Thất thoát vốn tại Sabeco và lời “chữa cháy” khó tin

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bị cáo Phan Chí Dũng, cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) thừa nhận có trách nhiệm quản lý vốn nhà nước tại Sabeco nhưng cho rằng, các ý kiến của bộ phận quản lý vốn mang tính chất “tham khảo”.
Bị cáo Phan Chí Dũng. Bị cáo Phan Chí Dũng.

Ngày 21/1, TAND Cấp cao tại Hà Nội xét đơn kháng cáo của 4 bị cáo trong vụ án sai phạm xảy ra tại Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát (Sabeco). Bị cáo Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công thương) có đơn xin xét xử vắng mặt.

Các bị cáo Phan Chí Dũng, cựu Vụ trưởng Vụ công nghiệp nhẹ, Lâm Nguyên Khôi (cựu Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM), Lê Quang Minh (cựu trưởng phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM) xin giảm án và xin hưởng án treo.

Mặc dù xin giảm án, song bị cáo Phan Chí Dũng cho rằng tòa sơ thẩm xét xử chưa đúng tội danh. Bị cáo thừa nhận vi phạm Nghị quyết 94 và Nghị quyết 26 của Chính phủ (cấm doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành – PV), song vi phạm không liên quan đến việc chuyển khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM) sang Sabeco Pearl và thoái vốn của Sabeco tại Sabeco Pearl.

Bị cáo Dũng giải thích, khu đất trên là tài sản nhà nước. Khi Sabeco chưa thoái vốn (trước năm 2007) thì đây là tài sản của công ty. Đến năm 2017, khi Bộ Công thương cổ phần hóa Sabeco, công ty hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, trong đó nhà nước sở hữu 89,95% vốn do Bộ Công thương là đại diện chủ sở hữu vốn. Khu đất không còn là tài sản của Sabeco mà tổng công ty thuê đất theo hình thức trả tiền hàng năm với UBND TP.HCM.

Theo bị cáo, trách nhiệm quản lý khu đất thuộc về UBND TP.HCM, Bộ Công thương không còn liên quan đến việc quản lý khu đất này.

“UBND TP.HCM chưa bao giờ giao quyền sử dụng đất cho Sabeco. Sabeco không thể mang quyền sử dụng đất đi góp vốn rồi thoái vốn và chuyển giao khu đất cho tư nhân như kết luận điều tra đã nêu. UBND TP.HCM đã giao toàn quyền sử dụng đất cho Sabeco Pearl. Theo quy định của Luật Đất đai, không cần ý kiến của Bộ Công thương. Việc giao đất không liên quan đến Bộ Công thương”, bị cáo Dũng lập luận.

Cũng theo lời bị cáo, quy định của Luật Doanh nghiệp, Điều lệ công ty thì cơ quan quyền lực cao nhất tại Sabeco là ĐHĐCĐ và HĐQT.

“Bộ Công thương là 1 cổ đông, không có quyền quyết định, điều hành. Do nhận thức được vị trí, chức năng của mình tại Sabeco, trong các văn bản của mình, Bộ Công thương gửi cho bộ phận quản lý vốn nhà nước, yêu cầu chúng tôi có ý kiến với các vấn đề liên quan. Bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco không phải là một tổ chức nằm trong cơ cấu bộ máy công ty, không có chức năng quản lý, điều hành”, bị cáo Dũng nói.

Chủ tọa hỏi lại: “Do nhà nước có vốn tại Sabeco nên sinh ra bộ phận vốn nhà nước. Theo bị cáo hiểu bộ phận này có nhiệm vụ gì?”. Bị cáo Dũng đáp: “Nhiệm vụ chính là quản lý vốn nhà nước”.

“Vốn nhà nước tại Sabeco là gì?”, bị cáo trả lời: “Theo tôi hiểu là tiền”.

Chủ tọa tiếp lời: “Vậy với thoái vốn thì sao”, bị cáo nói: “Thoái vốn nhà nước tại tổng công ty thuộc HĐQT, còn vốn của tổng công ty tại doanh nghiệp khác thì bị cáo không có chức năng xem xét".

“Bị cáo không phạm tội Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước, rõ ràng là bị oan?”, chủ tọa hỏi lại. Bị cáo Dũng: “Bị kết tội chưa đúng thôi. Nhưng bị cáo không liên quan đến quản lý tài sản tại Sabeco".

Trả lời HĐXX, bị cáo Dũng thừa nhận thời điểm đầu tư dự án tại khu đất trên, công ty chưa nộp tiền sử dụng đất. Chủ tọa nhắc: “Lẽ ra theo đúng trình tự phải thực hiện nghĩa vụ đất đai, góp vốn…. Nếu thực hiện đúng trình tự không xảy ra việc này, lý do thực hiện không đúng, các bị cáo khai có thể do nhận thức, đánh giá, ý chí chủ quan, không vụ lợi”.

Tuy nhiên, bị cáo Dũng tiếp tục “cãi”, cho rằng bộ phận quản lý vốn nhà nước đóng góp ý kiến với HĐQT. Ngay lúc này, một thẩm phán ngắt: “Hình thức là tham khảo, nhưng bản chất là chỉ đạo”.

Theo bản án sơ thẩm, bị can Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương - đang trốn nã) và bị cáo Phan Chí Dũng có hành vi giúp sức cho bị cáo Vũ Huy Hoàng.

Các bị cáo trực tiếp ký các văn bản hoặc tham mưu, đề xuất bị cáo Hoàng và lãnh đạo Bộ Công thương duyệt, ký các văn bản chấp thuận chủ trương cho Sabeco thực hiện dự án bất động sản, không phải là ngành nghề chính của công ty, chấp thuận cho liên kết thành lập công ty cổ phần làm chủ đầu tư dự án và chuyển giao khu đất cho công ty tư nhân.

Các bị cáo tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công thương chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ vốn góp của Sabeco tại Sabeco Pearl và phê duyệt giá cổ phần làm giá khởi điểm để đấu giá thấp hơn giá trị thực tế, trái pháp luật.

Hậu quả là nhà nước bị thiệt hại hơn 2.700 tỷ đồng.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục