1 Toàn Mỹ đổi 2 Sơn Hà
Theo phương án sáp nhập, Sơn Hà dự kiến phát hành thêm 18 triệu cổ phiếu nhằm thực hiện hoán đổi cổ phần cho cổ đông hiện hữu của Toàn Mỹ.
Tỷ lệ thực hiện là 1:2 (mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phần Toàn Mỹ tại thời điểm chốt quyền sẽ được đổi lấy 2 cổ phần của Sơn Hà).
Sau khi hoán đổi cổ phiếu, Toàn Mỹ sẽ trở thành công ty con của Sơn Hà, hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
Lý giải về mục tiêu sáp nhập với Toàn Mỹ, đại diện Sơn Hà cho biết, việc thâu tóm thành công Toàn Mỹ sẽ giúp Sơn Hà mở rộng và phát triển thị trường phía Nam, tận dụng lợi thế sẵn có về năng lực sản xuất, hệ thống phân phối và thương hiệu của Toàn Mỹ tại phía Nam.
Ngoài ra, việc sáp nhập còn tạo ra lợi thế kinh tế cho cả 2 đơn vị nhờ nâng cao quy mô sản xuất, thị phần cũng như mở rộng hệ thống phân phối các sản phẩm của Sơn Hà tại thị trường phía Nam.
So với Toàn Mỹ, Sơn Hà nổi trội hơn hẳn về quy mô, với tổng tài sản đang ở mức 2.736 tỷ đồng, trong khi của Toàn Mỹ là 209,8 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Sơn Hà là 845 tỷ đồng, lớn gấp hơn 8 lần so với vốn chủ sở hữu của Toàn Mỹ với 99 tỷ đồng.
Hệ thống phân phối của Toàn Mỹ đã có hơn 20 chi nhánh, cửa hàng tại hầu hết các thành phố lớn và hơn 600 đại lý trên toàn quốc. Trong khi đó, Sơn Hà hiện có hơn 5.000 đại lý, 112 chi nhánh và 60 nhà phân phối…
Như vậy, sau khi đã thâu tóm thành công thương hiệu Trường Tuyền hồi giữa năm 2017 và sắp tới là Toàn Mỹ, Sơn Hà đã thực sự trở thành một “gã bạch tuộc” vươn dài thế lực khắp trong Nam ngoài Bắc, với 9 nhà máy trên toàn quốc, cùng hàng trăm chi nhánh và hơn 30.000 đại lý.
Giá mua đắt hay rẻ?
Xét về quy mô, sức mạnh, Sơn Hà có vẻ vượt trội hơn so với Toàn Mỹ, vậy tại sao Sơn Hà lại chấp nhận việc hoán đổi 1 cổ phiếu Toàn Mỹ lấy 2 cổ phiếu Sơn Hà?
Giải thích về việc này, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Sơn Hà cho biết, Toàn Mỹ là một thương hiệu rất mạnh ở khu vực miền Nam. Công ty này từng có thời kỳ vươn ra phát triển rất mạnh cả ở thị trường miền Bắc.
Tuy nhiên, công ty này đã có một sai lầm trong sử dụng chất liệu inox không đạt chuẩn và đã bị các đối thủ cạnh tranh phát giác. Theo đó, Toàn Mỹ bị rơi vào khủng hoảng và “vỡ trận” tại miền Bắc, buộc phải thu quân về giữ trận địa tại thị trường miền Nam.
Tuy nhiên, Toàn Mỹ hiện vẫn là thương hiệu được người tiêu dùng miền Nam đánh giá cao. Sản phẩm của Toàn Mỹ nằm ở phân khúc cao cấp, trong khi sản phẩm của Sơn Hà chỉ nằm ở phân khúc trung cấp, vì thế hàng của Toàn Mỹ bán trên thị trường luôn có giá cao hơn so với sản phẩm của Sơn Hà.
Đây cũng là lý do mà Sơn Hà muốn mua lại Toàn Mỹ, dù đã hoàn tất việc thâu tóm một thương hiệu khác về bồn nước không gỉ tại khu vực phía Nam là Trường Tuyền.
Ông Sơn cho biết, đưa ra phương án hoán đổi khi sáp nhập với Hoàn Mỹ, HĐQT đã cân nhắc nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó việc cần có quyết định kịp thời để chớp thời cơ mua được Toàn Mỹ cũng có ý nghĩa rất quan trọng.
“Do đó, để trả lời câu hỏi rằng, giá mua như vậy có đắt không, thì tôi cho là rẻ. Nếu thương vụ thành công, thì Sơn Hà không những mở toang được cánh cửa rộng lớn bước vào phía Nam, mà còn loại bớt ngay được một đối thủ cạnh tranh rất mạnh”, ông Sơn giải thích.