 25 - 30% so với trước, nhưng Công ty không tăng giá nhằm kích cầu tiêu dùng. Không tăng giá nên Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận thấp hơn, không tăng cường phát triển thị trường, đầu tư chậm lại ở khâu phát triển thượng hiệu, marketing. Ngoài ra, Công ty tập trung vào khâu sản xuất, công nghệ như xử lý kỹ thuật tốt, với kỹ thuật đóng gói mới, tỷ lệ bao bì hư hỏng và hao hụt sản phẩm cũng giảm đi.
Theo ông Võ Đông Huân, Trưởng bộ phận hệ thống siêu thị CTCP Ace Cook, trong bối cảnh lạm phát cao, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang dùng sản phẩm cùng loại có giá rẻ hơn. Chính vì thế, Công ty đã tung ra thị trường những sản phẩm mới có chất lượng cạnh tranh, nhưng giá chỉ 15.000 đồng/gói, trong khi hàng nhập khẩu có giá cao gần gấp 3 lần, 35.000 - 38.000 đồng/gói. "Tốc độ và doanh số bán hàng vẫn đảm bảo so với kế hoạch. Riêng ở kênh phân phối siêu thị, mãi lực đang tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái", ông Huân cho biết.
Ông Ralf Matthaes nhận định, thương hiệu nội thường được người tiêu dùng lựa chọn trong thời kỳ lạm phát cao vì hàng nội giá thường rẻ hơn, nhất là những mặt hàng có thương hiệu như: Vinamilk, Tràng Tiền, Maggi, Twister, Vĩnh Huê, Chinsu, Aji Ngon... Nếu biết nắm bắt cơ hội, các DN vẫn có được kết quả kinh doanh mong muốn.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA), lạm phát còn là cơ hội tốt để các DN Việt Nam thay đổi xu hướng của người tiêu dùng trong nước. Trong 3 tháng tới, BSA sẽ cùng các DN thực hiện chương trình Hàng Việt vì người Việt cùng vượt qua thời lạm phát. "Hiện đã qua giai đoạn kêu gọi người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, mà trước tiên, DN Việt Nam phải vì người tiêu dùng Việt Nam", bà Hạnh nói.