Như vậy là không trúng, mà phải đối thoại theo nguyên tắc hai bên cùng có lợi, hướng tới mục tiêu chung là nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và giá trị thương hiệu quốc gia” và kêu gọi các địa phương thay đổi cách thức đối thoại với doanh nghiệp.
Trao đổi với phóng viên mới đây, Phó Thủ tướng cũng bày tỏ: “Bây giờ, gặp các doanh nghiệp mà chỉ nói đến tháo gỡ khó khăn thì người ta (doanh nghiệp - PV) không thích lắm đâu”.
Theo ông Huệ, có ba điều mà các doanh nghiệp có khả năng tài chính lành mạnh cần là: chính quyền phải tạo thuận lợi về thương mại; chịu chi phí thấp về sản xuất, giá vốn và môi trường kinh doanh ít rủi ro pháp lý.
Xuất phát từ đòi hỏi chính đáng đó của cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ đã quyết định đổi tên Ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN và cơ chế một cửa quốc gia thành Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại.
Bên cạnh việc tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cần đảm bảo tối đa tính thị trường trong nền kinh tế, mà cụ thể là khơi thông 5 thị trường chính: tài chính, hàng hóa - dịch vụ, thị trường lao động, khoa học công nghệ, bất động sản.
“Đây là các yếu tố cơ bản để đảm bảo sự vận hành hiệu quả của nền kinh tế. Nếu doanh nghiệp thành lập ra nhiều, mà các thị trường không được khơi thông thì không ổn”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Đồng hành, chứ không “hành” doanh nghiệp
Liên quan tới chủ trương tạo thuận lợi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp, thủ tục thông quan hàng hóa hiện đã được rút gọn, tạo độ thông thoáng hơn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong việc thực hiện các thủ tục thông quan, tăng cường công tác hậu kiểm.
Mục tiêu của ngành hải quan là trong năm nay rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới còn 70 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu và 90 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu.
Tuy nhiên, có một thực tế là hiện vẫn còn 73 thủ tục hải quan kiểm tra chuyên ngành chưa được các bộ sửa đổi đúng hạn theo tinh thần Nghị quyết 19/2015 của Chính phủ và Quyết định 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 phê duyệt Đề án “Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu”.
Trong khi đó, thời gian thông quan của hàng hóa có tác động không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bởi theo tính toán, thời gian làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn chiếm đến 72% tổng thời gian giải phóng hàng.
Nguyên nhân của việc chậm sửa đổi các thủ tục kiểm tra chuyên ngành này hệ thống các văn bản pháp luật liên quan trùng chéo, phức tạp. Việc xin giấy phép, cấp giấy chứng nhận, đăng ký kiểm tra, trả kết quả chủ yếu được thực hiện theo phương pháp thủ công.
Cơ quan hải quan chưa áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong việc phân tích đánh giá thông tin về doanh nghiệp, dẫn đến kiểm tra nhiều, kiểm tra trùng lắp. Sự phối hợp, trao đổi thông tin về kết quả kiểm tra chuyên ngành giữa các cơ quan, đơn vị liên quan cũng còn nhiều hạn chế, kéo dài thời gian giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp.
Để sớm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, trong khi Quốc hội còn chưa chấp thuận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại sẽ quyết liệt chỉ đạo thực hiện đơn giản hóa 73 thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Đồng thời yêu cầu các bộ liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Y tế… có báo cáo tới cộng đồng doanh nghiệp về tình hình thực hiện tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp lần thứ 2.
Khích lệ những ý tưởng kinh doanh táo bạo
Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết số 35 về phát triển doanh nghiệp là xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp - sáng tạo ở trong nước.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35, Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025". Đây là những căn cứ quan trọng để thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Sự hình thành các quỹ khởi nghiệp sáng tạo, vườn ươm doanh nghiệp là những thành tố quan trọng của hệ sinh thái này.
Trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ sẽ xây dựng Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ này chỉ tập trung đầu tư, tài trợ cho các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo - là giai đoạn khó khăn, nhiều rủi ro nên không tìm được các nguồn vốn từ phía các ngân hàng thương mại. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính chủ trì việc xây dựng cơ chế hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng, trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, pháp luật cần có ứng xử “ngoại lệ”, không “hình sự hóa” các quyết định đầu tư vốn (có nguồn từ ngân sách nhà nước) vào các ý tưởng kinh doanh sáng tạo bị thất bại ở khâu thương mại hóa vì đây là cuộc chơi “5 ăn, 5 thua”. Nhưng nếu ý tưởng được ươm tạo thành công thì lợi nhuận thu về cho Nhà nước và doanh nghiệp sẽ rất lớn. Làm được như vậy sẽ là chỗ dựa vững chắc cho các ý tưởng và quyết định táo bạo trong khởi sự kinh doanh.
Cùng với việc phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm, tới đây, nghị định về bảo lãnh tín dụng được xây dựng và ban hành. Nghị định này được Chính phủ xây dựng và ban hành song song với việc Quốc hội thông qua dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm tăng cường nguồn lực tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn.
Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ có nhu cầu vay vốn, có khả năng phát triển nhưng không đủ điều kiện về tài sản bảo đảm có thể tiếp cận được nguồn vốn cần thiết từ ngân hàng thương mại với mức phí bảo lãnh phù hợp.