Sau các sự việc trên, giá cổ phiếu của các công ty này lao dốc không phanh, nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại lớn dẫn tới niềm tin của thị trường vào tính minh bạch bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Các thành phần tham gia thị trường gồm các nhà đầu tư (bao gồm cả nhà đầu tư tổ chức và cá nhân), các cơ quan quản lý, các nhà tạo lập thị trường, người nghiên cứu, các hãng phân tích và cả chính các công ty đang niêm yết thực sự quan tâm đến chất lượng BCTC và các vấn đề về quản trị lợi nhuận.
Theo đó, các phương pháp phát hiện các hành vi quản trị lợi nhuận hay thao túng BCTC phù hợp với thị trường Việt Nam là rất cần thiết trong bối cảnh các chủ thể thị trường đang nỗ lực nâng hạng thị trường lên thị trường mới nổi.
Ngày 15/12/2017 vừa qua, Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Thao túng báo cáo tài chính của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam”.
Hội thảo đã có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chứng khoán, kế toán, kiểm toán và các chuyên gia nghiên cứu, giảng viên các trường đại học kinh tế lớn. Đây cũng là đề tài nghiên cứu quan trọng của nhóm các giảng viên thuộc Đại học kinh tế.
PGS. TS. Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, các hành vi thao túng BCTC xuất hiện thường xuyên hơn trên thị trường tài chính trong hai năm gần đây và có tác động xấu đến niềm tin của nhà đầu tư, cũng như mức độ minh bạch của thị trường tài chính.
Còn theo đánh giá của TS. Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Kế toán - Kiểm toán Đại học Ngoại Thương, nguyên nhân chính của hành vi thâu tóm BCTC là vấn đề mâu thuẫn lợi ích. Các cổ đông nhỏ không có quyền kiểm soát công ty có thể bị xâm phạm lợi ích khi các cổ đông kiểm soát có hành vi gian lận BCTC.
Trước tình trạng trên, TS. Hà Thị Ngọc Hà, Phó chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) đã đưa ra hàng loạt các giải pháp trọng tâm nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu những hành vi tác động đến BCTC và lợi nhuận. Trong đó, tối ưu cấu trúc quản trị công ty, tăng cường chất lượng kiểm toán và chuyển đổi sang áp dụng chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRSs) đối với các doanh nghiệp niêm yết là thiết yếu. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng phải tự trang bị cho mình phương pháp tốt nhất trong việc phát hiện ra các hành vi thao túng BCTC, từ đó thực thi quyền giám sát các công ty niêm yết từ thị trường.
Cũng tại Hội thảo, ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam, đồng thời là chủ nhiệm chương trình đào tạo Phương pháp phát hiện gian lận BCTC doanh nghiệp niêm yết (Behind the Numbers) đã giới thiệu mô hình kiểm chứng và phát hiện ra các hành vi thao túng BCTC là F-Score và M-Score.
Hai mô hình định lượng các chỉ tiêu tài chính, phi tài chính nhằm khoanh vùng và phát hiện ra các hành vi bóp méo số liệu kế toán áp dụng cho các công ty niêm yết tại Việt Nam. Phương pháp phát hiện ra các hành vi này được thiết lập cụ thể từ xác định động cơ của hành vi, khoanh vùng bằng cách sử dụng mô hình định lượng, xác định các dấu hiệu và các thủ thuật thông dụng nhất trên thị trường tài chính.
Phương pháp trên sẽ đòi hỏi người sử dụng phải có hiểu biết về ngành nghề kinh doanh của công ty đang được đánh giá, hiểu về cấu trúc sở hữu và các kỹ thuật đánh giá các khoản dồn tích (Accrual test) kết hợp với các mô hình định lượng. Từ đó, người sử dụng có thể phát hiện ra các sai lệch cụ thể trên một BCTC.
Tại hội thảo, Đại học Kinh tế, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng tiến hành ký kết thoả thuận hợp tác với Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia). Theo đó, CMA sẽ hỗ trợ Đại học Kinh tế các vấn đề về chuyên môn, kinh nghiệm từ thị trường tài chính, đào tạo giảng viên và một phần chương trình CMA sẽ được tích hợp vào chương trình đào tạo thạc sỹ chất lượng cao do Đại học Kinh tế tổ chức. Học viên tham dự chương trình thạc sỹ có cơ hội lấy thêm chứng chỉ hội viên và trở thành một kế toán quản trị công chứng Úc (CMA).
Chi tiết tại website: www.afa.edu.vn www.ueb.edu.vn và www.cmaaustralia-vietnam.org