Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu như vậy trong cuộc họp ngày 15/1/2018, tổng kết năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ trưởng cũng cam kết trước Thủ tướng Chính phủ: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ quyết tâm giữ vững ngọn cờ cải cách, thắp sáng hơn nữa ngọn lửa đổi mới, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước…”.
Cơ hội và định hướng chiến lược 2018
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 có được là do nhiều nguyên nhân và bài học kinh nghiệm quý báu. Nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất chính là sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành sáng suốt và đúng đắn của Đảng và Chính phủ, kết hợp chặt chẽ với công tác lập pháp, giám sát hiệu quả của Quốc hội. Trong bối cảnh công cuộc đổi mới của đất nước đang diễn ra mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, Ban Chấp hành Trung ương đã kịp thời ban hành những nghị quyết đúng đắn về kinh tế, xã hội.
Bên cạnh đó, sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt và hiệu quả của Chính phủ trên tinh thần kiến tạo, hành động và phục vụ, với những giải pháp chính xác, kịp thời, bám sát các diễn biến của thực tế, kết hợp hài hòa giữa giải pháp ngắn hạn với giải pháp dài hạn, kiên định mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, thể hiện được bản lĩnh và trí tuệ, quyết tâm không lùi bước, nhưng cũng không tăng trưởng bằng mọi giá.
Cuối cùng là sự đoàn kết, thống nhất và sự nỗ lực, phấn đấu của toàn hệ thống chính trị, cùng với sự đồng thuận của toàn xã hội đã tạo nên sức mạnh dân tộc, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng.
“Đây là những nguyên nhân và bài học lớn của cả hệ thống và của nền kinh tế, cần được nhân rộng tới từng cơ quan, đơn vị và mỗi cá nhân. Toàn ngành, toàn cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ quán triệt các bài học kinh nghiệm, phát huy tối đa các mặt tích cực đã làm được trong năm 2017, nghiêm túc triển khai thực hiện nhanh hơn, hiệu quả hơn, thiết thực hơn và toàn diện hơn các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra”, Bộ trưởng nói.
Đánh giá về cơ hội và định hướng chiến lược cho năm 2018 cũng như nhiều năm tiếp theo, Bộ trưởng nhấn mạnh, những thành tựu đạt được trong năm 2017 là một cơ hội lớn.
Thứ nhất, các ngành, lĩnh vực sẽ tiếp tục xu thế tăng trưởng tốt; nhiều quyết sách đổi mới của Chính phủ tiếp tục phát huy hiệu quả; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ ngày càng hiệu quả.
Thứ hai, bối cảnh thế giới tuy có nhiều thay đổi và thách thức, nhưng cơ hội mở ra cho nền kinh tế nước ta là không ít. Trong đó, cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại là rất lớn, mở ra cơ hội tạo bước nhảy đột phá trong tăng trưởng và phát triển.
Về nguồn lực cho đầu tư phát triển, làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu sẽ tiếp diễn và thậm chí mạnh mẽ hơn trong năm 2018. Bộ trưởng đánh giá, đây là cơ hội tốt để chúng ta đón nhận, một mặt xây dựng định hướng chiến lược rõ ràng để thu hút dòng vốn này, mặt khác phải có sự lựa chọn hiệu quả hơn đối với các dự án đầu tư nước ngoài, trong đó tập trung vào các dự án lớn, các tập đoàn đa quốc gia, dự án có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.
Đặc biệt, đây là cơ hội để đẩy mạnh sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, hỗ trợ, bổ sung cho nhau cùng phát triển.
Liên quan đến cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, Bộ trưởng khẳng định, còn nhiều dư địa để cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh nhằm hướng tới mục tiêu ASEAN-4 mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đề ra. Điểm đặc biệt được nhấn mạnh là niềm tin của người dân, cộng đồng doanh nghiệp vào đường lối của Đảng, Nhà nước và tương lai phát triển của đất nước được củng cố.
“Đây là cơ hội lớn nhất để đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, nhất là trong công tác tham mưu chính sách. Với quyết tâm, các giải pháp đúng đắn, chính xác, kịp thời và sự đoàn kết, chung sức, chung lòng, chúng ta hoàn toàn tin tưởng sẽ làm lớn mạnh hơn niềm tin trong nhân dân và cộng đồng DN”, Bộ trưởng nói.
Sẽ thắp sáng hơn nữa ngọn lửa đổi mới
Thành quả của 30 năm đổi mới đã làm thay đổi hẳn diện mạo của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng cao, đời sống nhân dân được cải thiện, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nguy cơ tụt hậu vẫn rất nghiêm trọng.
Hiện thu nhập bình quân đầu người năm 2017 là 2.385 USD, chỉ tăng hơn so với năm 2016 là 170 USD và chỉ đứng thứ 127/178 quốc gia và vùng lãnh thổ, còn xa so với mục tiêu tăng bình quân từ 350-400 USD/năm để đạt mục tiêu tầm nhìn đến năm 2035 là 10.000 USD/người.
Nhưng đâu là động lực cho mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước có mức thu nhập cao, tăng trưởng và phát triển? Theo Bộ trưởng, động lực phát triển có thể thấy rõ ở 5 điểm lớn.
Một là, phát triển mạnh khu vực tư nhân đi đôi với bảo đảm các quyền về kinh doanh, tài sản, sử dụng đất đai, sở hữu trí tuệ cho DN; nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn lực gắn liền với đổi mới, sáng tạo; tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, tự do hóa thị trường các nhân tố sản xuất; thu hút hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài gắn liền với nâng cao năng lực DN trong nước, tăng cường liên kết giữa DN trong nước với DN nước ngoài.
Hai là, cải cách DN nhà nước và nâng cao hiệu quả đầu tư công, trong đó chú trọng đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn hiệu quả, hoạt động theo nguyên tắc thị trường, cạnh tranh bình đẳng. Cơ cấu lại đầu tư công gắn với cơ cấu lại tài chính công, cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công; tạo điều kiện để thực hiện hiệu quả đột phá về hạ tầng, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng trên nền tảng hiệu quả của hợp tác đối tác công-tư.
Ba là, phát triển nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo gắn liền với ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển các mô hình sản xuất thông minh, đô thị thông minh, tăng trưởng xanh, năng lượng sạch, tăng khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bốn là, phát huy tốt vai trò đầu tàu của các cực tăng trưởng, nhất là của 3 khu hành chính-kinh tế đặc biệt, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, 4 vùng kinh tế trọng điểm; phát triển mạnh kinh tế biển đang có nhiều lợi thế; phát triển nhanh các ngành mũi nhọn trên nền tảng công nghệ 4.0, gắn kết với thị trường quốc tế.
Năm là, xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế; nâng cao hiệu quả thực thi chính sách ở mọi cấp, mọi ngành, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
“Chúng ta đã vượt qua năm 2017 bằng cả bản lĩnh và trí tuệ”, Bộ trưởng nói và cho rằng, điều cần nhất là giữ vững quyết tâm, lòng kiên trì, sự nỗ lực, cố gắng để bước tiếp những bước vững chắc trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
“Năm 2017 là một năm thành công, nhưng không vì thế mà chúng ta hài lòng với kết quả đạt được. Trước mắt, năm 2018 vẫn còn rất nhiều thách thức và những nguy cơ, chỉ cần một chút lơ là, mọi thành quả và định hướng chiến lược sẽ đổ vỡ. Lịch sử luôn dõi theo mỗi bước đi, mỗi thành quả mà chúng ta đã đạt được. Tương lai luôn đón đợi chúng ta với cả khó khăn, thách thức và cơ hội”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Phải tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển
Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Xuân Phúc
Tham dự Hội nghị tổng kết 2017 và phương hướng, kế hoạch 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, thành tựu kinh tế năm 2017 có được là nhờ ý chí, chung sức của các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng DN, trong đó có sự đóng góp quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ đã làm tốt công tác tham mưu, tổng hợp đầu mối trong tham mưu, xây dựng và đề xuất các chính sách giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt giữ ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối các cán cân kinh tế.
Về công tác cải cách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ động vào cuộc, thu được kết quả đáng ghi nhận trong việc bãi bỏ giấy phép con, điều kiện kinh doanh bất hợp lý, đóng góp tích cực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao xếp hạng cạnh tranh và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Từ đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều bộ ngành đã đơn giản hoá thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Sáng nay, tôi đã ký bãi bỏ 655 thủ tục của Bộ Công thương, thủ tục rất lòng vòng, ai cũng kêu, giờ gỡ bỏ, đơn giản hóa, đây cũng là một thành tích lớn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công thương. Cần có nhiều bộ cũng mạnh dạn như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương và một số bộ dũng cảm dám từ bỏ quyền lợi để phục vụ nhân dân phát triển.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đánh giá cao tinh thần sáng tạo, chủ động trong vai trò xúc tiến đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, coi đây là một trong những tiền đề quan trọng để gia tăng hiệu quả hoạt động thu hút đầu tư tư nước ngoài, góp phần tăng mức vốn FDI kỷ lục trong năm 2017. Liên quan đến hoạt động của khu vực DN, theo Thủ tướng, con số 127.000 DN thành lập là một kỳ tích kỷ lục không thể thiếu vai trò và đóng góp rất lớn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
“DN là hạt nhân của sự phát triển và an sinh xã hội. Không có DN, không giải quyết việc làm được. Phải tạo mọi điều kiện để DN phát triển và tạo công ăn việc làm cho xã hội”, Thủ tướng chỉ đạo và ghi nhận, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã mạnh dạn đương đầu với nhiều quan điểm trái chiều để xây dựng và thông qua ban hành được bộ luật quan trọng tạo điều kiện cho DN phát triển là Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ.
Cùng với đó, người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định, những nỗ lực rất lớn vượt lên mọi quan điểm khác biệt và tư duy mạnh dạn xóa bỏ lợi ích ngành, cục bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình và ban hành được Luật Quy hoạch. Luật này góp phần thống nhất quy hoạch tổng thể quốc gia, bãi bỏ các loại quy hoạch ngành, sản phẩm chồng chéo, tạo điều kiện cho xây dựng quy hoạch tổng thể thống nhất đồng bộ để phát triển kinh tế-xã hội.