Thắt chặt tiền tệ đã phát huy tác dụng

(ĐTCK-online) Với hàng loạt giải pháp mà Chính phủ đang chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện, đặc biệt là các giải pháp kiềm chế tốc độ tăng trưởng tín dụng nóng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu tin rằng, việc kiềm chế lạm phát sẽ thành công trong khi nền kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng.
Ông Nguyễn Văn Giàu. Ông Nguyễn Văn Giàu.

Theo ông, các giải pháp mà NHNN đang thực hiện đạt hiệu quả ở mức độ nào?

Thực tế cho thấy, các giải pháp mà NHNN triển khai từ đầu năm như nâng dự trữ bắt buộc, phát hành tín phiếu bắt buộc… nhằm giảm bớt lượng tiền trong lưu thông đã phát huy tác dụng. Cụ thể, tổng phương tiện thanh toán đã giảm xuống, tốc độ tăng trưởng tín dụng nóng đã được kiểm soát, lãi suất huy động và cho vay giảm mạnh… Kết quả là chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2008 đã có dấu hiệu chững lại. Lãi suất huy động loại tiền gửi kỳ hạn 12 tháng vào cuối quý I/2008 giảm xuống phổ biến ở mức 10,13%/năm đối với NHTM quốc doanh và 11,78%/năm đối với NHTM cổ phần. Lãi suất cho vay của NHTM quốc doanh giảm xuống ở mức bình quân vào khoảng 14,6%/năm (cho vay ngắn hạn) và 13,5% - 16,2%/năm (cho vay trung và dài hạn). Lãi suất cho vay của NHTM cổ phần tương ứng là 18,42%/năm và 21,85%/năm.

 

Những giải pháp trên đã đem lại hiệu quả nhất định, song nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) cho rằng, việc nâng dự trữ và mua tín phiếu bắt buộc đã gây khó khăn cho hoạt động ngân hàng?

Trên thực tế, có một vài TCTD gặp khó khăn nhưng tất cả các đơn vị này đều tuân thủ tuyệt đối yêu cầu của NHNN trong việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt. Tôi đánh giá cao sự hợp tác này để cùng với NHNN và các bộ, ngành thực hiện kiềm chế lạm phát ngay từ những tháng đầu năm.

Nhưng có ý kiến cho rằng, NHNN đã đưa ra các giải pháp thắt chặt tín dụng gây sốc, thậm chí giật cục đối với nền kinh tế?

Tôi cũng nghe một số người cho rằng, các chính sách thắt chặt tiền tệ của NHNN giật cục, gây sốc, nhưng theo tôi những nhận xét này không khách quan, chưa chính xác. Cụ thể, trước thực trạng chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, ngày 28/5/2007, NHNN đã ban hành Quyết định 1141/QĐ-NHNN tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên gấp đôi (từ 5% lên 10%). Và mới đây, ngày 16/1/2008, NHNN đã ban hành Quyết định 187/2008/QĐ-NHNN nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên 11% đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng. Mức dự trữ bắt buộc của Việt Nam không cao so với các nước trong khu vực nên không thể nói là gây sốc; NHNN cũng dành một khoảng thời gian nhất định để các TCTD thực hiện yêu cầu nên không thể nói là giật cục. Thực tế, với thời gian chuẩn bị không quá ngắn và mức tăng dự trữ bắt buộc không cao, tất cả các TCTD đều thực hiện nghiêm túc và không có ý kiến trái ngược nào.

 

Trung Quốc mới nâng dự trữ bắt buộc từ mức 15% lên 15,5% để kiềm chế lạm phát, vì sao NHNN không tiếp tục nâng dự trữ bắt buộc mà lại phát hành 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc, thưa ông?

TCTD chỉ là khâu trung gian của quá trình sản xuất - kinh doanh, nếu nâng dự trữ bắt buộc, TCTD sẽ nâng lãi suất cho vay vì vốn khả dụng giảm xuống. Điều này sẽ chất thêm gánh nặng cho nền kinh tế, làm giảm hiệu quả sản xuất - kinh doanh của DN. Nếu nâng dự trữ bắt buộc lên quá cao, không cẩn thận sẽ không thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát vì khi đầu vào của nền kinh tăng thì đầu ra sẽ tăng lên.

 

Tuy nhiên, việc phát hành tín phiếu bắt buộc sẽ khiến ngân sách nhà nước phải mất hàng ngàn tỷ đồng để trả lãi cho các TCTD?

Không chỉ ở Việt Nam, mà nước nào cũng vậy, khi lạm phát tăng cao, bắt buộc phải sử dụng giải pháp tiền tệ thắt chặt thì ngân sách đều phải chấp nhận phát sinh chi phí. Đối với chính sách tài khóa, để kiềm chế lạm phát, Bộ Tài chính đã giảm thuế nhập khẩu hàng loạt mặt hàng thiết yếu, trong đó có những mặt hàng đóng góp lớn vào ngân sách như xăng dầu, sắt thép… Giảm thuế cũng có nghĩa là ngân sách chấp nhận chi phí để kiềm chế lạm phát. Theo tôi, trong thời điểm hiện nay, việc NHNN lựa chọn phương án phát hành tín phiếu bắt buộc thay vì nâng tỷ lệ dữ trữ bắt buộc là phù hợp, bởi việc này đã san sẻ gánh nặng trong việc kiềm chế lạm phát cho cả 3 bên: ngân sách nhà nước  - TCTD - người vay vốn.

 

Việc thắt chặt tín dụng để kiềm chế lạm phát là phù hợp, nhưng thưa ông, việc kiềm chế tới mức người dân không thể vay được tiền để đầu tư vào bất động sản (BĐS) có hợp lý không?

Tôi khẳng định, NHNN không ban hành văn bản nào nghiêm cấm hoặc yêu cầu các TCTD hạn chế cho vay BĐS. Chính sách của NHNN là tạo dựng môi trường thúc đẩy thị trường BĐS phát triển  bền vững, nên việc hạn chế ở đây phải hiểu là hạn chế cho vay đầu cơ tạo nên cơn sốt BĐS giả tạo, chứ không thắt chặt việc cho người dân vay vốn mua BĐS để sử dụng.

 

Nhưng trên thực tế, nhiều TCTD đã thắt chặt mọi khoản vay liên quan đến BĐS, thưa ông?

Theo tôi được biết, các TCTD vẫn xem xét cho vay tiêu dùng, trong đó có việc cho vay mua nhà, xây nhà… Tất nhiên, trong bối cảnh thị trường BĐS tăng trưởng nóng như hiện nay thì việc cho vay được TCTD cân nhắc rất thận trọng, điều này cũng là bình thường bởi lạm phát tăng mạnh, thị trường BĐS tăng trưởng nóng  đồng nghĩa với rủi ro tăng cao. Tôi mong khách hàng vay vốn ủng hộ, chia sẻ khó khăn với hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh hiện nay, việc vay vốn và cho vay  phải được cân nhắc, tính toán mới tạo ra sự lành mạnh cho nền kinh tế.

Mạnh Bôn thực hiện.
Mạnh Bôn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục